Những cây cầu nghĩa tình
Bằng sự sẻ chia, những cây cầu tình nghĩa do các tổ chức, cá nhân đóng góp đã nối những bờ vui nơi vùng cao đất Quảng.
Dù chỉ là cầu tạm để người dân vượt lũ, tuy nhiên 4 cây cầu do thanh niên Công an huyện Tây Giang và thanh niên địa phương tình nguyện thực hiện đã làm cho người dân thôn Rbượp (xã A Tiêng huyện) hết sức phấn khởi. Do địa hình núi cao, vực sâu nên cứ đến mùa mưa bão, 88 hộ dân thuộc 3 khu dân cư với 376 nhân khẩu tại thôn Rbượp phải sống trong cảnh chia cắt bởi 4 con suối lớn nhỏ vì không có cầu qua lại. Để giúp bà con thôn Rbượp bớt khó khăn trong việc đi lại mùa mưa bão, giảm những rủi ro đáng tiếc xảy ra, 4 chiếc cầu tạm làm bằng cây rừng, đá suối đã được các đoàn viên thành niên xây dựng đã nối liền tuyến đường từ trung tâm huyện đi thôn Rbượp. Mỗi cây cầu dài khoảng 20 - 30m, rộng 2m, đủ để người đi bộ và cả xe máy qua được... Mùa mưa bão năm nay, người dân nơi đây không sợ bị chia cắt nữa vì đã có những cây cầu tạm mang tên “cây cầu thanh niên tình nguyện”. Thượng úy Ngô Văn Thìn - Bí thư Chi đoàn Công an huyện Tây Giang chia sẻ: “Nhìn thấy hoàn cảnh của người dân thôn Rbượp, nhất là mỗi mùa lũ phải cách trở, chia cắt, thanh niên chi đoàn Công an huyện và thanh niên địa phương đã ra quân với quyết tâm thông suốt tuyến đường cho bà con đi lại. Mặc dù chỉ là cầu tạm nhưng sẽ giúp cho bà con bớt khó khăn”.
Thanh niên bắc cầu qua suối. Ảnh: X.M |
Tại thôn Vinh (xã Tà Pơ, huyện Nam Giang), cảm thông với khó khăn của người dân bản mình, anh Cor Dênh đã tự bỏ tiền túi hơn 400 triệu đồng để xây cầu để bà con trong bản được đi lại thuận tiện. Để làm được cây cầu, anh Cor Dênh đã phải nhiều lần làm công tác tư tưởng với vợ và dòng tộc. Bởi đối với một gia đình nông dân nghèo, lại bỏ ra số tiền khá lớn, phục vụ cho lợi ích chung của cả cộng đồng là việc xưa nay hiếm. Anh Dênh cho biết: “Lúc đầu vợ bảo rằng cầu là cho mọi người cùng đi, một mình bỏ tiền ra xây thì cũng khó khăn. Tuy nhiên sau nhiều lần họp gia đình, làm công tác tư tưởng nên vợ mình thông suốt và đồng ý cho làm cầu”.
Từ khi có cây cầu này, người dân thôn Vinh rất thuận tiện trong việc vận chuyển lương thực và đi lại. Gia đình ông Alăng Chước ở thôn Vinh đang sửa lại ngôi nhà mới. Chỉ cần một chiếc xe rùa, ông và các con rất dễ dàng vận chuyển gạch, đá, xi măng để phục vụ cho việc sửa nhà. Nếu như những năm trước, khi chưa có cây cầu Cơ Piếh, ông Chước và hơn 300 hộ đồng bào ở thôn Vinh đều gặp rất nhiều khó khăn khi phải băng qua suối Lồ Ô. Và mỗi khi mùa mưa lũ về, ngôi làng Cơ Piếh lại bị cô lập hoàn toàn bởi dòng nước lũ. Câu chuyện cô lập, khó khăn trong việc đi lại của dân làng giờ đã lùi vào quá khứ khi cây cầu Cơ Piếh, hay còn được dân làng gọi bằng cái tên thân mật là cầu Cor Dênh hoàn thành. Ông Alăng Chước nói: “Trước đây không có cầu, đi lại và làm gì cũng khó khăn, nhất là mùa mưa. Bây giờ bà con đã yên tâm vì có cầu của Cor Dênh làm cho rồi”.
XUÂN MAI