Rửa tay bằng xà phòng

TÂM AN 05/11/2014 09:04

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đang thực hiện chiến dịch tuyên truyền vận động chăm sóc, vệ sinh môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe mọi người, trong đó nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giữ bàn tay sạch sẽ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 80% bệnh tật đặc biệt các bệnh truyền nhiễm ở các nước đang phát triển là do môi trường sống mất vệ sinh và nguồn nước bị nhiễm bẩn. Theo đó, rửa tay được coi là “liều vắc xin tự chế”, đơn giản, hiệu quả, dễ thực hiện và có thể cứu sống được hàng triệu người. “Chỉ một động tác rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy. Việc rửa tay cũng có thể làm giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy tới 47%, nhiễm khuẩn đường hô hấp tới 19 - 45%” – một khuyến cáo của WHO chỉ rõ.

Giờ thực hành rửa tay sạch cho các bé ở trường mầm non. Ảnh: A.T
Giờ thực hành rửa tay sạch cho các bé ở trường mầm non. Ảnh: A.T

Theo ông Võ Quang Lợi - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trên thực tế, thói quen rửa tay bằng xà phòng trong cộng đồng chưa cao, đặc biệt là rửa tay chưa đúng cách. Thông thường khi rửa tay, mọi người chỉ sử dụng một lượng nhỏ xà phòng, xát qua lòng bàn tay và rửa nhanh lại với nước. Hầu hết người dân không chú ý đến việc rửa lại mu bàn tay, cũng như các kẽ tay và kẽ móng tay, nơi tập trung chủ yếu của các mầm bệnh và vi khuẩn gây hại. Trong khi đó, 80% bệnh tật hiện nay có liên quan đến việc người dân thiếu nước sạch, thiếu ý thức vệ sinh cá nhân, trong đó có việc người dân không có thói quen rửa tay bằng xà phòng. Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ có chưa tới 10% người dân có thói quen rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, và gần 12% rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh. Đây chính là nguyên nhân khiến người dân, đặc biệt là trẻ em dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn qua đường hô hấp và tiêu hóa như tả, lỵ, tiêu chảy do vi rút, nhiễm giun sán, nhiễm cúm, bệnh tay-chân-miệng, nhiễm sởi… là những căn bệnh nguy hiểm có thể phòng ngừa một cách dễ dàng thông qua ý thức vệ sinh cho đôi bàn tay. Theo ông Lợi, việc rửa tay bằng xà phòng tưởng chỉ là chuyện nhỏ, nhưng trên thực tế, thói quen này đã góp phần phòng tránh nhiều nguồn lây nhiễm bệnh hiệu quả, trong đó có bệnh tay-chân-miệng, không chỉ giúp cho trẻ em mà cả người lớn.

Thực tế hiện nay cho thấy, hành vi rửa tay bằng xà phòng nói chung vẫn chưa được người dân quan tâm. Theo các kết quả điều tra vệ sinh môi trường của Bộ Y tế, tại Bắc Trung Bộ chỉ có 2% đối tượng được nghiên cứu trả lời thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, trong đó rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn là 1,7%, sau khi ăn là 1,8%. Tại khu vực miền núi, hầu hết người dân không có thói quen này. Vùng nông thôn tỷ lệ này có tăng hơn nhưng cũng không khả quan, rất thấp ở cả ba thời điểm: rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn là 12%, sau tiểu tiện 12,2% và sau đại tiện là 15,6%. Đối với trẻ em tại trường học, tỷ lệ điểm trường có học sinh rửa tay bằng xà phòng cũng rất thấp ở tất cả bậc học và các vùng sinh thái.

Để người dân hiểu rõ việc phòng các bệnh truyền nhiễm thông qua phương thức đơn giản này, ông Lợi cho biết ngay từ đầu năm 2014, Trung tâm Y tế dự phòng đã có kế hoạch, chủ trương thực hiện chiến dịch “Nước sạch và rửa tay bằng xà phòng” cả năm phối hợp cùng các trường học và khu dân cư theo ngành dọc từ tỉnh đến cơ sở. “Đặc biệt với trẻ em, cần giáo dục thói quen này từ khi còn nhỏ để các em tự ý thức được cách chăm sóc bảo vệ sức khỏe cá nhân. Muốn vậy, người lớn cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc rửa tay bằng xà phòng” - ông Lợi nhấn mạnh. Đối với trẻ em (đặc biệt ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo) nguy cơ lây nhiễm bệnh đường tiêu hóa rất cao và dễ dàng lây nhiễm cho gia đình và các thành viên khác trong cộng đồng, người lớn cần hướng dẫn và giám sát trẻ rửa tay thường xuyên và đúng quy trình.

Theo các chuyên gia y tế, tiêu chảy đứng thứ 2 trong số các nguyên nhân gây tử vong, đầu tiên là bệnh viêm phổi, mỗi năm cướp đi mạng sống của khoảng 2 triệu trẻ dưới 5 tuổi trên thế giới. “Rửa tay bằng xà phòng là một cách hữu hiệu phòng chống các căn bệnh này”.

TÂM AN

TÂM AN