Phước Sơn ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất

DUY THÁI 30/10/2014 13:09

Nhiều dự án/mô hình chuyển giao khoa học công nghệ (KH-CN) được triển khai tại huyện Phước Sơn chưa phát huy hiệu quả thực tế. Chính điều này là trở lực không nhỏ để Phước Sơn đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất.

Máy sấy nông sản tại xã Phước Năng chưa phát huy được hiệu quả. Ảnh: Duy Thái
Máy sấy nông sản tại xã Phước Năng chưa phát huy được hiệu quả. Ảnh: Duy Thái

Thiếu hiệu quả

Cuối năm 2012, Trung tâm Ứng dụng KH-CN tỉnh phối hợp với Phòng Kinh tế  hạ tầng huyện Phước Sơn chuyển giao công nghệ và lắp đặt 2 máy sấy nông sản tại 2 xã Phước Năng và Phước Chánh. Đây là loại máy sấy công nghệ đảo chiều gió, mỗi mẻ sấy có thể được 2 tấn lúa, bắp... Với thiết bị này, huyện Phước Sơn hy vọng sẽ giúp bà con ở vùng cao bảo quản tốt nông sản. Tuy nhiên những chiếc máy sấy này chỉ được sử dụng vài lần rồi “đắp chiếu” vì người dân không đụng đến. Hộ ông Hồ Văn Phương (thôn 1, Phước Năng) được xã giao bảo quản thiết bị máy sấy để phục vụ trong dân và trực tiếp thu chi phí tiền công, tiền điện. Ông Phương cho biết, từ khi đưa máy sấy về đến nay chưa có hộ dân nào đem nông sản tới sấy, chính gia đình ông cũng sấy lúa ướt một lần rồi bỏ hẳn. “Dù đã được hướng dẫn nhưng khi vận hành máy sấy, gia đình tôi còn chưa quen nên lúa ở giữa thường không khô. Hơn nữa người dân sợ phải nộp tiền điện nên đành sấy lúa, bắp trên giàn bếp chứ không đưa đến máy sấy” - ông Phương nói. Cũng vậy, máy sấy ở xã Phước Chánh do hộ ông Hồ Văn Nghiêu (thôn 3) nhận bảo quản cũng đắp chiếu. Ông Võ Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chánh thừa nhận: “Chiếc máy sấy này chưa phát huy được hiệu quả, gần 2 năm, thiết bị này chỉ hoạt động được vài lần. Người dân thì ngại sử dụng đến máy móc nên địa phương chưa biết làm gì để phát huy hết hiệu quả chiếc máy sấy này”.

Không chỉ dự án máy sấy nông sản chưa phát huy hiệu quả, mô hình sản xuất song mây tại xã Phước Xuân cũng nhanh chóng thất bại. Ông Trần Thanh Tân - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Phước Sơn cho biết, vào tháng 8.2011, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và huyện Phước Sơn tổ chức ra mắt tổ hợp tác sản xuất song mây tại Phước Xuân gồm 9 thành viên. Công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng lò luộc mây với tổng kinh phí hỗ trợ là 300 triệu đồng. Đến tháng 3.2012, lò luộc mây chính thức đi vào hoạt động, sau một ngày làm thử nghiệm các công nhân đã cho ra lò gần 5 tấn mây qua sơ chế. Sản phẩm được Xí nghiệp Mây tre lá Âu Cơ (Núi Thành) nhận bao tiêu với giá thị trường là 15 triệu đồng/tấn, trong đó chi phí luộc mây là 5 triệu đồng/tấn. Để giúp các thành viên nắm được quy trình từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến kỹ thuật vận hành lò nhằm tạo ra sản phẩm tốt nhất, Ban triển khai dự án tạo việc làm cho thanh niên huyện Phước Sơn đã tổ chức cho Tổ hợp tác sản xuất song mây Phước Xuân tham quan học tập kinh nghiệm tại Xí nghiệp Mây tre lá Âu Cơ và Công ty Mây tre Nghĩa Tín (Đại Lộc). “Tổ hợp tác song mây hoạt động trên tinh thần tự nguyện góp vốn của các thành viên, ban đầu lò mây hoạt động tốt nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì phải bù lỗ và dừng hoạt động. Nguyên nhân chính là sự quản lý chưa đồng bộ, giá mây nguyên liệu đầu vào được đội lên cao vì các đối tượng chở gỗ lậu trái phép mua mây để ngụy trang chở gỗ về dưới xuôi, vì vậy lò mây luôn bị thiếu hụt nguyên liệu” - ông Tân nói.

Nhiều khó khăn

Ngoài yếu tố khách quan do ruộng đất nhỏ hẹp khó áp dụng kỹ thuật. Trở ngại lớn nhất vẫn là tâm lý người dân trông chờ vào sự hỗ trợ, rất ít người tự đầu tư mua sắm máy móc, phân bón và làm theo quy trình. Họ làm đủ ăn là chính chứ không mạnh dạn đầu tư để làm giàu.
(Ông Nguyễn Phiếm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Sơn)

Theo ông Trần Thanh Tân, để lò mây có thể hoạt động trở lại, lãnh đạo huyện Phước Sơn đã chỉ đạo cho xã Phước Xuân giao lại cho hộ tư nhân tại đây thuê mặt bằng, tái đầu tư hệ thống hầm lò và cam kết sử dụng lao động tại địa phương. Đối với 2 máy sấy ở xã Phước Năng và Phước Chánh sẽ được kiểm tra và tìm hiểu nguyên nhân người dân không sử dụng. Nếu hộ dân được bàn giao không thực hiện được thì phải chuyển cho người dân ở thôn khác phù hợp hơn để phát huy hiệu quả.

Những năm qua, từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, huyện Phước Sơn đã có nhiều hỗ trợ thiết thực giúp bà con nông dân phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Phiếm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Sơn cho biết, năm 2014 huyện đã cấp 150 máy tuốt lúa, 3 tấn phân bón, 250 con bò (5 bò đực phối giống), 20 con trâu, 120 con heo, 2 triệu cây keo giống, 300 nghìn cây bời lời cho người dân với tổng kinh phí hơn 7,5 tỷ đồng. Tuy vậy, kết quả vẫn chưa như mong đợi, đa số vẫn còn chăn nuôi nhỏ lẻ, người dân vẫn khó có thể tự mình xây dựng hoặc nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Khâu cơ giới hóa làm đất, thu hoạch chỉ đạt khoảng 20% ở vùng thấp, còn vùng cao bà con hầu hết lao động bằng tay chân.

Ông Alăng Ngọc - Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Phước Sơn cho biết thêm, mỗi năm địa phương đều mở nhiều lớp đào tạo, tập huấn cho người dân về chăn nuôi, sản xuất lúa nước và phòng trừ dịch bệnh. Trực tiếp hướng dẫn cách làm cho nông dân từ các mô hình cụ thể nhưng sau khi người dân về áp dụng lại cho hiệu quả thấp. “Ví dụ như tại xã Phước Chánh, mô hình thâm canh cây lúa cải tiến SRI được thí điểm trên 3 sào ruộng, hướng dẫn trực tiếp cho người dân từ công đoạn cấy lúa đến thu hoạch, sản lượng thống kê ước đạt 80 tạ/ha. Khi thực hiện nhân rộng mô hình này thì bà con không thể làm được. Hay như mô hình trồng cỏ nuôi bò, người dân áp dụng chỉ đạt 30 - 40%” - ông Ngọc nói.

DUY THÁI

DUY THÁI