Ngang nhiên thải chất độc hại ra sông
(QNO) - Nhiều hộ dân trú tại thôn Nông Sơn 1, xã Điện Phước (Điện Bàn) phản ánh đến Báo Quảng Nam việc hai hộ Lê Thị Kim Oanh và Hồ Thị Chiến (tổ 6, Nông Sơn 1) ngang nhiên xả chất thải độc hại gây ô nhiễm nguồn nước tại bàu Thinh từ nhiều năm nay.
Việc xả chất độc hại xuống bàu Thinh đã diễn ra nhiều năm nhưng chính quyền xã Điện Phước vẫn không hay biết. |
Có mặt tại bàu Thinh vào sáng 24.10 chúng tôi chứng kiến cảnh hàng trăm tấm bạt đang được 4 người phụ nữ giặt tẩy lớp bụi màu đen bám bên trên. Tại khu vực giặt tẩy, mặt nước bàu Thinh nổi lên một lớp váng than đen ngòm hòa lẫn giữa bọt xà phòng trắng đục. Theo bà Đinh Thị Hồng Liên, một trong 4 người phụ nữ đang giặt bạt tiết lộ, những tấm bạt này được 2 hộ Lê Thị Kim Oanh và Hồ Thị Chiến mua từ nhà máy Cao su Đà Nẵng chở về giặt tẩy để bán cho người dân phơi lúa hoặc các công trình với giá từ 70.000 - 100.000 đồng/tấm, tùy theo kích thước 3m x 3m hoặc 4,2mx 2,2m. Bình quân mỗi tháng bà Oanh và bà Chiến chở về từ nhà máy cao su khoảng 1 nghìn tấm bạt. Bên cạnh đó, những người xẻ bao sẽ được trả 5 ngàn đồng/bao, còn người gặt tẩy nhận 10 ngàn đồng/bao. Bà Liên cho biết: “Mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 100.000 đồng từ việc giặt bao bì. Tôi làm nghề này cũng được hơn 15 năm nay rồi nhưng có thấy độc hai chi mô”.
Môi trường độc hại nhưng nhân công làm việc tại đây chỉ bảo hộ sơ sài. |
Ông Đào Nhân - Trưởng thôn Nông Sơn 1 cho biết, cách đây 2 năm hai cơ sở của bà Oanh và bà Chiến cũng đã thuê người giặt tẩy các loại bao bì hóa chất ngay trong khu vực dân cư, khi bị người dân phản ứng thì các hộ trên tiếp tục chuyển ra khu vực bàu Thinh và duy trì hoạt động giặt tẩy đến bây giờ, dù thôn nhiều lần viết đơn trình bày hay phản ảnh trong các cuộc họp của xã và huyện. “Trước đây nước tại bàu Thinh trong lắm còn bây giờ thì dưới đáy đã đóng một lớp bùn đen dày, năm nào có lụt thì trôi đi một ít nhưng sau đó thì đọng lại” - ông Nhân nói. Việc xả thải trực tiếp như vậy ảnh hưởng đến mạch nước ngầm trong khi đa số người dân nơi đây đều sử dụng nước giếng.
Tuy nhiên, theo ông Đào Cúc - Chủ tịch UBND xã Điện Phước, chính quyền xã chưa bao giờ nhận được đơn thư hay phản ảnh trực tiếp của người dân về việc ô nhiễm môi trường tại bàu Thinh nên không biết sự việc trên. “Lâu nay xã chỉ biết nhà bà Chiến và bà Oanh có bán bạt phơi lúa chứ không biết họ thải chất độc hại ra bàu Thinh. Bây giờ tôi mới nghe thông tin này, nếu đúng như vậy tôi sẽ chỉ đạo tiến hành kiểm tra xem mức độ ô nhiễm thế nào để nhắc nhở hoặc đình chỉ. Tôi nghĩ chắc việc này cũng nhỏ thôi chứ lớn thì xã phải biết chứ” - ông Cúc thừa nhận. Còn ông Nguyễn Văn Rân - Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Điện Bàn khẳng định, huyện chưa nhận được thông tin hoặc đơn thư tố cáo, phản ảnh nào của người dân hay của chính quyền địa phương nên không hề hay biết. Thời gian tới, phòng Tài nguyên - môi trường sẽ tiến hành kiểm tra xử lý nếu có vi phạm.
GIA KHANG