Thủy binh Quảng Nam thế kỷ XIX

NGÔ VĂN MINH 02/11/2014 08:51

Nhận thức rõ “bờ biển nước ta kéo dài, việc tuần phòng ngoài biển rất là quan trọng” nên các vua đầu triều Nguyễn rất quan tâm việc xây dựng lực lượng thủy quân chuyên lo việc tuần thám trên biển. Tổ chức lực lượng thủy quân bấy giờ có 2 bộ phận, một bộ phận lớn ứng trực ở kinh đô gọi là “Kinh kỳ thủy sư”. Đây là bộ phận chủ lực của thủy quân triều Nguyễn, được trang bị đầy đủ cả về vũ khí, tàu thuyền và có sự luyện tập thường xuyên để đáp ứng các yêu cầu về quân sự và dân sự khi triều đình cần dùng đến. Ở các tỉnh có lực lượng thủy binh và các đội hải dân quân.

Bản sao chiếu vua ban cho ông Trương Văn Sương, năm Minh Mạng thứ 2 (1821).
Chiếu vua ban cho ông Trương Văn Sương, năm Minh Mạng thứ 2 (1821).

Thủy binh Quảng Nam được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 15 (1834). Bấy giờ nhà vua có dụ: “Các cửa bể ở địa phận hạt Quảng Nam đều có thuyền tàu ra vào, nên đặt lính thủy sư. Tỉnh hạt ấy, xét xem 2 đội Thanh Khê, Hà Khê có từ trước và cơ Điện Hải hiện còn thực số bao nhiêu, cho hợp lại làm một. Lại xem dân ở các xã ven biển hoặc dân ngoại tịch đã chiêu mộ, trích ra để lựa chọn, cốt đủ 10 đội, mỗi đội 50 tên, đặt làm Quảng Nam thủy cơ. Kính cẩn vâng làm”. Theo đó, thủy vệ Quảng Nam được thành lập với quân số ban đầu gồm 500 người. Hai năm sau lại rút số lính mới tuyển tại địa phương để bổ sung và lập thành 2 thủy vệ là Quảng Nam Tả vệ và Quảng Nam Hữu vệ. Mỗi vệ cũng có 10 đội.

Vì Quảng Nam có cửa biển Đà Nẵng giữ vị trí chiến lược đối với kinh thành Huế nên vua Minh Mạng 2 lần ban dụ quy định phòng ngừa nghiêm ngặt đối với tàu thuyền của các nước khi đến cảng này. Dụ năm thứ 18 (1837) quy định: “Tấn Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam là nơi bờ bể quan trọng ở gần kinh kỳ, tàu thuyền nước ngoài qua lại, quan hệ không phải là nhỏ. Vậy chẩn định: Từ nay phàm tàu thuyền nước ngoài bất kỳ đến khu tấn Đà Nẵng mà đậu nhờ, thì không kể là dấu hiệu nước nào và là kiểu thuyền gì, viên tấn thủ tấn ấy phải tự đến hỏi rõ tình hình. Nếu là việc quan trọng, thì lập tức làm tờ tâu do đường trạm phi ngựa dâng lên, hoặc do lệ tối khẩn phát trạm đưa vào tâu. Còn các công việc tầm thường, cũng lập tức kể đủ duyên do tư vào bộ để chuyển tâu, khiến trẫm sớm được biết tình trạng, điều ấy là rất quan trọng”.

Để huy động ngư dân vào việc tuần thám biển đảo, Minh Mạng còn dụ cho quan đầu tỉnh phải sức dân sửa chữa nâng cấp một vài thuyền đánh cá, đảm bảo chèo nhanh, chở được khoảng 20 người để dùng vào việc vây bắt hải tặc khi cần điều động. Chi phí sửa chữa và trang bị vũ khí giáo dài, súng trường, thuốc đạn cho các thuyền này sẽ do nhà nước cấp. Quan đầu tỉnh Quảng Nam được chỉ dụ phải “nghiêm sức cho các viên tấn thủ (tức quan giữ đồn cửa biển)thuộc hạt, điều phái thuyền binh ngày đêm lưu tâm đi tuần thám. Nếu có giặc biển lén lút nổi lên, thì một mặt đuổi bắt, một mặt chạy báo cho quan địa phương, lập tức phi sớ tâu lên”. Bấy giờ, vùng biển Nam - Ngãi thường có bọn hải tặc người Thanh đến quấy phá. Năm 1843 chúng kéo tới vùng biển Cù Lao Chàm 20 thuyền. Phó Quản cơ Lê Văn Hưu chỉ huy đội tuần thám địch không nổi. Phó Lãnh binh Nguyễn Nghĩa được tin báo liền đem quân ra chặn đánh. Nhận được tin khẩn cấp, vua Thiệu Trị liền chỉ dụ lấy thuyền đậu ở cửa biển Đà Nẵng và thủy sư pháo thủ cùng với biền binh của tỉnh đóng giữ ở các đồn biển ra tiếp ứng, đồng thời chỉ lệnh cho các thuyền Kinh đang đi tuần ở phía nam quay ngược trở ra để ngăn đường rút chạy của giặc. Bọn giặc chạy vào hải phận Quảng Ngãi nhưng lực lượng thủy quân của ta đuổi theo kịp, đánh chìm được 2 thuyền, số còn lại đều bỏ chạy. Cũng trong năm này chúng còn quay lại vùng biển Nam - Ngãi một lần nữa, nhưng bị lực lượng thủy quân triều đình cùng lực lượng thủy binh Quảng Nam do Lê Văn Pháp vây đánh tại Cù Lao Chàm. Sau khi bị trừng trị, tuy vẫn còn lén lút thâm nhập nhưng chúng không còn dám ngang nhiên quấy phá nữa.

