Tuyên truyền bằng câu hát
Đã nhiều năm nay, những câu chuyện không hay liên quan đến bạo lực gia đình (BLGĐ) đã không còn “nóng” ở huyện Phú Ninh. Đó là kết quả của phương thức tuyên truyền vận động sáng tạo của những người làm công tác liên quan…
Sân khấu hóa tuyên truyền pháp luật, phòng chống BLGĐ ở Tam Dân, Phú Ninh. Ảnh: ANH THƯ |
Phương thức sáng tạo
Ông Lê Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh nói: “Làm thế nào đảm bảo an ninh trật tự, người dân có cuộc sống bình yên, không phải sống trong trạng thái bất an với bên ngoài và chính trong gia đình mình luôn là mối quan tâm của chúng tôi. Muốn vậy, người dân phải thực sự am hiểu pháp luật. Xuất phát từ yêu cầu đó, các phòng, ban, hội của Phú Ninh đã có nhiều hình thức tuyên truyền pháp luật khá sáng tạo, từ đó nâng cao nhận thức người dân về pháp luật nói chung và BLGĐ nói riêng”.
Đã quá giờ trưa của một ngày đầu tháng 11, tại hội trường UBND xã Tam Dân, không khí luyện tập cho chương trình tuyên truyền phòng chống BLGĐ của tháng vẫn được mọi người hào hứng tham gia. “Phạm vi điều chỉnh được ghi/ Ở tại điều một rất chi rõ ràng/ Khoản một quy định ngừa phòng/ Tình trạng bạo lực ở trong gia đình!/ Bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân/ Ai ai cũng phải góp phần tham gia/ Cơ quan, tổ chức, mọi nhà/ Mọi người đều phải tham gia ngăn ngừa!/ Đồng thời xử lý hành vi/ Vi phạm pháp luật trái quy định này!”. Đôi khi những câu vè vẫn còn ngô nghê, chưa đúng vần đúng điệu nhưng qua giọng ca của những diễn viên không chuyên thì vẫn đáng yêu và đi vào lòng người dễ dàng. Chị Nguyễn Thị Xuân Nguyên - Chủ nhiệm câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc xã Tam Dân nói: “Chúng tôi đang sử dụng hình thức sân khấu hóa để tuyên truyền pháp luật, phòng chống BLGĐ. Thay vì phải ngồi trong các lớp tập huấn để nhồi nhét kiến thức pháp luật, cách thể hiện bằng sân khấu hóa, hò vè thơ ca hiệu quả hơn rất nhiều nên cả diễn viên lẫn người xem đều hào hứng tham gia”.
Cần nhân rộng
Tuyên truyền pháp luật về phòng chống BLGĐ thông qua các câu hát dân ca, hò vè ở Phú Ninh là sáng kiến của chị Huỳnh Thị Trợ - Trưởng phòng Tư pháp huyện. Chị đã biến công việc tưởng chừng rất khô khan này thành những cuộc sinh hoạt văn nghệ sống động. Sau nhiều năm đảm nhiệm các chức vụ như Chủ tịch UBND xã Tam Dân, Chủ tịch Hội LHPN huyện; năm 2010 chị Huỳnh Thị Trợ được luân chuyển sang làm Trưởng phòng Tư pháp huyện Phú Ninh. Từ những ngày đầu làm công tác tuyên truyền pháp luật, chị đã nghĩ ngay đến việc phải thay đổi hình thức chuyển tải kiến thức pháp luật cho người dân. “Từ thực tế tại địa phương và kinh nghiệm công tác tại hội phụ nữ, tôi nhận thấy người dân ở đây vẫn yêu thích các hình thức văn nghệ truyền thống như dân ca, hò vè… Thế nên tôi đã xây dựng đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phòng chống BLGĐ bằng hình thức sân khấu hóa. Theo đó, Phòng Tư pháp huyện đã biên soạn các tiểu phẩm, các bài hát có nội dung tuyên truyền pháp luật, phòng chống BLGĐ để tuyên truyền” - chị Huỳnh Thị Trợ nói. |
Cho đến nay, hình thức tuyên truyền pháp luật, phòng chống BLGĐ bằng dân ca, hò vè đã trở nên phổ biến ở khắp các địa bàn thôn, xã và cơ quan trên địa bàn huyện Phú Ninh. Mỗi năm, lần lượt các thôn, xã và các cơ quan tổ chức hội thi tuyên truyền, tìm hiểu pháp luật. Trái ngược với các lớp tập huấn, phổ biến pháp luật, hội thi luôn thu hút đông đảo cán bộ, công chức, nhân dân tham gia và dự khán. Đây là kết quả ngoài mong đợi và từ đó, những kiến thức pháp luật dần ăn sâu vào trí nhớ của mỗi người dân qua từng điệu hát, câu vè. Ông Nguyễn Văn Ba - Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc xã Tam Dân cho hay: “Là người biên soạn các tiểu phẩm tuyên truyền, tôi cảm thấy việc lồng ghép như thế này sẽ khiến người dân dễ nghe, dễ nhớ hơn rất nhiều. Tùy vào từng nội dung tuyên truyền mà tôi xây dựng kịch bản sao cho vừa phù hợp chủ đề vừa chuyển tải những kiến thức pháp luật cần thiết”.
Suốt 4 năm qua, các hội thi tuyên truyền pháp luật, phòng chống BLGĐ trở thành sân chơi mong đợi đối với cán bộ, công chức và người dân Phú Ninh. Mỗi đợt hội thi, sinh hoạt phòng chống BLGĐ diễn ra là mọi người lại xôn xao chuẩn bị từ việc biên soạn cho đến tập duyệt để ra mắt những tiểu phẩm, những bài thơ, câu vè được lồng ghép khéo léo với những kiến thức pháp luật. Đến nay, khắp 11 xã trên địa bàn huyện đều có những câu lạc bộ không chuyên thường xuyên tham gia các hội thi, hội diễn văn nghệ tuyên truyền pháp luật phòng chống BLGĐ. Chính hình thức tuyên truyền hấp dẫn này đã thu hút sự quan tâm, tham gia của mọi người; từ đó nâng cao nhận thức pháp luật, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, BLGĐ. Khi vấn đề nâng cao hiệu lực pháp luật, ngăn chặn các hành vi BLGĐ đặt ra yêu cầu cấp thiết như hiện nay thì cách làm độc đáo của Phú Ninh là mô hình cần được nhân rộng. Bởi, cùng với việc tuyên truyền pháp luật về phòng chống BLGĐ một cách hiệu quả, hình thức sân khấu hóa này còn đánh thức và lưu giữ được tình yêu của người dân xứ Quảng đối với loại hình dân ca, hò vè truyền thống.
THỤC ANH - ANH THƯ