Đi dân nhớ, ở dân thương

QUỐC VŨ 31/10/2014 10:01

Bọc kỹ ba lô trong tấm ny lon, lắp thêm xích vào bánh sau hai chiếc xe máy, tổ cắm bản của Trung úy Coor Trung - cán bộ vận động quần chúng Đồn Biên phòng Đắc Pring - Nam Giang (Bộ đội Biên phòng Quảng Nam) đội mưa rừng lên cụm dân cư Pêtapoóc nằm sát biên giới Việt - Lào, nơi có lớp học xóa mù chữ đặc biệt do Coor Trung làm thầy giáo.

Lớp học đặc biệt

Sở dĩ nói lớp học đặc biệt vì chỉ học vào ban đêm, lớp có 21 học sinh ở nhiều lứa tuổi, từ em bé 5 tuổi đến cụ già ngót nghét 70. Nghe có vẻ không phù hợp, thậm chí đi ngược với khoa học giáo dục, nhưng ở nơi tứ bề rừng núi, bà con sống dựa vào nương rẫy, bẫy thú, đến nhà còn không đủ che mưa thì việc tổ chức được lớp học như thế này đã là thành công lắm rồi. Thuận lợi duy nhất là Coor Trung cũng người đồng bào Ve nên giao tiếp với bà con dễ dàng hơn những cán bộ khác ở Đồn Biên phòng Đắc Pring.

Cụm dân cư này chỉ có 9 nóc nhà với 39 nhân khẩu nằm lọt thỏm giữa rừng, nơi tít mù biên cương. Muốn đến làng phải băng ngầm, vượt dốc nửa ngày trời, vì thế, nó gần như biệt lập. Khi Đồn Biên phòng Đắc Pring cử tổ công tác về đây cắm bản, cuộc sống người dân đã chuyển từ cảnh rau rừng cá suối sang canh tác, chăn nuôi theo thời vụ, chấm dứt cuộc sống du canh, du cư qua lại giữa địa bàn hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Sau nỗ lực ổn định đời sống cho cụm dân cư này, Đồn Biên phòng Đắc Pring triển khai chương trình dạy xóa mù chữ cho bà con.

Trung úy Coor Trung (bên phải) với lớp học xóa mù chữ ở cụm dân cư Pêtapoóc. Ảnh: Q.V
Trung úy Coor Trung (bên phải) với lớp học xóa mù chữ ở cụm dân cư Pêtapoóc. Ảnh: Q.V

Bà Y Ngợi năm nay đã gần 70 tuổi, thành viên lớn nhất của lớp học cho hay: “Học cái chữ của cán bộ Trung khó lắm, không dễ như hái rau rừng. Học mãi mới nhớ mặt chữ. Nhưng mà vui lắm, bây giờ mới biết cái tên Y Ngợi của mình khó đánh vần lắm”. Nói về lớp học do mình phụ trách, Trung úy Coor Trung chia sẻ: “Dạy chữ cho trẻ con ở đây cũng khó không kém người già. Các em chưa được tiếp xúc với thế giới bên ngoài nên mình dạy cái gì cũng thành lạ lẫm. Nhưng cũng chính từ sự lạ lẫm đó kích thích tính khám phá nên các em tiếp thu rất nhanh”. Trung úy Coor Trung cho biết thêm, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Đắc Pring quyết tâm xây dựng cụm dân này thành điểm sáng văn hóa vùng biên từ năm 1999. Thời điểm đó xã Đắc Pring bỗng dưng cắt mọi chế độ chính sách của thôn theo quyết định của huyện Nam Giang. Nạn du canh, du cư có nguy cơ tái phát. Để phên giậu của Tổ quốc không bị bỏ trống, Đồn Biên phòng Đắc Pring đã tập trung mọi nguồn lực thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới đối với Pêtapoóc và xem mỗi người dân nơi đây như những cột mốc chủ quyền nơi vùng cao biên giới. Ngoài ra đơn vị còn kêu gọi các nhà tài trợ ủng hộ quy hoạch lại mặt bằng khu dân cư. Cách đây 3 năm, Pêtapoóc chỉ toàn là những túp lều được dựng lên tạm bợ từ tre, nứa; bây giờ đã được thay thế bằng những ngôi nhà gỗ vững chãi từ chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” do Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai. Nhân dịp Tết Giáp Ngọ 2014 Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam cũng đã tài trợ toàn bộ tua-bin điện thủy luân và 9 bộ đầu thu truyền hình vệ tinh cho các hộ dân. Và chuyện học hành ở đây bây giờ đã thành nếp, mỗi tuần 3 đêm, tại ngôi nhà “tiếp dân” của tổ biên phòng cắm bản lại vang lên tiếng ê a đánh vần, đọc chữ. “Đến thời điểm này bà con đã đọc, viết được một số từ thông dụng và ít ký tự... Vẫn còn gian nan lắm, nhưng bản thân tôi sẽ cố gắng. Mục tiêu là giúp bà con có thể tự mình viết thư gửi về trung tâm xã mua hàng hóa, vật dụng phục vụ đời sống, trẻ con khi được đến trường đỡ ngỡ ngàng hơn với con chữ, như thế đã là thành công lớn rồi” - Coor Trung trải lòng.

