Chia sẻ với vùng cao
15 năm thực hiện chương trình kết nghĩa giữa “miền xuôi” và “miền ngược” là những câu chuyện thắm tình anh em.
Hình thức hỗ trợ con giống nhằm xây dựng mô hình cho nhân dân miền núi mang lại hiệu quả thiết thực. Ảnh: D.L |
Tấm lòng miền xuôi
Hơn 10 năm nay, TP.Tam Kỳ duy trì và thực hiện ngày càng tốt hơn việc giúp đỡ huyện nghèo Nam Trà My trên mọi lĩnh vực. Ông Bùi Ngọc Ảnh - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết: “Chủ trương kết nghĩa với các xã, huyện miền núi rất thiết thực, được chính quyền và nhân dân TP.Tam Kỳ thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm trong hơn 10 năm qua. Sự giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần, được duy trì đều đặn hằng năm. Đối với huyện nghèo Nam Trà My, có thể sự giúp đỡ trên tinh thần kết nghĩa anh em của Tam Kỳ thực sự chưa thấm vào đâu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhưng hy vọng sẽ góp thêm phần nào giúp Nam Trà My bớt khó khăn”.
Mỗi năm, UBND TP.Tam Kỳ trích ngân sách khoảng 200 triệu đồng mua 15 tấn gạo, và vận động các doanh nghiệp trên địa bàn giúp đỡ thêm về quà, giúp cho hộ nghèo, khó khăn của Nam Trà My ăn tết no ấm. Đối với các xã, phường của Tam Kỳ đều được phân công kết nghĩa với một xã của Nam Trà My. Trong năm đều có những đợt thăm hỏi, tặng quà với tổng kinh phí khoảng 50 triệu đồng/xã, phường do cán bộ, nhân dân đóng góp, hoặc giao lưu trao đổi kinh nghiệm công tác giữa các xã kết nghĩa ở 2 địa phương. Theo đó, các đơn vị, phòng ban của thành phố được phân công giúp đỡ huyện vùng cao Nam Trà My theo chuyên môn của từng lĩnh vực. Thành đoàn Tam Kỳ mỗi năm đều có chương trình tình nguyện về với Nam Trà My, giúp nhân dân làm đường giao thông, khám chữa bệnh, tặng quà hoặc giao lưu văn hóa văn nghệ... Điều đặc biệt là công tác kết nghĩa này đã lan tỏa đến những trường học, với sự giúp đỡ những bộ sách, tập vở do học sinh quyên tặng cho học sinh ở Nam Trà My. Năm 2013, TP.Tam Kỳ đã hỗ trợ Nam Trà My toàn bộ kinh phí hơn 4 tỷ đồng xây dựng trung tâm bồi dưỡng chính trị.
Hoặc như huyện Điện Bàn kết nghĩa với huyện Đông Giang, đã trợ giúp Đông Giang với số tiền hàng tỷ đồng, xây dựng Trường THCS Võ Thị Sáu, xây nhà cho hộ nông dân nghèo, nhà đại đoàn kết, tặng quà, học bổng cho học sinh. Huyện đoàn Điện Bàn phát động chương trình “Ấm áp mùa đông - xuân tình nguyện” mang đến cho thiếu nhi Đông Giang hàng trăm chiếc áo ấm mới, đồ chơi, khám bệnh, cấp thuốc cho nhân dân và học sinh... Hay chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Quảng Nam kết nghĩa với xã Lăng (Tây Giang) với hơn 1,5 tỷ đồng mỗi năm giúp nhân dân xã Lăng xây nhà tình nghĩa, tặng quà, mua con giống hỗ trợ nhân dân xây dựng mô hình sản xuất. Cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh giúp đỡ xã Tư (Đông Giang) xây nhà tình nghĩa, tặng quà cho gia đình nghèo, hỗ trợ vốn mua con giống theo hình thức quay vòng, hỗ trợ UBND xã trang thiết bị phục vụ công tác và sinh hoạt...
Lan tỏa nghĩa tình
Năm 1999, tỉnh bắt đầu có chủ trương thực hiện công tác kết nghĩa giúp đỡ các xã miền núi, vùng cao xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các huyện, xã miền núi đặc biệt khó khăn. Đến năm 2012, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục có chỉ thị, công văn tăng cường thực hiện công tác kết nghĩa này. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 75 đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp tham gia cuộc vận động kết nghĩa giúp đỡ xã, huyện nghèo miền núi, với giá trị giúp đỡ về vật chất hàng tỷ đồng mỗi năm.
Ông Nguyễn Khắc Tưởng - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh nhận định: “Sự giúp đỡ giữa các đơn vị, địa phương với các huyện miền núi bao gồm nhiều mặt, từ công tác xây dựng Đảng, chính quyền và đoàn thể ở cơ sở đến hỗ trợ phát triển kinh tế, hoạt động xã hội. Có nhiều đơn vị còn vận động các doanh nghiệp cùng tham gia giúp đỡ các xã, huyện miền núi như Đảng ủy Khối các cơ quan, Sở LĐ-TB&XH, Báo Quảng Nam, Sở Xây dựng... Công tác kết nghĩa của tỉnh không chỉ đơn thuần là cuộc vận động nữa mà đã thành trách nhiệm của các đơn vị, ngành, địa phương. Sự giúp đỡ này thực sự quý báu đối với chính quyền và nhân dân miền núi, vùng cao của tỉnh, tác động cả về nhận thức lẫn đời sống vật chất, tinh thần cho người dân miền núi, giúp hai miền xuôi - ngược ngày càng gần gũi, gắn bó với nhau hơn”.
Nhằm giúp các xã, huyện miền núi giảm hộ nghèo một cách bền vững, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo trong thời gian tới sự giúp đỡ sẽ bám sát thực tiễn hộ nghèo ở địa phương. Theo đó, các đơn vị sẽ khảo sát và chọn 2 - 3 hộ nghèo tại một xã, xây dựng kế hoạch và giải pháp sát sườn, tập trung nguồn lực hỗ trợ bằng hình thức phù hợp, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Đồng thời hình thức tặng quà nhân dịp lễ tết sẽ thay đổi bằng việc hỗ trợ, tặng cây, con giống, xây dựng các mô hình sản xuất cho người dân miền núi và hướng dẫn thực hiện mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các đơn vị, sở ngành của tỉnh nhận đỡ đầu, tạo việc làm cho sinh viên là người dân tộc thiểu số từ khi đi học đến khi ra trường, sau đó có thể chuyển giao về lại huyện miền núi nhằm tạo chất lượng nguồn nhân lực cho các huyện miền núi...
DIỄM LỆ