Mái trường ước mong

VÕ VĂN TRƯỜNG 27/10/2014 09:05

Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo huyện Duy Xuyên, theo đề nghị của địa phương, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương thành lập một trường THPT ở vùng đông Duy Xuyên. Thông tin này mang lại niềm vui cho hàng vạn người dân các xã bãi ngang ven biển (Duy Vinh, Duy Nghĩa, Duy Thành, Duy Hải).

Gian nan con chữ vùng đông

Chị Nguyễn Thị Hương từng có con học hết lớp 9 Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi xã Duy Nghĩa thì phải nghỉ học. Bởi, khi con chị lên lớp 10 phải học ở trung tâm huyện, đường sá đi lại xa xôi, sông đò cách trở (lúc đó chưa có cầu Trường Giang). Năm sau con trai út sẽ lên lớp 10, chị Hương lại nơm nớp nỗi lo không biết con có theo nổi cảnh “cơm đùm nước uống” để trọ học hay không. Huỳnh Đắc Sinh (học sinh lớp 9, con trai út của chị Hương) khi được hỏi chuyện đã nêu ý kiến rất “người lớn”: “Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho bà con ngư dân về tàu thuyền đánh bắt vươn khơi bảo vệ chủ quyền biển đảo, còn giáo dục cũng là quốc sách sao em chưa thấy quan tâm đầu tư xây trường cho chúng em?”.

Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều gia đình đang nặng trĩu âu lo khi có con em sắp bước vào bậc THPT. Theo nhiều phụ huynh, trọ học rất tốn kém, ngoài khoản tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, còn biết bao khoản chi phí khác. Nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn nên trước nay không ít trường hợp phải chấp nhận cảnh bỏ học giữa chừng. Bà Trần Thị Lương (85 tuổi), nhà gần khu âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa) chia sẻ: “Tôi có hai đứa cháu học tại Trường THPT Sào Nam (thị trấn Nam Phước), mùa nắng thì tờ mờ sáng đã dậy đi, tối mịt mới về (một buổi học chính, một buổi học thêm, ngoại khóa…). Còn mùa mưa phải trọ lại cả tuần mới về một lần. Thấy cảnh lặn lội học hành của cháu mà thương. Mới đây mẹ ốm, các cháu phải nghỉ học thay phiên nhau chăm mẹ ở viện, gặp bà ngoại khi nào cũng than thở, nên tôi luôn phải động viên để chúng không bỏ học”.

Ông Diệp Tấn Lực - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa cho biết, theo thống kê sơ bộ, toàn xã có hơn 400 học sinh THPT phải trọ học. Con số này với 4 xã vùng đông của Duy Xuyên ước gần 2.000 em. Không ít người dân nói vui mà không thể không suy ngẫm, rằng con em vùng đông Duy Xuyên khác mọi nơi là học đại học đến... 7 năm nên không mấy gia đình kham nổi. Sở dĩ có con số ấy là vì họ tính thời gian đi xa trọ học 3 năm THPT và 4 năm đại học.

Sẽ không còn cảnh trọ học

Ông Nguyễn Công Dũng - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho hay, chính quyền không phải không biết sự học gian nan của con em các xã vùng đông, nhưng trong điều kiện nguồn ngân sách địa phương hiện nay, huyện không kham nổi. Trong khi đó, việc thành lập mới trường THPT phải nằm trong quy hoạch của ngành GD-ĐT và phải được sự cho phép của tỉnh. Duy Xuyên hiện có hai trường THPT là Sào Nam (thị trấn Nam Phước) và Nguyễn Hiền (Duy Sơn) chỉ cách nhau 1,5km nên UBND huyện đã kiến nghị tỉnh sẽ chuyển Trường THPT Nguyễn Hiền về vùng đông để giảm áp lực học sinh về trọ học ở hai trường nói trên. Song theo Sở GD-ĐT, phương án thành lập mới một trường THPT ở vùng đông Duy Xuyên là cách lựa chọn phù hợp nhất. Ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT lý giải, hiện cả hai trường THPT Sào Nam và Nguyễn Hiền đều quá tải, việc duy trì hai trường này là cần thiết. Thành lập trường mới chắc chắn sẽ giảm tải ở hai trường trên, đồng thời cũng là hướng đi đúng để đạt mục đích xây dựng các trường THPT đạt chuẩn ở địa phương.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Duy Xuyên vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín ủng hộ đề xuất của Sở GD-ĐT, theo đó tỉnh sẽ bổ sung quy hoạch trường THPT vùng đông huyện Duy Xuyên vào quy hoạch các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn đầu, ngôi trường này sẽ mở khoảng 10 lớp, giai đoạn 2 căn cứ điều kiện thực tế quy mô của trường sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng nên áp lực về nguồn vốn không phải là vấn đề lớn. Như vậy, với quyết tâm của các cấp chính quyền và ngành chức năng, trong tương lai gần, vùng đông Duy Xuyên sẽ có một trường THPT.

Việc chọn địa điểm xây trường ở đâu tùy vào việc khảo sát, chọn lựa sao cho đảm bảo tính khoa học, thuận lợi chung cho cả vùng. Nếu giải quyết được “nút thắt” này, sẽ là động lực cho các địa phương vùng đông Duy Xuyên trong phát triển sự nghiệp giáo dục, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng bãi ngang ven biển.

VÕ VĂN TRƯỜNG

VÕ VĂN TRƯỜNG