Siết chặt quản lý khoáng sản
Khoáng sản trong lòng đất tiếp tục bị “rút ruột”, gây thất thoát tài nguyên có nguyên nhân từ kẽ hở của công tác quản lý nhà nước, vì vậy giữa các ngành và chính quyền các cấp cần vào cuộc đồng bộ.
Thiếu chặt chẽ
Phần lớn khoáng sản vàng gốc ở các huyện miền núi trong tỉnh đều phân bố tập trung hoặc rải rác dưới các cánh rừng tự nhiên nên nhiệm vụ bảo vệ rừng, khoáng sản tuy hai mà một. Một phản ứng dây chuyền là nơi nào bị tận thu khoáng sản trái phép thì nơi đó sẽ kéo theo hệ lụy rừng cũng xâm hại theo. Thời gian qua, lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa rừng phòng hộ sông Vàng (thuộc xã Tư, Đông Giang) và rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) nên đối tượng khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép đã lộng hành, đặc biệt xã Tư luôn là “điểm nóng” khai thác vàng và rừng trái phép. Chính vì vậy, 3 tháng qua, các ngành chức năng của tỉnh và huyện Đông Giang đã lập tổ công tác đặc biệt, chốt chặn thường xuyên ở các cửa ngõ ra vào nên một số điểm đã tạm lắng yên. Thực tế việc mua sắm trang thiết bị, di chuyển máy móc vào rừng tốn kém, chi phí lớn nên vàng tặc - lâm tặc cố thủ trong rừng, chờ lực lượng “gác cổng rừng” lơ là, chủ quan là sẵn sàng hủy hoại tài nguyên rừng. Việc cán bộ quản lý địa bàn vùng giáp ranh thiếu chặt chẽ phối hợp trong thi hành nhiệm vụ là một trong những nguyên nhân khiến rừng phòng hộ sông Vàng bị xâm hại dai dẳng. Ông Bùi Văn Thảo, Phó Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Đông Giang cho biết, mỗi lần truy quét hiện trường, các đối tượng nhanh tay di chuyển máy móc cất giấu, hoặc chạy dạt về bên địa phận Đà Nẵng lánh nạn.
Lực lượng chức năng đốt phá lán trại khai thác vàng trái phép ở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My). Ảnh: T.H |
Đáng lo hơn, các doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động, trong khi chờ Bộ Tài nguyên – môi trường gia hạn giấy phép đã lén lút vơ vét tài nguyên, gây thất thoát nguồn ngân sách cho Nhà nước. Trên các quả đồi xã Phước Hiệp (Phước Sơn) tiếp giáp với địa điểm hầm lò khai thác của các Công ty TNHH Ngọc Lĩnh, Công ty TNHH Hữu Minh và Công ty CP Khoáng sản SSG chi nhánh Quảng Nam (giấy phép hết thời hạn) là cảnh tượng nham nhở, biến dạng địa hình. Đây là hệ lụy của nạn khai thác “tận thu” khi chưa được tiếp tục cấp phép. Khi ngành chức năng kiểm tra thì phát hiện không ít doanh nghiệp đã tranh thủ mở rộng tọa độ khai thác, lập lán trại, xưởng chế biến mỏ nằm ngoài phạm vi ranh giới cho phép. Điển hình, cách đây không lâu, Công ty TNHH MTV Trường Sơn dù đã hết hạn khai thác nhưng vẫn đem hàng chục lao động tận thu quặng bình thường như có giấy phép. Diện tích xây dựng nhà máy, lán trại công nhân và bể xử lý nước thải của công ty này nằm ngoài giấy phép đã hết hạn nhưng chưa lập hồ sơ thuê đất đúng quy định.
Khoanh định vùng khoáng sản
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, hiện có 14 giấy phép khai thác khoáng sản vàng gốc đã được UBND tỉnh cấp phép trước khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực nay đã hết hạn. Ngay từ khi được cấp phép khai thác, các doanh nghiệp đã đầu tư thiết kế cơ bản mỏ khá hoàn chỉnh, đầu tư công nghệ tiên tiến; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước; mỗi doanh nghiệp thu hút trên 100 lao động tại địa phương vào làm việc. Việc đầu tư vào mỏ tương đối lớn nhưng chỉ khai thác được một phần trữ lượng thì giấy phép hết hạn nên các doanh nghiệp có đơn đề nghị gia hạn giấy phép. Nếu không gia hạn giấy phép cho doanh nghiệp thì tình trạng tận thu trái phép sẽ tái diễn, quản lý không xuể. |
Ông Bùi Văn Ba – Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên – môi trường) cho biết, trong 8 khu vực có khoáng sản phân tán, với 7 doanh nghiệp đang làm thủ tục hồ sơ gia hạn, ngành đã phối hợp với Tổng cục Địa chất – khoáng sản rà soát kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp thuê đơn vị tư vấn độc lập đánh giá lại trữ lượng tài nguyên. Hiện UBND tỉnh đã thẩm định đang chờ quyết định của Bộ Tài nguyên – môi trường. Trong cuộc làm việc với UBND tỉnh mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất – khoáng sản Việt Nam Nguyễn Văn Thuấn cho biết, việc rà soát, đánh giá lại các điểm khoáng sản nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh tốn nhiều thời gian. Do vậy, Bộ Tài nguyên – môi trường mới điều tra và ra thông báo giao, khoanh định được 4 khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ đợt 1 và 5 khu vực tại đợt 2. Về việc hồ sơ thủ tục xin gia hạn, theo ông Thuấn, trung ương chỉ xem xét doanh nghiệp khai thác vàng gốc có năng lực tài chính, thực hiện tốt trách nhiệm với địa phương như bảo vệ môi trường, đóng góp thuế…; tuyệt đối không cấp giấy phép khai thác vàng mới ở các khu vực không nằm trong quy hoạch. Ông Bùi Văn Ba nhận định, khi Bộ Tài nguyên – môi trường đồng ý gia hạn giấy phép cho doanh nghiệp, công bố khoanh định vùng khoáng sản phân tán, lúc đó tỉnh sẽ quản lý chặt chẽ và cương quyết hơn.
Nhằm siết chặt quản lý có hiệu quả tài nguyên, ngành nông nghiệp cũng đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm kiên quyết xử lý các đối tượng vào rừng vơ vét khoáng sản; kế hoạch truy quét vào mùa mưa vừa kết hợp đẩy đuổi lâm tặc với vàng tặc. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn, trước hàng loạt vụ phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép gần đây, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, chính quyền các huyện, thành phố tăng cường các biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động xâm hại tài nguyên rừng. Trong đó, nội dung trọng tâm yêu cầu thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 15.4.2011 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp lặp lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; chỉ thị về tăng cường các biện pháp quản lý phương tiện, dụng cụ đưa vào rừng trái phép; tăng cường lực lượng truy quét ở các “điểm nóng”.
TRẦN HỮU