Dạy nghề cho phụ nữ nghèo
Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp (GDTX-HN) huyện Duy Xuyên đã dạy nghề cho 1.000 lao động, đặc biệt là phụ nữ nghèo, với các nghề truyền thống để tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập gia đình.
Học nghề, có việc làm tại chỗ
Học nghề đan mũ, túi xách, hộp đựng quà... từ cây cói là niềm vui của chị Nguyễn Thị Tiến cùng 19 phụ nữ ở thôn Đông Bình (Duy Vinh). Sau 2 tháng được giáo viên của Trung tâm GDTX-HN huyện tận tình hướng dẫn theo cách “cầm tay chỉ việc”, các chị đã đan được những sản phẩm từ nguyên liệu cói xinh xắn để bán cho du khách. Chị Tiến cho biết: “Mỗi ngày tôi làm được 2 sản phẩm, tiền công 40 nghìn đồng. Việc cũng nhẹ nhàng, rảnh khi nào thì đan khi ấy, có thêm thu nhập để chi tiêu trong gia đình”. Tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, các sản phẩm cói lại có đầu ra nên nghề này được nhiều phụ nữ ở các xã Duy Phước, Duy Vinh lựa chọn. Hơn 4 năm, đã có 8 khóa đào tạo nghề dệt chiếu kỹ thuật mới, đan các sản phẩm từ cói được Trung tâm GDTX-HN huyện Duy Xuyên tổ chức, với 240 phụ nữ tham gia. Cùng với nghề chiếu cói, nghề làm chổi đót, mây tre đan xuất khẩu cũng được trung tâm tổ chức đào tạo tại chỗ để giúp phụ nữ nghèo, lao động trẻ nông thôn có cơ hội việc làm, phát huy nghề truyền thống địa phương. Bà Nguyễn Thị Nho, ở thôn La Tháp Đông (Duy Hòa) cho biết, trong gần 2 năm vừa học vừa làm, hiện bà có thể đan được 2 sản phẩm khay mây xuất khẩu mỗi ngày; mỗi sản phẩm được trả công 40 nghìn đồng. “Công việc đan mây tre xuất khẩu cũng không quá khó, bất kể ngày hay đêm thời gian nào làm cũng được. Nguyên liệu mây tre được Tổ hợp tác mây tre thôn La Tháp Đông mang đến tận nhà, sản phẩm làm xong có thành viên tổ đến nhận tại chỗ”.
Nghề đan mũ, túi xách bằng nguyên liệu cói giúp phụ nữ vùng Đông huyện Duy Xuyên có việc làm ổn định, tăng thu nhập. Ảnh: L.P.L.N |
Ông Văn Công Khánh - Tổ trưởng tổ hợp tác mây tre thôn La Tháp Đông cho biết, thôn hiện có 50 hộ làm nghề mây tre đan tham gia vào tổ hợp tác. Các gia đình thành viên trong tổ được Trung tâm GDTX-HN huyện đào tạo nghề, hỗ trợ kỹ thuật, mẫu mã và cung cấp nguyên liệu để đan khay mây xuất khẩu, có thu nhập ổn định cho gia đình. “Những đợt cao điểm, tổ hợp tác thu gom 400 sản phẩm khay mây tập trung về ủ sấy để giao cho đối tác. Nghề mây tre đan xuất khẩu ở thôn La Tháp Đông phát triển khá ổn định, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ và lao động nông nhàn. Người dân trong thôn rất mong được Trung tâm GDTX-HN huyện hỗ trợ mở thêm các lớp dạy nghề mây tre đan để tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân địa phương” - ông Khánh nói.
Tạo việc làm mới
Được sự hỗ trợ của dự án “Phát triển kinh tế xã hội có lồng ghép giới tại Quảng Nam”, Trung tâm GDTX-HN huyện Duy Xuyên đã tổ chức hơn 30 lớp dạy nghề cho gần 1.000 lao động trên địa bàn. Ông Lê Văn Công - Giám đốc Trung tâm GDTX-HN huyện Duy Xuyên, cho biết: “Trong quá trình đào tạo nghề, trung tâm đã liên kết chặt chẽ với các công ty, xí nghiệp, các khu du lịch trong và ngoài huyện để ký thỏa thuận đào tạo và nhận công nhân, hoặc thuê khoán làm sản phẩm với các doanh nghiệp trên địa bàn trước khi mở các lớp đào tạo. Nhờ đó, hơn 80% số học viên sau khi tham các khóa đào tạo có việc làm chính thức tại các công ty và tại nhà. Riêng các khóa may công nghiệp, tùy theo nguyện vọng và điều kiện gia đình, số đông học viên được nhận vào các Xí nghiệp May Hòa Thọ, Huy Hoàng, Si-đô Hàn Quốc; một số nhận hàng may cho các xí nghiệp hoặc may áo quần dân dụng tại nhà”.
Ông Quảng Văn Trái - Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất kinh doanh hàng mỹ nghệ Trà Nhiêu (Duy Vinh) - đơn vị hợp tác với Trung tâm GDTX-HN huyện Duy Xuyên, cho biết: “Thay vì dệt chiếu truyền thống, phụ nữ ở đây có thể làm thêm sản phẩm du lịch từ cói được tiêu thụ tại các điểm du lịch Trà Nhiêu, Mỹ Sơn, Hội An và các chợ trong và ngoài huyện”. Ông Văn Công Khánh - Tổ trưởng tổ hợp tác mây tre La Tháp Đông, cũng cho biết: “Trung tâm GDTX-HN huyện Duy Xuyên đã phối hợp với HTX Bảo Trung - đơn vị chuyên sản xuất hàng mây tre xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản - để bảo đảm đầu ra, tạo điều kiện cho bà con an tâm làm ăn. Nghề truyền nghề, vợ chồng, con cái trong các gia đình thành viên cũng tham gia đan mây tre xuất khẩu. Sản phẩm làm ra được tổ hợp tác đến tận nhà thu nhận và trả công rất thuận lợi”.
Trong khi nhiều Trung tâm GDTX-HN trên địa bàn tỉnh hoạt động cầm chừng hoặc ngưng hoạt động thì Trung tâm GDTX-HN huyện Duy Xuyên vẫn duy trì đều đặn hoạt động dạy nghề là một nỗ lực rất lớn. Thông qua dạy nghề và hỗ trợ việc làm, nhiều phụ nữ nghèo, đối tượng yếm thế trên địa bàn huyện Duy Xuyên có việc làm ổn định, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và được nâng cao năng lực để hòa nhập cộng đồng...
LÊ PHƯỚC LAN NHI