Chúng tôi đã được cung cấp 10 đạo bằng, sắc, chiếu của 3 người tham gia vào lực lượng thủy binh Quảng Nam từ thời Gia Long cho đến thời Tự Đức là các ông Trương Văn Sương (1 chiếu thời Minh Mạng, 3 bằng gồm 2 bằng thời Gia Long, 1 bằng thời Minh Mạng), Trương Văn Tri (2 sắc và 2 bằng đều thuộc thời Tự Đức) và Trương Văn Hay (2 bằng thời Tự Đức) đều ở xã Ngọc Sơn, tổng Phú Quý, thuộc Liêm Hộ, phủ Thăng Hoa (nay thuộc xã Tam phú, TP.Tam kỳ). Trong 3 người này, ông Trương Văn Sương là cha ông Trương Văn Tri, còn ông Trương Văn Hay là người cùng họ với ông Trương Văn Sương, nhưng khác phái.

Nội dung các bằng, chiếu về ông Trương Văn Sương cho biết ông tham gia lực lượng thủy quân ngay từ khi Nguyễn Ánh mới đánh ra Quảng Nam (1801), được thăng chức từ Ngũ đội trưởng Đội 6 lên Suất đội trưởng (bằng do Khâm sai Thống quản Thủy quân cấp ngày 9 tháng 9 (nhuận) năm Gia Long thứ sáu (1807). Đến năm 1816 được thăng lên Chánh suất đội trưởng (bằng cấp năm Gia Long thứ 15, tháng 11, ngày 7). Đến năm 1821 ông được công nhận chức chính thức trong Cơ. Điều đặc biệt ở đây là ông được ban chiếu chứ không phải chỉ ở mức độ sắc phong. Nội dung chiếu dịch nghĩa như sau:

Chiếu. Cơ thủy quân phía sau, Đội 6, Hàng 20, Chánh đội trưởng là Trương Văn Sương. Ông ta đầu quân vào năm Tân Dậu 1801, năm Mậu Dần (1818) đã qua 3 kỳ khảo hạch, nên được đặc chuẩn thăng chức chính thức trong Cơ cũ, Đội 6, Hàng 20, theo Cai đội xếp đặt việc quân binh. Nếu suy giảm phép tắc, có quân pháp xét xử. Nay tuân theo. Ban chiếu. Minh Mạng, năm thứ 2, tháng 6, ngày 18”.

Đến năm 1826 ông Trương Văn Sương xin về hưu, được Bộ Binh giải quyết theo nguyện vọng. Trong bằng cấp của ông (Minh Mạng năm thứ 7, tháng 10, ngày 13) quan Bộ Binh ghi nhận “Trương Văn Sương đã kinh qua công việc. Thần (Binh Bộ) đã xem xét thực tế nên chuẩn thuận cho về nguyên chức quan để nghỉ hưu”.

Ông Trương Văn Tri theo đường binh nghiệp của cha, tòng quân ở Đội 2, Tả thủy vệ Quảng Nam, do “trải qua đủ khóa, các quan viên tỉnh cử” nên được công nhận Đội trưởng chính thức vào năm 1871 (Sắc phong năm Tự Đức thứ 24, tháng 5, ngày 6). Một năm sau ông được các quan Bố chánh, Án sát và Lãnh binh của Quảng Nam đồng đánh giá là người “sớm am tường việc thủy trình, làm việc cẩn thận có thể kham nổi chức Suất đội trưởng” (Bằng cấp năm Tự Đức thứ 25, tháng 10, ngày 15). Năm 1876 ông tiếp tục được quan Tuần phủ Quảng Nam bổ dụng chức Suất đội trưởng (bằng cấp năm Tự Đức thứ 29, tháng 4, ngày 10). Cũng trong năm này ông được thăng chức Chánh suất đội trưởng, do “tại chức đã qua nhiều năm rất mẫn cán” (Sắc phong năm Tự Đức thứ 29, tháng 7, ngày 14).

Người chú trong họ của ông Trương Văn Tri là ông Trương Văn Hay giữ chức Ngũ đội trưởng thuộc hàng 20, Đội 2 của Tả thủy vệ Quảng Nam vào năm 1861 (bằng của quan Bố chính kiêm Án sát Quảng Nam cấp năm Tự Đức thứ 14, tháng 3, ngày 15). Hai năm sau, do “làm tốt công việc đã nhiều năm” ông được thăng làm Suất đội trưởng (bằng cấp năm Tự Đức thứ 16, tháng 12, ngày 16).

Những tư liệu lịch sử trích dẫn từ “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” của nội các triều Nguyễn về tổ chức thủy binh Quảng Nam và những nội dung bằng sắc đã dẫn ở trên cho thấy lực lượng thủy binh và dân quân vùng biển đảo của Quảng Nam dưới thời triều Nguyễn đã đảm đương trách nhiệm thường xuyên tuần thám giữ yên hải phận thuộc địa phương mình.

NGÔ VĂN MINH

NGÔ VĂN MINH