Nhiều nơi ở Điện Bàn sạt lở nặng
Là địa bàn có nhiều sông ngòi chạy qua, gần đây các vùng quê của Điện Bàn luôn đối diện với tình trạng sạt lở, đe dọa nghiêm trọng đến đời sống dân sinh và đất canh tác.
Những “điểm đen” sạt lở
Theo thống kê của Phòng NN&PTNN Điện Bàn, những điểm sạt lở chủ yếu tập trung tại các xã có sông chảy qua như thôn Ngân Hà, Ngân Câu (Điện Ngọc), Thanh Quýt (Điện Thắng), Đông Khương, Triêm Tây (Điện Phương); thôn Nhị Dinh 1, 2, 3 (Điện Phước), Kỳ Lam (Điện Thọ), Phú Tây (Điện Quang), Tân Bình 3 (Điện Trung), Điện Phong, Điện Hồng… Riêng tại 3 thôn Nhị Dinh 1, 2, 3, tình trạng sạt lở diễn ra từ nhiều năm nay với tốc độ xâm thực mỗi năm 20 – 30m và kéo dài gần 2km, gây sạt lở khoảng 150ha đất sản xuất, ảnh hưởng đến gần 700 hộ dân sống trong khu vực. Dù chưa vào mùa mưa bão nhưng hiện tượng sụt lún đất đã diễn ra dường như mỗi ngày. Theo ông Nguyễn Sắc (người dân thôn Nhị Dinh 3), hiện tượng sạt lở đã bắt đầu từ năm 1996 và diễn tiến mạnh chỉ trong vòng 3 - 4 năm trở lại đây. Mỗi khi đến mùa mưa lũ, hàng nghìn khối đất sản xuất của 3 thôn Nhị Dinh bị sụp đổ xuống sông, đến nay thì mép sông đã ăn sâu vào đất canh tác hơn 100m. “Trước đây dân cũng có trồng tre nhưng chẳng ăn thua gì” - ông Sắc nói. Ông Đào Cúc – Chủ tịch UBND xã Điện Phước khẳng định, địa phương đã nhiều lần báo cáo lên các cấp ngành của huyện, tỉnh, kể cả trong các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND… nhưng vẫn chưa thấy có giải pháp gì nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở của dòng sông.
Mỗi năm dòng sông lấn sâu vào thôn Nhị Dinh hàng chục mét.Ảnh: V.L |
Không chỉ sạt lở bên phía bờ Điện Phước, phía bên kia sông thuộc các thôn Kỳ Lam, Tân Bình 3 của 2 xã Điện Quang và Điện Trung tình hình cũng không khá hơn. Dọc bờ sông là những vách đất thẳng đứng cao 2 - 3m, có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Ông Phạm Trung Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã Điện Trung cho biết, tình trạng lở đất tại khu vực thôn Tân Bình 3 đã diễn ra nhiều năm, nhiều bờ tre vừa trồng chưa kịp bén rễ đã bị ngã đổ xuống sông. Tuy nhiên, nguy hiểm nhất phải kể đến các điểm sạt lở gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân như khu vực Tư Phú (Điện Quang) với hơn 700m bờ sông bị sạt lở, ảnh hưởng đến trạm bơm tưới tiêu cho 174ha đất lúa và hoa màu, gây nguy hiểm cho 25 hộ dân; hay khu vực thôn Thanh Quýt (Điện Thắng), sạt lở 500m, uy hiếp đến 2 trạm bơm điện tưới cho 154ha đất lúa và 1,7ha hoa màu, ảnh hưởng đến cuộc sống của 20 hộ dân. Nghiêm trọng nhất phải kể đến các điểm sạt lở là xóm Hà Mật (thôn Hòa An, Điện Phong) và 2 thôn Ngân Hà, Ngân Châu (Điện Ngọc) với tổng cộng 32 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Đa số nhà dân ở đây chỉ còn cách bờ sông 10 - 15m, cá biệt có điểm bờ sông chỉ còn cách nhà dân khoảng 2m, nguy cơ bị sụp đổ cuốn trôi ra sông vào mùa mưa bão rất cao.
Dù hai bên bờ bị sạt lở nhưng giữa sông là “mỏ cát” được cấp phép khai thác. |
Thiếu kinh phí
Có nhiều nguyên nhân về tình trạng sạt lở tại các điểm ven sông như tác động của dòng chảy, bờ đất yếu ven sông… Tuy nhiên, theo ý kiến của người dân sống ven sông thuộc các xã Điện Phước, Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong, tình trạng hút cát trên những dòng sông cũng là một nguyên nhân gián tiếp gây nên tình trạng sạt lở như hiện tại. Chỉ riêng đoạn sông phía dưới cầu sắt Kỳ Lam chạy qua 3 xã ven bờ là Điện Phước, Điện Quang và Điện Trung dễ dàng phát hiện nhiều ghe ngang nhiên hút cát. Điều đáng nói là, theo ý kiến của lãnh đạo các địa phương nơi đây, chính quyền không thể can thiệp vì việc hút cát đều hợp pháp do có giấy phép. “Nói hút cát có gây sạt lở hay không thì cần phải có nghiên cứu cụ thể của các nhà chuyên môn, còn trách nhiệm của địa phương là bảo vệ mốc giới theo quy định, đảm bảo các ghe hút cát không vi phạm ra khu vực xung quanh” - ông Phạm Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Trung nói.
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng NN&PTNT cho hay, dù là nguyên nhân gì đi nữa thì việc kè chắn chống sạt lở vẫn là vấn đề ưu tiên nhằm đảm bảo cuộc sống, sản xuất của người dân. Đến nay việc lập hồ sơ dự án kè chắn các điểm xung yếu trên địa bàn huyện giai đoạn trung hạn (2016 - 2020) đã xong và cũng được báo cáo kiến nghị lên tỉnh, trung ương xin kinh phí nhưng do thiếu nguồn nên vẫn chưa thể triển khai thi công được. “Các điểm sạt lở là đất sản xuất rất khó xin dự án vì tỉnh và trung ương chỉ ưu tiên cho các điểm ảnh hưởng đến dân cư” - ông Chơi cho biết. Vì vậy, ngoài nguồn vốn trung ương hỗ trợ khoảng 25 tỷ đồng để kè chắn đoạn qua thôn Kỳ Lam (dự kiến tháng 2.2015 triển khai) thì các dự án còn lại phải chờ vốn, kể cả tại 2 thôn Ngân Hà và Ngân Châu (Điện Ngọc) cũng chỉ hỗ trợ kinh phí di dời cho người dân với mức khoảng 20 triệu đồng/hộ, còn việc kè chắn chưa tính đến. “Qua khảo sát hầu như xã nào cũng bị ảnh hưởng sạt lở do Điện Bàn có 3 – 4 dòng sông chạy qua nên rất khó thể kè chống hết được, trước mắt huyện chỉ tập trung vào những chỗ có nguy cơ uy hiếp cuộc sống người dân cao nhất thôi” - ông Chơi nói thêm.
Mùa mưa lũ sắp đến, nhiều điểm ven các con sông chảy qua huyện Điện Bàn sẽ tiếp tục sạt lở. Chưa nói đến cuộc sống dân sinh, nguy cơ biến mất của những diện tích đất canh tác màu mỡ là không tránh khỏi.
KHÁNH LINH