Nhân lên tình thương

VINH ANH 18/11/2014 09:22

Chỉ đơn giản là một nắm gạo góp cho người nghèo đủ bữa cơm no, đã tạo nên hình ảnh đẹp của tình làng nghĩa xóm…

Bà Lương Thị Nguyệt (tổ 5, thôn Phiếm Ái 2) nhận gạo giúp đỡ của bà con trong thôn. Ảnh: VINH ANH
Bà Lương Thị Nguyệt (tổ 5, thôn Phiếm Ái 2) nhận gạo giúp đỡ của bà con trong thôn. Ảnh: VINH ANH

“Hạt gạo tình thương, đồng tiền nhân ái”

Trong những ngày hội đoàn kết, tại nhiều khu dân cư của huyện Đại Lộc, người dân vẫn không quên dành tình cảm, sẻ chia với những người kém may mắn hơn. Phong trào “Hạt gạo tình thương, đồng tiền nhân ái” ra đời là một việc làm đầy ý nghĩa. Đây là phong trào do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phát động, được nhiều địa phương thực hiện và duy trì trong nhiều năm qua. Thôn Phiếm Ái 2 (xã Đại Nghĩa) là một trong nhiều khu dân cư thực hiện có hiệu quả phong trào này. Trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân, một góc nhỏ của sân nhà văn hóa dành riêng để tiếp nhận đóng góp này. Ông Nguyễn Thanh - Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Phiếm Ái 2 cho biết, đây là lần thứ 7 thôn tổ chức vận động nhân dân đóng góp giúp đỡ người nghèo nhân ngày hội đại đoàn kết. Mỗi người dân có thể tham gia đóng góp 1kg gạo/hộ hoặc 10 nghìn đồng/hộ. Ngay sau khi kết thúc ngày hội đại đoàn kết, ban tổ chức sẽ chia đều số gạo và tiền để trao tặng cho những hộ đặc biệt khó khăn trong thôn. “Năm nay, thôn chúng tôi đã vận động được gần 200kg gạo tặng người nghèo, trung bình mỗi người được nhận khoảng 17kg. Mỗi hộ đóng góp chỉ 1kg gạo nhưng gộp lại cả tập thể được con số tương đối để dành tặng cho người khó khăn. Vật chất không lớn nhưng tình cảm mới quan trọng. Qua phong trào này, bà con thêm yêu thương, gắn kết với nhau hơn” - ông Thanh nói. Là hộ neo đơn nên bà Lương Thị Nguyệt (83 tuổi, tổ 5, thôn Phiếm Ái 2) nhiều năm nay đều đặn nhận sự giúp đỡ của cộng đồng, đặc biệt là bà con trong thôn. Bà Nguyệt xúc động: “Hôm nay đến dự ngày hội đoàn kết với bà con nhân dân lại được xem văn nghệ, rồi còn được nhận gạo hỗ trợ của bà con giúp đỡ, tôi vui lắm!”.

Thay đổi nhận thức

 “Hiện nay, hình thức giúp đỡ cho người nghèo đã dần thay đổi theo hướng tạo sinh kế. Cũng là sự giúp đỡ nhưng chúng tôi đã vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ người nghèo bằng cách trao bò, heo giống hoặc phương tiện sản xuất cho họ. Cái chính ở đây là nhằm thay đổi nhận thức của cả người được cho và người cho, qua đó mong muốn người nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững”.
(Nguyễn Công Thanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đại Lộc)

Báo cáo 1 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ở thôn Phiếm Ái 2 cho thấy những kết quả nổi bật. Đời sống người dân đã không ngừng thay đổi, dù đây là một địa phương có đến 70% người dân làm nông nghiệp. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của thôn 20 - 22 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, nhân dân trong thôn luôn tích cực thực hiện nếp sống vă hóa, ứng xử văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng quy ước, hương ước việc cưới, việc tang và lễ hội. Nổi bật nhất vẫn là phong trào giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trong năm, Quỹ vì người nghèo của thôn đã vận động được gần 5 triệu đồng. Ngoài ra, còn vận động nhân dân thực hiện tốt công tác nhân đạo, từ thiện, khuyến học, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm (hiện nay thôn còn 23 hộ nghèo chiếm 6,7%). Trong đó, có những người con quê hương của thôn đã đóng góp những số tiền lớn để xây dựng các công trình cho thôn, giúp đỡ người nghèo như ông Phan Ngọc Anh (doanh nghiệp sản xuất gạch) đã tài trợ hơn 1,2 tỷ đồng để xây dựng khu sinh hoạt văn hóa cho thôn với nhiều hạng mục như hội trường, sân bóng đá, bóng chuyền, khu xây xanh,…

Ông Nguyễn Công Thanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đại Lộc cho biết, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” là nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt của tổ chức Mặt trận. Đây là một việc làm đầy tính nhân văn, nhân ái, thông qua đó xác định vai trò của Mặt trận trong vấn đề xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống giàu mạnh, ấm no. Với nhiệm vụ xuyên suốt đó, những năm qua, Đại Lộc luôn nỗ lực vì người nghèo. Nhân Tháng cao điểm ngày vì người nghèo năm 2014, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cũng đã phát động và tuyên truyền sâu rộng trong toàn huyện ý nghĩa của cuộc vận động. Đến nay, sau một tháng phát động, các địa phương, đơn vị đã trực tiếp giúp đỡ, trao phương tiện sinh kế, xây nhà đại đoàn kết cho người nghèo, tổng trị giá khoảng 300 triệu đồng. Và Quỹ vì người huyện Đại Lộc năm 2014 đã tiếp nhận được trên 1,1 tỷ đồng (vượt nghị quyết đề ra). Trong đó, đã xây dựng được 170 nhà đại đoàn kết với mức hỗ trợ 20 - 40 triệu đồng/nhà cho hộ nghèo. Chủ trương của huyện Đại Lộc trong năm 2014 là hướng đến việc xóa nhà tạm ở khu dân cư. Hiện nay, đã có 2 xã Đại Hòa và Đại An xóa hoàn toàn nhà tạm ở 20 khu dân cư.

VINH ANH

VINH ANH