Sống trong lòng nhân ái
Ở Quế Sơn có nhiều câu chuyện cảm động về lòng nhân ái giữa con người với con người. Ngày càng nhiều hơn những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống được giúp đỡ, sẻ chia.
10 hộ giúp 1 hộ
Nhắc đến hoàn cảnh gia đình ông Nguyễn Văn Nhứt (thôn Phú Dương, Quế Thuận), nhiều người không khỏi xót xa. Bản thân ông Nhứt là lao động chính trong nhà nhưng một cơn tai biến đã khiến ông nằm liệt giường. Sau thời gian dài cố gắng tập luyện, nay ông Nhứt đã đứng dậy đi lại và trò chuyện được. Trong khi đó, vợ ông bị tâm thần thể nhẹ, 2 người con đều tâm thần nặng đã được chuyển vào Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần tỉnh. “May nhờ có bà con chòm xóm, không thì vợ chồng tôi không biết sống bằng cái chi. Tháng mô bà con cũng góp tiền, góp gạo cho gia đình tôi có cái ăn. Đến căn nhà ni cũng được xây cho, chứ không thì biết ở mô” - ông Nhứt chia sẻ.
Sự giúp đỡ của xóm làng với mô hình “10 hộ giúp 1 hộ” là chỗ dựa vững chắc khi gia đình ông Nguyễn Văn Nhứt (thôn Phú Dương, xã Quế Thuận) lâm vào cảnh khó khăn. Ảnh: D.L |
Hay như hoàn cảnh đơn côi của bà Nguyễn Thị Nhí (thôn Phú Đông, Quế Thuận), cuộc sống bớt khó khăn hơn cũng vì được hàng xóm láng giềng chung tay giúp đỡ. Từ căn nhà đại đoàn kết được xây dựng bằng nguồn hỗ trợ của Ủy ban MTTQ huyện Quế Sơn và sự giúp đỡ về ngày công của bà con lối xóm, đến từng bữa ăn của bà cũng do láng giềng chia sẻ. Bà Nhí rưng rưng nói: “Tôi một thân một mình, lại hay đau ốm, được xét cho nhận bảo trợ xã hội mỗi tháng 360 nghìn đồng. Rồi bà con láng giềng người góp lon gạo, người giúp thêm ít tiền nên mình tôi cũng sống qua ngày. Nếu không có tình nghĩa xóm giềng, tôi không biết sống nhờ vào đâu nữa”.
Đó chỉ là 2 trong số 10 trường hợp được giúp đỡ theo mô hình “10 hộ giúp 1 hộ” ở xã Quế Thuận, mà nổi bật nhất chính là ở thôn Phú Dương. Ông Nguyễn Văn Tâm - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Phú Dương chia sẻ: “Lúc đầu, khi xã phát động mô hình “10 hộ giúp 1 hộ”, tôi cũng băn khoăn lắm, không biết có thực hiện được không. Khi có chủ trương từ huyện, xã, chúng tôi triển khai rộng rãi trong nhân dân, vận động bà con bằng tình cảm láng giềng tương thân tương ái, giúp nhau qua cơn khốn khó. Mô hình này không phải là bắt buộc, các hộ tùy tâm mà giúp đỡ, có tiền góp tiền, không tiền thì góp vài lon gạo. Trường hợp được hỗ trợ là người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không còn chỗ nương tựa, tâm thần, đau ốm nặng...”. Mô hình này ở Quế Sơn được triển khai và lan tỏa bằng tấm lòng nhân ái, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Bởi, những hộ tham gia mô hình cũng chẳng khá giả chi, thậm chí có người còn nằm trong hộ nghèo, nhưng thấy người khác khó hơn nên giúp thêm lon gạo. Ông Tâm cho biết, thôn Phú Dương có 7 tổ đoàn kết thì mô hình này đã được thực hiện ở 4 tổ từ năm 2012. Trong năm 2014, Phú Dương có thêm một trường hợp rơi vào hoàn cảnh quá khó khăn, những người làm công tác quân dân chính thôn chủ công đứng ra thực hiện mô hình “10 hộ giúp 1 hộ”.
Thiết thực sẻ chia
Ông Hồng Quang Minh - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Quế Sơn cho biết: “Quế Sơn có rất nhiều mô hình hiệu quả trong chương trình giúp đỡ người nghèo, do nhiều cơ quan, đơn vị, đoàn thể thực hiện. Đối với Hội Chữ thập đỏ huyện, mô hình “10 hộ giúp 1 hộ” phát động xây dựng từ năm 2012 trong toàn huyện đã góp phần sẻ chia với những người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”. Theo cảm nhận của chúng tôi, cái hay của mô hình là vì nguồn lực tại chỗ nên huy động nhanh, hộ này chưa có điều kiện thì đã có những hộ khác trong nhóm góp sức nên sự hỗ trợ giữ được tính bền vững, đồng thời khơi dậy tình làng nghĩa xóm.
Như nhiều địa phương khác, “Hũ gạo tình thương” cũng là một địa chỉ nhân đạo rất thiết thực ở Quế Sơn. Ở địa phương này, những “Hũ gạo tình thương” được đặt tại các cơ sở máy xay xát trên toàn huyện. Mô hình này do Hội LHPN huyện chủ công, phát động triển khai rộng khắp trên địa bàn. Nguồn gạo được quyên góp trên tinh thần tự nguyện của người dân, mỗi người mỗi ít để giúp đỡ những người nghèo khó. Hay trong hệ thống các ngành, cơ quan ở Quế Sơn, bằng sự đóng góp của cán bộ, công nhân viên chức, toàn huyện đã nhận đỡ đầu được 36 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ mỗi trường hợp mức 300 - 500 nghìn đồng/tháng, đóng góp ủng hộ thêm quần áo, sách vở, quà... để các em có điều kiện đến trường.
Đối với những người con xa quê hương, cuộc vận động vì người nghèo của huyện Quế Sơn cũng đã được hưởng ứng bằng tình cảm chân thành. Nhiều khi chỉ đơn giản là “vận động được gì thì cho nấy, đủ mua một con bò thì cho con bò” theo cách làm của Hội đồng hương xã Quế An tại TP.Hồ Chí Minh. Cũng có trường hợp được Hội đồng hương xã Quế An tại TP.Hồ Chí Minh nhận đỡ đầu với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng như gia đình anh Nguyễn Ngọc Phước (thôn Đông Sơn). Được biết, anh Phước là lao động chính trong gia đình nhưng bị tai nạn lao động nên rơi vào cảnh phải nằm một chỗ. Nói về tấm lòng của những người con xa quê, ông Minh chia sẻ: “Tôi đã vào TP.Hồ Chí Minh gặp những người con Quế Sơn, không phải chỉ ai giàu có, khá giả mới về quê làm từ thiện, mà cả những người buôn gánh bán bưng cũng gom góp khi ít khi nhiều gửi cho đại diện hội đồng hương mang về giúp người nghèo ở quê. Những tấm lòng thơm thảo ấy thực đáng quý biết bao”.
D.LỆ - V.ANH