Tháng phòng chống bạo lực gia đình năm 2014: Vì một xã hội không bạo lực
Quảng Nam chú trọng xây dựng các mô hình phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ). Nhiều mô hình, câu lạc bộ ra đời, thực hiện nguyên tắc phòng ngừa là chính đã có tác dụng nâng cao nhận thức cộng đồng, hòa giải thành công nhiều xung đột trong gia đình.
Buổi sinh hoạt định kỳ của Câu lạc bộ Phòng chống BLGĐ thôn Tú Nghĩa, xã Bình Tú, Thăng Bình. Ảnh: V.LỘC |
Những mô hình
Dù còn gặp khá nhiều khó khăn với địa bàn rộng, địa hình phức tạp, phong tục tập quán nhiều nơi còn lạc hậu, nhưng Quảng Nam trong những năm qua đã có nhiều nỗ lực để hạn chế tình trạng BLGĐ. Nguyên tắc triển khai là kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống BLGĐ, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hòa giải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Thực hiện nguyên tắc này, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình phòng chống BLGĐ với các câu lạc bộ hoạt động khá hiệu quả. Chính những mô hình này đã góp phần ngăn chặn bạo hành trong gia đình, hàn gắn những đổ vỡ, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Ông Nguyễn Văn Hàm - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ mô hình thí điểm của trung ương giai đoạn 2008 - 2010 tại xã Tam Dân (Phú Ninh), năm 2011 sở triển khai thí điểm mô hình phòng chống BLGĐ tại 4 xã Tam Phú (Tam Kỳ), Bình Tú (Thăng Bình), Tiên Lộc (Tiên Phước) và xã Ba (Đông Giang) sau đó nhân rộng ở nhiều địa phương khác. “Tới thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 15 xã triển khai mô hình điểm với 105 câu lạc bộ - nhóm phòng chống BLGĐ có quy chế hoạt động do trưởng thôn làm chủ nhiệm, mỗi câu lạc bộ có 30 - 40 thành viên. Các câu lạc bộ đều có chương trình sinh hoạt, hội họp với nội dung phong phú, bám sát chủ đề về gia đình. Hầu hết mô hình đều được hỗ trợ kinh phí hoạt động, trong đó mô hình điểm của tỉnh mức 20 triệu đồng/năm, huyện 10 - 15 triệu đồng/năm. Ông Trịnh Xuân Đông - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phòng chống BLGĐ thôn Phước Cẩm, xã Bình Tú (Thăng Bình) cho biết, nhờ thường xuyên cập nhật kiến thức, nắm vững những thông tin pháp luật cần thiết nên hiệu quả tuyên truyền của Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ thôn Phước Cẩm ngày càng được nâng cao. Từ 21 thành viên trong năm 2011, đến nay câu lạc bộ đã thu hút 40 gia đình tham gia. Ban chủ nhiệm câu lạc bộ đã hòa giải thành công 6 vụ trong đó có xung đột vợ chồng, tranh chấp giữa anh chị em, mẹ kế con chồng… Câu lạc bộ còn xây dựng “tủ sách pháp luật” để các thành viên cũng như người dân tiếp cận tìm hiểu, nâng cao nhận thức…
Ngoài ra, từ năm 2008, Sở VH-TT&DL cũng đã phối hợp cùng các địa phương hình thành và duy trì mô hình “Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững”. Chính những mô hình này đã góp phần ngăn chặn các vụ việc mâu thuẫn trong gia đình, giúp người dân hiểu sâu hơn về Luật Phòng chống BLGĐ.
Cần sự chung tay
Tuy chưa để xảy ra nhiều những vụ bạo hành phụ nữ, trẻ em mang tính chất nghiêm trọng, nhưng tình trạng BLGĐ ở Quảng Nam cũng đáng để báo động. Theo báo cáo của ngành chức năng, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh đã xảy ra 489 vụ BLGĐ với 516 nạn nhân, trong đó 480 nạn nhân là phụ nữ. Mục tiêu của Tháng hành động phòng chống BLGĐ năm nay được UBND tỉnh cùng các cấp ngành liên quan triển khai nhằm thu hút sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng chống BLGĐ, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ và hạnh phúc.
Với những thông điệp: “BLGĐ là vi phạm pháp luật”, “yêu thương và tôn trọng là bí quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình”, “hãy để tình yêu thương sưởi ấm ngôi nhà bạn”, “hãy nói không với BLGĐ”, “roi vọt không dạy trẻ em nên người - yêu thương mạnh hơn lời quát mắng”, Tháng hành động phòng chống BLGĐ năm nay được các địa phương hưởng ứng mạnh mẽ với kế hoạch hành động cụ thể. Các địa phương đều nhắm đến mục tiêu tuyên truyền cho mỗi gia đình, người dân nâng cao nhận thức “hãy hành động khi chưa quá muộn, mỗi cá nhân cùng góp thêm những tiếng nói chân thành để xây dựng một xã hội đầy tình yêu thương”.
Hiện nay, phụ nữ và trẻ em là hai đối tượng được quan tâm nhiều nhất trong các công tác về phòng chống BLGĐ. Tại hội nghị thường niên do Liên hiệp quốc tổ chức hồi tháng 7.2014 tại Jamaica, vấn đề ngăn chặn bạo hành trẻ em được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Hay như Chiến dịch “chấm dứt bạo lực với trẻ em” vừa được khởi động tại Hòa Bình vào tháng 6 năm nay với mục tiêu nâng cao nhận thức và khuyến khích mọi người lên tiếng, tham gia hành động ngăn chặn bạo hành trẻ em. Tâm lý cha mẹ của người Việt thường mang suy nghĩ có toàn quyền dạy dỗ con cái theo cách họ muốn, kể cả đánh đập. Ông Anthony Lake - Giám đốc Điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cho rằng: “Bạo lực sẽ đẻ ra bạo lực. Một đứa trẻ bị bạo hành sẽ có nhiều khả năng xem bạo lực là bình thường, thậm chí chấp nhận được và có khả năng sử dụng bạo lực với con cái của chính mình trong tương lai”.
Tiếp tục củng cố hoạt động các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, mô hình phòng chống BLGĐ tại các địa phương cũng như xây dựng nhiều chương trình hoạt động gắn kết gia đình, tạo nên sợi dây liên kết giữa các thành viên của gia đình là mục tiêu lâu dài cần sự chung tay của toàn xã hội.
BLGĐ có nguy cơ xảy ra trong tất cả gia đình, từ trí thức đến nông dân, từ hộ giàu đến hộ nghèo với nhiều hình thức khác nhau. Luật Phòng chống BLGĐ đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 21.11.2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2008. Theo đó, BLGĐ được chia thành 4 loại hành vi: Hành vi bạo lực về thể chất: gồm những hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng. Hành vi bạo lực về tinh thần: là những hành vi lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở; cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Hành vi bạo lực về kinh tế: bao gồm chiếm đoạt, hủy hoại, đập phá hoặc hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình; cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính. Hành vi bạo lực về tình dục: hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục. |
LÊ QUÂN