Xã hội hóa giáo dục ở Điện Bàn
Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị trường lớp… là những cách làm hay của nhiều trường học hiện nay tại huyện Điện Bàn, góp phần kiên cố hóa hệ thống trường lớp, nâng cao hiệu quả giáo dục.
Giờ học ở Trường Mẫu giáo Điện Hồng - một trong các trường hưởng lợi từ việc xã hội hóa giáo dục ở huyện Điện Bàn. Ảnh: T.ĐẠI |
Cộng đồng tham gia
Trường Mẫu giáo Điện Tiến (thôn Châu Bí 3, xã Điện Tiến) được xây dựng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của gia đình bà Nguyễn Thị Cúc, một người con của quê hương Điện Bàn đang sinh sống tại Pháp. Thấu hiểu sự khó khăn của con em vùng quê nghèo xã Điện Tiến, năm 2013 gia đình bà Cúc đã tình nguyện đầu tư hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng để xây dựng trường mẫu giáo gồm dãy phòng 3 lớp học theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT dành cho trẻ mầm non. Để hoàn thiện cảnh quan khu vực trường, UBND huyện Điện Bàn hỗ trợ 660 triệu đồng xây dựng hệ thống tường rào cổng ngõ, đảm bảo điều kiện chăm sóc, giáo dục cho trẻ. Theo cô Lê Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Điện Tiến, ngôi trường hoàn thành đưa vào sử dụng trong niềm vui khôn xiết của thầy cô và người dân địa phương. Bởi, từ đây con em trong xã đã có một trường mẫu giáo khang trang, đầy đủ tiện nghi học tập, đội ngũ giáo viên có điều kiện tiếp cận các trang thiết bị hiện đại để đổi mới, triển khai phương pháp dạy học theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh ngày càng tích cực.
Tương tự, tại Trường THCS Lý Tự Trọng (xã Điện Minh), sự chung tay góp sức của các mạnh thường quân và cựu học sinh nhà trường đã đem lại ý nghĩa rất lớn trong công tác nâng cao chất lượng dạy và học. Tranh thủ các nguồn hỗ trợ, từ năm 2011 nhà trường đã dành diện tích hơn 3.000m2 xây dựng khu sân chơi, bãi tập gồm sân bóng chuyền, cầu lông, sân bóng đá mini cùng các công trình tượng đài, vườn sinh vật… phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi của học sinh, góp phần tạo nên cảnh quan nhà trường thoáng rộng, xanh, sạch, đẹp. Cô Phan Thị Vân - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng cho biết, chỉ tính từ năm 2011 đến nay, số tiền huy động từ nguồn xã hội hóa dành cho trường là gần 1 tỷ đồng, con số không hề nhỏ với một ngôi trường THCS ở vùng quê. Cũng theo cô Vân, để xây dựng được ngôi trường có đầy đủ hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo tốt điều kiện dạy và học, ngoài sự đầu tư của nhà nước và chính quyền địa phương, cần có sự chung tay đóng góp của xã hội. “Không chỉ hỗ trợ trường xây dựng cơ sở vật chất, khen thưởng học sinh giỏi, việc xã hội hóa còn mang lại hiệu quả lớn trong động viên tập thể sư phạm nhà trường, tạo động lực để các thầy cô giáo và học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng như có thêm niềm vui, niềm tự hào với ngôi trường của mình” - cô Vân nói.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Trường Mầm non xã Điện Tiến và Trường THCS Lý Tự Trọng chỉ là 2 trong số hàng chục công trình giáo dục được đầu tư xây dựng từ một phần kinh phí được huy động từ nguồn xã hội hóa giáo dục. Ngoài ra, có thể kể đến một số trường như Mẫu giáo Điện Dương, Mẫu giáo Phan Triêm, THCS Trần Cao Vân, Mẫu giáo Lê Công Anh Đức… Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, kể từ khi Điện Bàn triển khai thực hiện đề án phát triển GD-ĐT đến năm 2015 và tầm nhìn 2020, đã có gần 30 công trình lớp học trên địa bàn toàn huyện đã được khởi công xây dựng, sửa chữa nâng cấp với tổng số tiền huy động xã hội hóa gần 5,5 tỷ đồng. Nhiều trường được bổ sung các thiết bị dạy học; mua sắm máy tính, ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng cảnh quan sư phạm, cấp phát học bổng... Đặc biệt, nhờ sự đóng góp một phần từ nguồn vốn xã hội hóa, đến nay huyện Điện Bàn là một trong số ít những địa phương có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia dẫn đầu toàn tỉnh với 64 (trong tổng số 66 trường trên địa bàn) đạt chuẩn quốc gia.
Ông Trương Công Nên - Phó phòng GD-ĐT huyện Điện Bàn khẳng định, hiệu quả của công tác xã hội hóa giáo dục rất quan trọng, vì đã thúc đẩy công tác dạy học ngày càng tốt hơn; giúp các trường có điều kiện giáo dục học sinh những kỹ năng sống và giá trị cuộc sống. Ngoài ra, thông qua xã hội hóa đã tạo sự thay đổi nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của giáo dục. Vì vậy, thời gian qua, cuộc vận động xã hội hóa đã được Điện Bàn đẩy mạnh và mang lại những kết quả tích cực, thu hút nhiều cá nhân, tập thể tham gia với tổng số tiền ủng hộ lên đến hàng tỷ đồng. “Bên cạnh các nguồn vốn ngân sách, vốn dự án thì nguồn kinh phí từ xã hội hóa có vai trò rất quan trọng trong phát triển hạ tầng giáo dục, cải thiện trang thiết bị dạy học, giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn được học tập, góp phần đưa huyện Điện Bàn sớm hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục các trình độ trong thời gian tới” - ông Trương Công Nên nói.
V.LỘC - T.ĐẠI