Cùng nhau chống lại lao động trẻ em

BÌNH ANH 06/11/2014 11:00

Nhóm nhảy The Zoo gồm các học sinh đã trình diễn tại Bangkok (Thái Lan) những điệu nhảy phối hợp giữa múa đương đại và hip-hop nhằm tuyên truyền chiến dịch chống sự bóc lột lao động trẻ em.

Napatsara Ploysupaphol, vũ công 13 tuổi, thành viên của nhóm The Zoo nói, từ năm 7 tuổi, khi cô bắt đầu học múa đã nhìn thấy lao động trẻ em trên các đường phố của thủ đô Thái Lan. Nhiều em nhỏ phải làm việc trên đường phố, bán hoa hoặc làm sạch gương xe tại đèn giao thông, làm việc cho đến sáng sớm hôm sau để kiếm được một ít tiền.

Tiết mục biểu diễn của The Zoo trước Centralword – Bangkok.
Tiết mục biểu diễn của The Zoo trước Centralword – Bangkok.

“Đó là những giờ khuya, và họ vẫn chưa trở về nhà” - Napatsara nói. Khi đã trở thành thành viên của nhóm nhảy hip-hop The Zoo, Napatsara thuyết phục các vũ công thành viên của nhóm sử dụng tài năng của họ cùng tham gia chiến dịch chống lại lao động trẻ em. Kết hợp với múa đương đại và hip-hop, The Zoo biểu diễn ngay trên đường phố trước Centralword - một trung tâm mua sắm nổi tiếng của Bangkok, nơi thu hút khá nhiều giới trẻ và cả du khách nước ngoài.

Pattanapong Suwanwong, 22 tuổi, biên đạo múa của The Zoo nói, những bài biểu diễn kết hợp này giúp khán giả hiểu được những nỗi khó khăn của lao động trẻ em. “Tôi sử dụng các chuyển động nhanh của hip-hop để miêu tả con người đều có cơ hội để vui chơi, đặc biệt là đối với trẻ em. Việc di chuyển chậm của múa đương đại không hề thoải mái cho người xem. Bạn phải giữ hơi thở, gần như nín thở. Nó giống như hoàn cảnh của lao động trẻ em vậy”. Thông điệp của chương trình đã nhận được ủng hộ của khán giả. “Mỗi đứa trẻ đều có quyền được vui chơi. Thay vào đó chúng phải làm việc. Điều đó không đúng” - Santitham Wattanasopon, một khán giả phát biểu.

“Khi tôi còn nhỏ, tôi nghĩ rằng tôi đã giúp đỡ những trẻ em bằng cách mua hoa và những thứ khác mà họ bán ra” - Pattanapong nhớ lại. “Khi tôi lớn lên, tôi bắt đầu đặt câu hỏi về hành động của tôi. Tôi tự hỏi liệu có phải tôi làm như thế là vô tình khuyến khích cho lao động trẻ em?”. Pattanapong tin rằng sự băn khoăn này cũng có rất nhiều người gặp phải. “Tôi tự hỏi nếu tôi nhìn thấy một đứa trẻ làm việc, những gì tôi sẽ làm là gì? Làm thế nào tôi giúp đỡ họ? Tôi sẽ nói với cảnh sát? Sau đó, là gì? Bản thân tôi không biết cách tốt nhất là gì?”… Hàng trăm câu hỏi được đặt ra và Pattanapong đã chuyển tải những băn khoăn đó bằng những buổi trình diễn trên đường phố cùng với The Zoo. “Vì vậy, đây là một cơ hội tốt để tôi có cơ hội giúp đỡ, nâng cao nhận thức về lao động trẻ em… Những gì tôi có thể làm để đưa vào chương trình này” - Pattanapong nói.

Tại Thái Lan, không có dữ liệu cụ thể về con số lao động trẻ em, nhưng chúng lại được tìm thấy trong một số hoàn cảnh gọi là “hình thức lao động tồi tệ nhất”, bao gồm cả trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến hải sản. Trên toàn cầu, số lượng trẻ em phải làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm đã giảm 1/3 kể từ năm 2000. Tuy nhiên, tại châu Á - Thái Bình Dương, con số này vẫn còn khá lớn, 78 triệu lao động trẻ em.

BÌNH ANH

BÌNH ANH