Vì nghĩa cử cao đẹp

GIANG BIÊN 29/10/2014 08:05

Với nghĩa cử “đền ơn đáp nghĩa”, hàng chục năm qua, anh Trần Phước Hà (hiện là nhân viên bảo vệ Trường Tiểu học Trần Cao Vân, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình) đã giúp thân nhân tìm hơn 150 mộ các liệt sĩ trở về quê quán.

Căn nhà của gia đình anh Hà được xây dựng vào năm 2000, đối diện với nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Định Bắc. Hằng ngày, chứng kiến cảnh người thân của các liệt sĩ đến hỏi thăm để mong tìm được hài cốt đem về quê nhà an táng, đã thôi thúc anh tìm hiểu và giúp đỡ tận tình. Từ những thông tin có trên bia mộ liệt sĩ trong nghĩa trang, anh đến UBND xã để kiểm chứng, đối chiếu rồi gửi thư đến cơ quan chỉ huy quân sự và ngành LĐ-TB&XH các địa phương. Trong mỗi bức thư gửi, anh Hà đều để lại địa chỉ, số điện thoại để thân nhân liên lạc. Hầu hết quê quán các liệt sĩ nằm tại nghĩa trang xã Bình Định Bắc từ gốc Bắc vào Nam để chiến đấu. Để làm được công việc này, ngày nào anh cũng cần mẫn, cặm cụi ngồi viết thư. Đến nghĩa trang, anh phải căng óc suy luận, tìm đọc, tra cứu về địa giới hành chính địa phương là quê quán của liệt sĩ. Chẳng hạn như trường hợp liệt sĩ Nguyễn Văn Hoán hy sinh ngày 7.10.1967, quê ở Nhân Bình, Lý Sơn, Hà Nam, anh Hà phải viết đến hơn chục bức thư gửi đi khắp huyện, xã có chi tiết liên quan đến địa danh ghi trên bia mộ. Cuối cùng một trong số những bức thư đó đã đến đúng chủ, giúp gia đình liệt sĩ tìm ra hài cốt thân nhân. Hay trường hợp liệt sĩ Trần Văn Mậu quê ở Ái Quốc, Tuyên Lữ, Hải Hưng nhưng lại ghi trên mộ là Trần Văn Mẫu. Những sai sót thông tin trên bia mộ như vậy khiến các gia đình dù cất công tìm kiếm mấy chục năm qua vẫn không có kết quả. Thế rồi nhận thư anh Hà, họ đã tìm ra phần mộ người thân của mình.

Trong cuốn sổ ghi chép đã cũ, anh Hà chỉ cho chúng tôi những cái tên liệt sĩ anh đã từng gửi đi theo các địa chỉ, đánh dấu thư gửi đi bao nhiêu lần và ghi chú thật kỹ những tên liệt sĩ đã tìm được. Không chỉ gửi thư qua đường bưu điện, anh còn là người chuyên cung cấp thông tin mộ liệt sĩ qua điện thoại. Người thì hỏi thêm về các địa danh ghi trong thư, người thì hỏi đường đi đến nơi người thân họ đang nằm, lại có cả tiếng thút thít bày tỏ nỗi lòng với những người đã hy sinh. Thậm chí, có những gia đình do điều kiện kinh tế khó khăn không thể tìm đến, họ điện nhờ anh thắp nén hương cho người thân. Một trong những trường hợp mà anh kể cho chúng tôi nghe thật xúc động, đó là trường hợp của liệt sĩ Nguyễn Hải Hòa (quê ở Cộng Hòa, Hải Hưng, mất vào năm 1967). Đã nhiều lần anh Hà viết thư gửi thân nhân liệt sĩ Hòa nhưng vẫn không có người tìm đến. Đầu năm 2013, trong lúc đang làm việc, anh nhận được cuộc điện thoại của người cháu liệt sĩ Nguyễn Hải Hòa. Trong điện thoại, người cháu đó đã khóc nức nở khi kể rằng, mấy năm trước ông bà nội đã lặn lội đi tìm hài cốt của chú nhưng tìm mãi không được. Hiện nay, ba mẹ, anh chị em của liệt sĩ không còn. Cháu thì điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn nên không thể đưa được hài cốt về lại quê nhà. Trong điện thoại, người cháu của liệt sĩ Hòa xin được gửi lại phần mộ của chú để anh Hà hương khói. Hiện nay, anh Hà cũng đang hương khói cho 20 ngôi mộ do thân nhân liệt sĩ nhờ giúp. Còn những ngày lễ, tết, rằm, anh Hà vẫn đều đặn hương khói tại nghĩa trang liệt sĩ xã. Hơn 10 năm giúp các thân nhân gia đình liệt sĩ tìm được khoảng 150 hài cốt và tự nguyện hương khói cho nhiều mộ liệt sĩ, nhưng anh Hà vẫn không nhận khoản chi phí nào của thân nhân gia đình liệt sĩ.

GIANG BIÊN

GIANG BIÊN