Tấm lòng vì vùng biên

Thượng tá Nguyễn Minh Chánh - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đắc Pring cho biết, trong quá trình công tác tại đơn vị, Coor Trung luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có nhiều đề xuất hướng đến chất lượng cuộc sống của người dân vùng biên. Mô hình đưa giống lúa mới lên cho đồng bào Pêtapoóc và xung phong đứng lớp dạy xóa mù cho bà con nơi đây của Coor Trung là ví dụ cụ thể nhất. “Trung lặn lội bám dân, bám địa bàn. Những nơi xa trung tâm, những bản làng nằm sát biên giới là địa bàn Trung rất quan tâm, vì chính những nơi đó đời sống bà con còn gian khó và cần sự hỗ trợ. Bây giờ không chỉ trong đơn vị mà đi khắp các bản làng ở hai xã Đắc Pring và Đắc Pre ai cũng yêu quý Coor Trung. Cậu ấy đã xây dựng được hình ảnh cán bộ gần dân: Đi dân nhớ, ở dân thương” - Thượng tá Nguyễn Minh Chánh nhận xét về Coor Trung.

Để có cơ sở đề xuất thuyết phục Ban chỉ huy mở các lớp xóa mù ở vùng biên địa bàn đồn phụ trách, Coor Trung đã cùng anh em trong đội vận động quần chúng lặn lội đến từng nhà tiến hành điều tra, nắm tình hình về đời sống, nhất là trình độ học vấn của từng người dân, qua đó phân loại người mù chữ và tái mù chữ để xây dựng kế hoạch tổ chức lớp học. Kết quả từ năm 2009 đến nay, anh đã tham mưu cho Đồn Biên phòng Đắc Pring phối hợp với ngành giáo dục địa phương mở 3 lớp học cho 157 người mù chữ và tái mù chữ; tuyên truyền, vận động gia đình có trẻ em đến trường đúng tuổi quy định; cùng với chi bộ, ban nhân dân các thôn, thầy cô giáo chủ nhiệm lớp vận động hơn 95 học sinh bỏ học giữa chừng trở lại lớp; vận động quyên góp ủng hộ hàng chục triệu đồng, quần áo, xe đạp, sách vở và đồ dùng học tập, giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó học giỏi, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật… Anh còn đề xuất với chỉ huy đơn vị phát động quyên góp ngày lương trong cán bộ, chiến sĩ tạo nguồn kinh phí đóng bàn ghế, bảng viết, dụng cụ học tập… cho các trường.

Ngoài tích cực trong công tác phổ cập giáo dục, Coor Trung còn cùng đơn vị phối hợp với Hội LHPN các xã Đắc Pring, Đắc Pre vận động, xây dựng 5 câu lạc bộ không tảo hôn và không sinh con thứ 3; phối hợp địa phương xây dựng 2 nhà văn hóa thôn và duy trì mô hình “Tổ đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế hộ”, chuyển đổi nương rẫy thành trang trại vườn đồi kết hợp đăng ký tự quản đường biên cột mốc... Những công trình, việc làm trên đã phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, giữ đất, giữ thôn, bản và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

“Thành quả công việc của mình được tỉnh, huyện, ngành giáo dục và các ban ngành trong tỉnh ghi nhận, và phần thưởng ý nghĩa nhất là sự yêu quý, đùm bọc của người dân nơi mình công tác, làng bản nơi mình đến. Nhờ có sự gắn kết mật thiết đó mà mọi chủ trương, đường lối của Đảng hoặc những mô hình do Bộ đội Biên phòng tỉnh phát động, huy động sức mạnh toàn dân vào công cuộc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới luôn được bà con nhiệt tình hưởng ứng và sẵn sàng tự nguyện tham gia” - Trung úy Coor Trung tâm sự.

QUỐC VŨ

QUỐC VŨ