Bờ biển Cửa Đại tiếp tục bị xâm thực

LÊ QUÂN 05/11/2014 08:05

Những ngày qua nước biển tiếp tục xâm thực nghiêm trọng, gây nguy cơ “xóa sổ” bãi tắm Cửa Đại (TP.Hội An). Hiện địa phương và các đơn vị liên quan nỗ lực khắc phục bằng nhiều biện pháp có thể.

Biển ngoạm sâu vào bãi tắm

Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy TP. Hội An cho biết, tình trạng xâm thực bờ biển đã diễn ra trong khoảng 5 năm gần đây và địa phương đã đưa ra nhiều phương án để khắc phục. Tuy nhiên, trước tình trạng xâm thực diễn tiến nhanh và nghiêm trọng, phương án trước mắt vẫn chỉ dùng bao cát chắn sóng và đóng cọc nhằm giảm bớt tốc độ của sóng biển. “Tỉnh và thành phố đã đầu tư nhiều đoạn kè cứng và kè mềm để chắn sóng xói lở nhưng khu vực sạt lở lan rộng, nhanh và nghiêm trọng. Trước mắt triển khai đóng cọc cừ để giữ bờ biển qua mùa đông này để sau đó tiến hành thi công bờ kè, về mặt lâu dài thành phố sẽ tiến hành khảo sát toàn diện tình trạng xói lở để xây dựng các loại kè phù hợp. Hiện nay có hai vấn đề, nếu kè cứng bằng bê tông vẫn còn phải bàn vì có giữ được cát hay không. Nguồn tài nguyên du lịch sẽ mất đi, chỉ còn biển và kè, nên bây giờ phải tìm phương án sao cho kè vừa giữ được bãi biển vừa giữ được cát” - ông Sự nói. Cũng theo ông Sự, TP.Hội An đang mời các chuyên gia có kinh nghiệm để tư vấn giải quyết vấn đề một cách toàn diện, nguồn đầu tư cần phải huy động từ trung ương đến tỉnh chứ thành phố thì không đủ sức. các đơn vị thi công đã đóng được 200m kè tại khu vực bờ biển Cửa Đại và tiếp tục đóng 500m nữa.  

Khẩn trương làm bờ kè biển cửa Đại.Ảnh: L.QUÂN
Khẩn trương làm bờ kè biển cửa Đại.Ảnh: L.QUÂN

Có mặt tại khu vực bãi tắm Cửa Đại, nhiều người dân tại đây cho biết, chưa năm nào tình trạng sạt lở bờ biển lại diễn ra nhanh như năm này. Bà Nguyễn Thị Bé (64 tuổi, kinh doanh giải khát tại khu vực bãi tắm), cho biết: “Cách đây mấy ngày tôi dọn dẹp hàng về thì hàng dừa sát biển vẫn còn nguyên, đến sáng hôm sau ra thì nguyên cả hàng dừa ngã rạp, sóng biển ngoạm sâu vào bãi tắm”.  Hiện nay, toàn bộ bãi tắm công cộng Cửa Đại bị biển nuốt chửng, hơn 100 cây dừa bị ngã đổ chỉ trong vòng 5 ngày. Sóng biển tiếp tục “gặm” sâu vào bãi cát. Toàn bộ khu vực bãi tắm hiện nay bị sóng ăn và sạt sâu 3 - 4m. Hầu như mọi hoạt động kinh doanh của người dân đều ngưng lại.

bờ biển Cửa Đại sạt lở sâu.
Bờ biển Cửa Đại sạt lở sâu.

Nỗ lực khắc phục

Lo sợ biển sẽ tiếp tục lấn sâu vào đất liền, hàng trăm hộ dân cũng như người kinh doanh tại bãi biển Cửa Đại đã cùng lập đàn, cúng tế cầu an, cầu bồi trong suốt 3 ngày (từ ngày 31.10 - 2.11) sau đợt xâm thực dữ dội của sóng biển. Nghi lễ được tổ chức với nhiều hoạt động như nghinh thần về nơi cúng, lễ an thần nhập điện… với mong mỏi “thần biển” đừng nuốt chửng Cửa Đại. Điều đặc biệt, lễ tế đàn cầu an này diễn ra sau 28 năm, ngay lần sạt lở mạnh đầu tiên cũng tại khu vực Cửa Đại. “Chưa bao giờ bờ biển Cửa Đại sạt lở mạnh như những ngày này, dù thời tiết ở điều kiện bình thường, cũng chỉ mới ở đầu mùa mưa. Chúng tôi lập đàn cúng với hy vọng người dân bờ biển được bình an, sức khỏe và bờ biển được bồi lấp lại như xưa để bà con có chỗ sinh sống, làm ăn” - bà Mai Thị Xê (61 tuổi, người dân Cửa Đại) chia sẻ. Hiện nay người dân vẫn còn để bàn thờ cúng tại khu vực sạt lở những mong trời đất sẽ thấu được lòng họ.

Thời điểm này, bờ biển Cửa Đại là một đại công trình với không khí lao động khẩn trương. Ông Lê Đình Dương - Trưởng ban chỉ huy đơn vị bảo vệ biển Cửa Đại cho biết, công trình kè biển Cửa Đại triển khai từ tháng 9 đến nay. Tuy nhiên, thời tiết xấu, mưa gió nhiều ảnh hưởng đến tiến độ thi công. “Lúc đầu thì kế hoạch làm trong tháng rưỡi nhưng mưa gió nên kéo dài. Phương  án thi công là vừa đóng cọc cừ, sau đó chèn bao tải cát lớn. Trước đây đóng tạm bờ bằng vây thép nhưng tình hình mưa gió, sóng to, làm như vậy không an toàn, không đạt chất lượng. Chủ trương của thành phố là chỗ nào đang thi công dở dang thì tiếp tục đặt bao tải cát, còn lại đóng bờ cừ trước, sau đó bỏ bao tải cát thì nhanh gọn và hiệu quả hơn khi bão hoặc áp thấp ập vào” - ông Dương nói. Rất nhiều nhân lực được huy động, tăng cường để bảo vệ bờ biển. Những tấm thép được dùng để làm rào chắn sóng phía bên ngoài bảo vệ việc thi công. Tuy nhiên, phương án thích hợp nhất để giữ cát và giữ lại bờ biển vẫn chưa nghiên cứu được. Nhiều người dân Cửa Đại đang rất lo lắng khi phần lớn thu nhập của họ dựa vào việc kinh doanh tại bờ biển này.

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN