Châu Âu đối phó cúm A/H5N8
Ủy ban châu Âu vừa họp khẩn cấp nhằm đưa ra các biện pháp kịp thời đối phó với dịch cúm gia cầm chủng A/H5N8 đang lây lan tại các nước khu vực.
Ngày 17.11, khoảng 150 nghìn con gà tại một trang trại ở ngôi làng Hekendorp, Hà Lan bị tiêu hủy vì xuất hiện vi rút cúm gà. Ngay sau đó, trang trại này được tẩy trùng và phong tỏa. Đồng thời 16 trang trại khác trong bán kính 10km quanh làng Hekendorp được đóng cửa để thực hiện các xét nghiệm tìm vi rút cúm gia cầm. Chính phủ Hà Lan đã cấm vận chuyển gia cầm và trứng trên phạm vi toàn quốc trong vòng 4 ngày. Hiện Hà Lan là nước xuất khẩu gia cầm hàng đầu thế giới, trong đó có đến 6 tỷ quả trứng mỗi năm.
Hà Lan phong tỏa các nơi có ổ dịch cúm gia cầm để ngăn ngừa lây lan. |
Hà Lan là nước thứ hai của châu Âu phát hiện cúm gia cầm sau Đức. Vào đầu tháng 11, nhà chức trách Đức công bố phát hiện ra vi rút cúm gia cầm A/N5H8 của một nông trại ở bang Mecklenburg-Vorpommern, phía đông bắc nước Đức, làm chết hàng nghìn con. Trong khi đó, sau Hà Lan thì các giới chức nước Anh cho biết họ xác nhận các ca nhiễm cúm gia cầm tại một trại chăn nuôi vịt ở miền đông tỉnh Yorkshire, nơi hàng nghìn con gia cầm được tiêu hủy. Đây là trường hợp cúm gia cầm xuất hiện nghiêm trọng tại Anh kể từ năm 2008. Tuy nhiên, theo Bộ Môi trường, lương thực và các vấn đề nông thôn Anh, nguy cơ chủng vi rút cúm H5N8 gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng tại Anh là rất thấp.
Như vậy, kết quả xét nghiệm cho thấy vi rút cúm A/H5N8 tại châu Âu có cấu trúc gen tương tự như vi rút phát hiện ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản vào tháng 1.2014 và bắt nguồn từ sự tái tổ hợp các vi rút bao gồm cả vi rút cúm gia cầm A/H5N1 vẫn đang lưu hành ở châu Á. Vi rút cúm A/H5N8 được biết gây tỷ lệ tử vong cao ở gà, đặc biệt là gà tây, tuy nhiên tỷ lệ thấp hơn ở vịt (khoảng 20%) và không gây các biểu hiện ốm, chết ở vịt trời. Vi rút cúm A/H5N8 được ghi nhận rải rác trên các đàn gia cầm và chim hoang dại từ năm 2010 đến nay. Đáng chú ý, theo giới chuyên môn, phần lớn các chủng vi rút cúm gia cầm đều có thể vô hại với con người, ngoại trừ 2 chủng nguy hiểm là cúm A/H5N1 và A/H7N9.
Trước tình hình trên, Ủy ban châu Âu đã họp bàn sẵn sàng đối phó dịch cúm gia cầm. Người phát ngôn của tổ chức này ngày 18.11 cho biết, các biện pháp bảo vệ khoanh vùng đã được áp dụng tại các trang trại phát hiện ổ dịch cúm ở các quốc gia có ổ dịch nhằm khống chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Trong khi đó, Hàn Quốc thông báo từ ngày 17.11, tất cả sản phẩm gia cầm, kể cả gia cầm sống, từ các nước châu Âu phát hiện cúm gia cầm trên bị cấm nhập vào Hàn Quốc, nhằm ngăn chặn dịch cúm xâm nhập vào lãnh thổ. Hay tại Macedonia, nhà chức trách cũng vừa ban bố lệnh cấm tạm thời nhập khẩu thịt và trứng gia cầm từ Hà Lan, Đức và Anh.
QUỐC HƯNG