Nỗi lo "lá chắn nước"

PHẠM NÊN 06/11/2014 10:07

Khoảng 10 nghìn hộ dân sinh sống ven phía tây tuyến đường tránh Vĩnh Điện (Điện Bàn) nơm nớp lo nhà cửa bị ngập sâu bởi đường đắp cao tạo thành “lá chắn nước” trong mùa mưa.
Trước năm 2004, mặt đường tuyến quốc lộ 1 đi ngang qua địa bàn các xã Điện An, Điện Minh, Điện Phương và thị trấn Vĩnh Điện của huyện Điện Bàn quá nhỏ hẹp. Cạnh đó, cây cầu Vĩnh Điện (cũ) xây dựng trước năm 1963 có tải trọng nhỏ, trong khi lượng xe đường dài Bắc - Nam và các loại phương tiện khác lưu thông ngày càng lớn dẫn đến tình trạng ách tắc, nhất là lúc học sinh Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu tan học; an toàn giao thông nơi đây không đảm bảo. Trước thực trạng ấy, người dân phản ánh cần phải mở rộng mặt đường đoạn tuyến vừa nêu. Song, các nhà chức trách tính toán nếu mở rộng thì không đủ kinh phí đền bù di dời, tái định cư cho hơn 1.500 hộ dân ở hai ven đường dính giải phóng mặt bằng. Khâu này cũng làm trở ngại đến cuộc sống ổn định của bà con, ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng và phát triển vùng trung tâm Điện Bàn. Cân nhắc thiệt hơn, tuyến tránh Vĩnh Điện dài gần 5km với nền cao, mặt đường thoáng rộng rất thuận lợi cho lưu thông cuối cùng cũng được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng.

“Lá chắn nước” tại khu vực Bàu Ấu (lý trình km951+500). Ảnh: P.N
“Lá chắn nước” tại khu vực Bàu Ấu (lý trình km951+500). Ảnh: P.N

Thế nhưng, hệ thống cống thoát và cống chui bố trí có khẩu độ quá hẹp nên khi lũ lụt từ thượng nguồn đổ về không thoát kịp làm mực nước ở phía trên đường chênh nhau với bờ phía đông hơn 1m. “Lá chắn nước” đường tránh gây trở ngại cho cuộc sống của trên 10 nghìn hộ dân. Sau trận lũ lớn vào cuối năm 2009, nước ứ gần suốt cả tuần lễ vẫn chưa rút hết khiến mọi hoạt động gần như bế tắc. Nước lớn quá nhanh và ngập sâu nên tài sản, của cải nhiều gia đình bị hư hại lớn. Là địa phương có gần 3.000 hộ bị ảnh hưởng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Điện - ông Nguyễn Nho Dũng cho biết, cứ đến mùa mưa bão là người dân sinh sống không yên, nhất là bà con tiểu thương. Mọi người nơm nớp lo chủ yếu là nước lớn quá nhanh vào ban đêm, việc dọn dẹp trở tay không kịp. Ở Điện Minh, xã có 7 thôn thì chỉ có thôn Uất Lũy nằm dưới đường tránh nên chỉ bị ngập cạn; còn các thôn kia mực nước ở mức báo động 3 là vào nhà sâu hơn 1m. Lãnh đạo địa phương khẳng định, nền tuyến tránh được đắp cao mà cống thoát và cống chui nhỏ như “cổ chai” cho nên mới xảy ra tình trạng trên. Hễ cứ nghe báo đài thông tin mực nước vượt báo động 3, xã phải tất bật triển khai di dời khẩn cấp khoảng 200 hộ dân. Các xã Điện Phương và Điện An cũng có khoảng 5.000 nghìn hộ chịu ảnh hưởng tuyến tránh Vĩnh Điện. Người nông dân trăn trở nhất là không có nơi ráo để di dời trâu bò, nhiều diện tích đất đành phải bỏ hoang sau lũ.

Suốt thời gian qua, cử tri đã nhiều lần phản ảnh trong những đợt tiếp xúc với đại biểu HĐND các cấp cũng như đại biểu Quốc hội để có ý kiến lên cấp thẩm quyền đầu tư mở rộng khẩu độ cống thoát, hoặc xây dựng cầu cạn nhằm khơi thông nhanh chóng dòng nước lũ. Vậy nhưng, nhân dân kêu ca mãi vẫn chưa thấy Bộ Giao thông vận tải có hành động cụ thể nào. Tới mùa mưa, hàng chục nghìn hộ vừa lo ứng phó bão lại vừa gồng mình chống chọi với con nước cao bất thường mà… con người tạo nên.

PHẠM NÊN

PHẠM NÊN