Người thầy "cháy" hết mình

X.PHÚ 20/11/2014 08:42

Được coi là một trong những “cây đa, cây đề” của môn sử học ngành giáo dục đất Quảng, thầy giáo Nguyễn Thành Khoa (Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) luôn “cháy” hết mình trên bục giảng và khá “mát tay” với phong trào học sinh (HS) giỏi.

Thầy giáo Nguyễn Thành Khoa. Ảnh: X.PHÚ
Thầy giáo Nguyễn Thành Khoa. Ảnh: X.PHÚ

Gần như năm nào tại kỳ thi HS giỏi quốc gia, đội tuyển sử Quảng Nam trong đó thầy Khoa làm “đầu tàu” cũng giành được giải cao. Đặc biệt, năm học 2013 - 2014, đội tuyển sử Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã giành 3 giải nhì và 2 giải khuyến khích quốc gia, là đội tuyển giàu thành tích nhất tại sân chơi trí tuệ này.

Luôn tìm tòi cái mới

Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm trước đây chưa có lớp chuyên sử. Do vậy, hàng năm sau khi các lớp chuyên khác tuyển chọn xong đội tuyển HS giỏi, thầy Nguyễn Thành Khoa mới mời những em yêu thích môn sử vào đội tuyển sử của mình. Kết quả thật đáng ngạc nhiên khi nhiều em giành giải cao tại kỳ thi HS giỏi tỉnh và sau đó giành giải quốc gia.

Thầy Khoa cũng cho biết, từng gặp rắc rối khi cái mới ban đầu không được chấp nhận. Đó là cách đây mấy năm, thay vì viết sáng kiến kinh nghiệm, thầy Khoa chuyển sang viết chuyên đề và bị chấm điểm 0. Tuy nhiên sau đó việc viết chuyên đề phục vụ giảng dạy của thầy Khoa đã được thừa nhận và hiện nay ngành khuyến khích giáo viên thực hiện.

Gắn bó với môn lịch sử trong hơn 31 năm qua, thầy Nguyễn Thành Khoa không lạ gì trước việc không ít HS xem nhẹ môn học này. Thầy Khoa cho rằng, xã hội hiện nay có một số người coi môn sử là môn phụ nhưng trong giáo dục không hề có khái niệm môn chính môn phụ, tất cả môn học đều có vai trò quan trọng như nhau. Học lịch sử là học quá khứ để hiểu hiện tại và vận dụng vào tương lai. Học sử là học làm người, giúp con người nâng cao nhận thức, có những nhận định đúng đắn về các sự kiện, vấn đề. Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến tình trạng “lơ là” môn sử trong học trò ngày nay, thầy Khoa nói: “HS không thích học môn sử, có nhiều lý do từ phía gia đình, xã hội. Học môn lịch sử nói riêng, các ngành xã hội nói chung khó tìm việc làm, thu nhập không cao bằng các ngành kinh tế, kỹ thuật nên các bậc phụ huynh thường hướng con em mình vào những môn học khác. Vả lại, nội dung chương trình giảng dạy của môn sử lâu nay không hấp dẫn được người học. Ngoài ra, lỗi một phần cũng đến từ phía người thầy vì họ chưa nhiệt huyết với công việc mà cả xã hội tôn vinh này”.

Tự nhận mình là một người nghiêm khắc trong công việc, tuy nhiên khi lên lớp thầy Khoa luôn cố gắng mang đến thật nhiều niềm vui cho học trò để giúp tiết học sôi động hơn. Theo thầy Khoa, đã theo nghề dạy học thì phải “cháy” hết mình trên bục giảng cho dù môn học của mình không được nhiều học trò quan tâm. Nghề dạy học là một nghệ thuật, đừng sợ “cháy” giáo án, cả thầy lẫn trò cùng thảo luận, cần khuyến khích các em đặt câu hỏi cho giáo viên càng nhiều càng tốt mới tạo ra tiết học có hiệu quả. Hỏi có buồn trước việc môn học của mình bị HS “chê”, thầy Khoa bảo không buồn dù thừa nhận đã từng gặp nhiều trường hợp trong giờ dạy môn sử của mình nhưng HS lại đem sách vở các môn khác ra học. “Được giảng dạy môn học mà mình đam mê, truyền đạt hết khả năng và chứng kiến nhiều học trò trưởng thành là niềm vui, hạnh phúc của mỗi người dạy học. Bây giờ nếu được chọn lại nghề và môn thì mình vẫn chọn nghề dạy học và môn sử” - thầy Khoa chia sẻ.

X.PHÚ

X.PHÚ