Tính cách Quảng nơi Kinh Bắc

HỒNG MINH 03/11/2014 08:55

Mỗi lần nhớ đến anh Mai Thúc Lân, trong tôi lại ùa về những ký ức một thời Hà Bắc, về những năm tháng cùng công tác với anh ở Ty Nông nghiệp, rồi UBND tỉnh Hà Bắc.

Anh quê Quảng Nam nhưng hai phần ba cuộc đời hoạt động cách mạng đã gắn bó với đất và người Kinh Bắc, anh coi Hà Bắc như quê hương thứ hai của mình. Anh gắn bó với nông nghiệp Bắc Giang, sau này là Hà Bắc ngay từ khi hòa bình vừa mới được lập lại trên miền Bắc được vài ba năm, dấu chân người cán bộ kỹ thuật đã lặn lội khắp các huyện, xã trong tỉnh, đóng góp công sức, trí tuệ vào thành công của các phong trào trong nông nghiệp như: làm thủy lợi và cải tạo đất, với điển hình nổi tiếng cả nước là Hợp tác xã Trung Hòa, công thức 4 L (lúa - lang - lạc - lợn), phát triển diện tích lúa xuân trở thành vụ sản xuất chính…

Một sự kiện đọng lại trong tâm trí nhiều người cho đến tận hôm nay là năm 1986 anh đã cùng tập thể lãnh đạo, chỉ đạo, quyết đoán phương án do cán bộ kỹ thuật đề xuất, xử lý thành công “sự cố đê Nội Doi”, tránh được thảm cảnh lụt lội cho nhân dân các huyện bắc phần Bắc Ninh. Là một cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, anh lặn lội trên đồng ruộng, gần gũi nông dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và từ thực tiễn anh đã chắt lọc, tổng kết, để từ đó đề xuất những chủ trương, chính sách phù hợp, đem lại lợi ích chính đáng, thiết thực cho người dân.

Khi anh là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách nông - lâm nghiệp, thủy lợi, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lúc đó đề ra một số chủ trương không có tính khả thi, nhiều người có ý kiến nhưng không dám nói ra, riêng anh đã thẳng thắn nêu quan điểm của mình trong hội nghị Ban Thường vụ và hội nghị Tỉnh ủy, có khi trực tiếp tranh luận với Bí thư Tỉnh ủy. Anh là người tích cực hưởng ứng chủ trương khoán sản phẩm cuối cùng trong nông nghiệp, mặc dù biết rằng người lãnh đạo cao nhất của tỉnh lúc đó không mặn mà với chủ trương này.

Việc thể hiện quan điểm cá nhân trái với ý kiến của lãnh đạo cấp trên, nhất là người đứng đầu thường là việc không dễ dàng, nhưng như anh tâm sự, đó là tính cách người Quảng Nam và bản lĩnh của người đảng viên Cộng sản. Thời gian đã lùi xa, xâu chuỗi lại những sự kiện “ấm lạnh, buồn vui” trong cuộc đời anh, tôi càng thêm cảm phục sự dũng cảm và lý giải rõ hơn về những khó khăn mà anh nếm trải trong ít năm sau đó.

Anh Mai Thúc Lân là người cương trực, thẳng thắn đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực của cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị và ngoài xã hội. Khi là trưởng phòng trồng trọt và là ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan Ty Nông nghiệp, được phân công viết báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, chuẩn bị đại hội đảng bộ cơ quan. Báo cáo đã phê phán gay gắt những hiện tượng tiêu cực, những khuyết điểm trong công tác đảng ở một số chi bộ, một bộ phận đảng viên, và báo cáo đã được tập thể đảng ủy thông qua.

Tính cách thẳng thắn, bộc trực của người Quảng Nam, vẻ bề ngoài khô khan và cách diễn đạt gay gắt của anh khi nêu lên những khuyết điểm của một đơn vị hoặc cá nhân, làm người được nhận xét dễ phật lòng, khó tiếp thu, nhiều khi anh cũng bị hiểu lầm, nhưng ẩn sau vẻ ngoài “gay gắt” ấy là tấm lòng nhân ái, độ lượng, khoan dung và sự hóm hỉnh đầy chất nhân văn. Anh đã từng băn khoăn trăn trở về những phận đời gian khó, chia sẻ bùi ngùi về những số phận không may mắn… Vì vậy mặc dù anh xa Hà Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang) đã hơn 20 năm nhưng trong trái tim những đảng viên, cán bộ và nhiều người dân biết anh vẫn nghĩ về anh với tình cảm sâu đậm, trân trọng, quý mến, khâm phục một cán bộ có năng lực, trách nhiệm và bản lĩnh. Thiết nghĩ đó là “cái được” lớn, phần thưởng lớn và niềm hạnh phúc đối với một cuộc đời hết lòng vì nhân dân, vì chân lý và vì một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

HỒNG MINH

  • Lễ tang đồng chí Mai Thúc Lân - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội được tổ chức theo nghi thức cấp Nhà nước
  • Bác Mai Thúc Lân - người không ngừng đọc
  • Kỷ niệm cùng Khánh Thọ

HỒNG MINH