Tái định cư tập trung ở Tây Giang
Với phương châm “nơi ở mới phải hơn nơi ở cũ”, điểm chung ở các làng tái định cư nơi vùng cao Tây Giang là vừa đảm bảo cơ sở hạ tầng, đất ở, đất sản xuất, vừa có không gian để đồng bào Cơ Tu sinh hoạt bảo tồn bản sắc văn hóa… Những năm gần đây, bằng nhiều cách làm sát với thực tế, huyện Tây Giang đã hoàn thành tái định cư tập trung ở 61/70 thôn, với hàng nghìn hộ đồng bào Cơ Tu dọn về nơi ở mới. Và Tây Giang được đánh giá là địa phương đi đầu trong công tác quy hoạch, sắp xếp bố trí dân cư ở miền núi Quảng Nam.
Mô hình khu dân cư tập trung tại huyện Tây Giang. Ảnh: THÁI BÌNH |
Thôn A Rớt (xã A Nông) là một trong số thôn đã được tái định cư. Để có nơi ở mới khang trang, sạch đẹp, có gươl sinh hoạt văn hóa như thế này, ngoài nguồn hỗ trợ hàng tỷ đồng từ Chương trình 30a của Chính phủ, hơn 145 hộ đồng bào Cơ Tu nơi đây đã đồng lòng hy sinh quyền lợi của mình để cùng với Nhà nước san ủi mặt bằng, dựng nhà, lập vườn. A Rớt cũng là một trong 4 thôn ở xã A Nông có mặt bằng tái định cư đẹp, phù hợp với văn hóa làng của người Cơ Tu. Trao đổi với chúng tôi, ông A Lăng Bao - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã A Nông chia sẻ: “Phần lớn nhân dân các thôn tái định cư đồng lòng hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc để đảm bảo cho việc san lấp mặt bằng, bố trí sắp xếp dân cư. Về nơi ở mới với nhiều đổi khác so với cách sinh hoạt trước đây, tuy nhiên với việc tái định cư đúng phương châm “có nhà ở ổn định, có đất sản xuất và có không gian để bảo tồn văn hóa làng của đồng bào Cơ Tu” nên bà con rất đồng thuận”.
A Nông chỉ là một trong 10 xã của huyện Tây Giang đã và đang hoàn thành các điểm tái định cư tập trung. Bên cạnh nguồn vốn ưu đãi từ Nghị quyết 30a, huyện Tây Giang đã mạnh dạn lồng ghép nhiều nguồn vốn khác của trung ương, của tỉnh để đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, quy hoạch tái định cư gắn với phát triển ổn định và bền vững. Chính cách làm này đã tạo nên sự đồng thuận cao trong nhân dân nơi đây. Có 61/70 khu dân cư tập trung hoàn thành trong một khoảng thời gian ngắn và hàng nghìn hộ đồng bào Cơ Tu ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát đói, giảm nghèo... được coi là minh chứng rõ nét nhất cho thành công này ở Tây Giang. Giờ đây ở những khu tái định cư, đồng bào Cơ Tu thay vì chỉ sản xuất thuần nông như trước, đã có những ngành nghề kinh tế, tăng thu nhập xuất hiện như: kinh doanh buôn bán, cửa hàng điện tử, sửa chữa xe máy… Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang nói: “Tại các thôn tái định cư, huyện đều chú trọng xây dựng công trình phục vụ dân sinh như điện, nước, trường học, trạm y tế và các công trình phúc lợi khác. Chủ trương của huyện là đầu tư xây dựng các khu tái định cư phải tập trung không dàn trải, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân”.
Khi vẫn còn khá nhiều địa phương miền núi của tỉnh chưa tìm được hướng đi đúng trong công tác bố trí sắp xếp quy hoạch dân cư, thì ở Tây Giang công tác này đã thật sự phát huy hiệu quả. Gươl sinh hoạt văn hóa ở trung tâm làng, những ngôi nhà vững chắc kiên cố bao quanh, đi cùng với đó là hệ thống điện thắp sáng, đường bê tông, nước sạch sinh hoạt..., mang đến cho đồng bào Cơ Tu một cuộc sống mới tốt hơn. Và từ đây phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng cuộc sống mới gắn liền với bảo tồn văn hóa của đồng bào đã, đang và sẽ tiếp tục đi lên.
THÁI BÌNH