"Giữ lửa" văn hóa làng
Văn hóa làng của đồng bào vùng cao đang đứng trước những thách thức lớn trong công tác bảo tồn. Nhưng, điều đáng mừng là ở nhiều vùng hiện nay có những người “giữ lửa” cho văn hóa truyền thống trước nguy cơ biến mất.
Hàng ngày, anh Hồ Văn Thập - dân tộc Xê Đăng (thôn 2, xã Trà Cang, Nam Trà My) cần mẫn truyền dạy cho đồng bào mình cách đánh cồng chiêng, bộ gõ đàn đá truyền thống. Ở Trà Cang, anh Thập được xem như người am hiểu nhạc cụ đàn đá, cồng chiêng của đồng bào Xê Đăng. Anh cho hay, văn hóa làng, âm nhạc truyền thống của đồng bào Xê Đăng đang đứng trước nguy cơ mai một, trong khi đó giới trẻ lại không mặn mà với nhạc cụ truyền thống. Trăn trở với văn hóa của đồng bào mình, anh Thập dày công tìm tòi, học hỏi cách thẩm âm, đánh cồng chiêng và bộ gõ đàn đá từ các cụ cao niên trong vùng. Sau khi đã thành thạo kỹ năng, anh Thập “mở lớp” truyền dạy cho đồng bào tại nóc của mình. Hay như nghệ nhân Hồ Văn Dinh (xã Trà Bui, Bắc Trà My) là một trong số ít người Ca Dong tại địa phương có công lớn trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc. Ông cũng là “nhạc trưởng” trong đội cồng chiêng xã Trà Bui, được mời biểu diễn ở nhiều chương trình lớn trong tỉnh và khu vực. Theo nhạc sĩ Dương Trinh - Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Trà My, rất ít người bản địa có khả năng và nhiều tâm huyết như anh Hồ Văn Thập hay già Hồ Văn Dinh. Họ chính là những người “giữ lửa” văn hóa làng.
Ngược ra phía tây bắc miền núi Quảng Nam, khi nhắc đến Bh’riu Nga, đồng bào Cơ Tu ở thôn Aliêng (xã A Ting, Đông Giang) không khỏi trầm trồ khen ngợi. Không chỉ là già làng trẻ tuổi, Bh’riu Nga còn là người “giữ lửa” giúp văn hóa làng của đồng bào bản địa được bảo tồn, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng. Bh’riu Nga cũng chính là chủ nhân của ngôi nhà mồ Cơ Tu được đánh giá mang nét truyền thống cổ xưa nguyên vẹn, được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời ra Hà Nội phục dựng trưng bày vào năm 2006. Ở vùng rừng núi này còn có những cái tên như Atùng Vẻ, Ating Pâng, Y Kông (huyện Đông Giang); Alăng Avel, C’lâu Nâm, Cêr Tic, C’lâu Blao (huyện Tây Giang); Hốih Còi, Bh’ling Hạnh (huyện Nam Giang)… luôn được đồng bào ngưỡng mộ bởi tài năng, sự tâm huyết trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc. Như Hốih Còi, dù bị khuyết tật nhưng bằng nghị lực và tâm huyết với nghề truyền thống, ông đã mày mò học cách đan gùi, các vật dụng gia đình, chế tác các loại nhạc cụ truyền thống... Bây giờ, nhà của Hốih Còi cũng trở thành một trong những điểm du lịch cộng đồng thu hút du khách ghé thăm. Hay như già làng Y Kông, trăn trở trước văn hóa truyền thống dần bị mai một, đã tự mình đục đẽo tượng hình người, con vật, các mô hình nhà làng, gươl truyền thống. Đặc biệt, chiếc T’rang ch’ríh (quan tài kỳ lạ) được ông dày công thực hiện đã thu hút sự quan tâm của du khách đặt chân ghé thăm. Vì thế, “không gian văn hóa Cơ Tu” của già làng Y Kông trở thành điểm du lịch cộng đồng thú vị và hấp dẫn, vừa giúp quảng bá văn hóa truyền thống đến với du khách, vừa tạo không gian tham quan mô hình văn hóa Cơ Tu cho chính đồng bào bản địa.
CÓNH NGUYÊN