Thiếu nguồn lực đầu tư cho văn hóa
Cuộc giám sát của Ban Văn hóa xã hội, HĐND tỉnh về tình hình văn hóa - xã hội Duy Xuyên đã đưa đến những nhận định khả quan. Con số 100% nhà sinh hoạt văn hóa thôn, khối phố có đầy đủ trang thiết bị phục vụ hội họp, sinh hoạt, 14/14 xã có điểm đọc báo, trên 90% hộ dân có phương tiện nghe nhìn, sân thể thao… cho thấy chính quyền đã hiện thực hóa chủ trương huy động nguồn lực từ xã hội, nhân dân trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp để đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở. Tuy nhiên, sự thành công ấy vẫn không thể giúp cho chính quyền và cơ quan quản lý hài lòng bởi hiện tại, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đang có dấu hiệu chững lại. Các nhà văn hóa thôn chỉ là một điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nguồn kinh phí cho sự nghiệp văn hóa, thể thao hạn hẹp, tỷ lệ thoát nghèo thiếu bền vững, thiếu lao động có tay nghề, thiếu kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, tình trạng quá tải tại Trung tâm Y tế huyện vẫn còn tiếp diễn và cơ sở vật chất khám chữa bệnh, đội ngũ y, bác sĩ còn quá thiếu.
Những dự án ngổn ngang dang dở. Ảnh: T.D |
Không đủ nguồn lực và cả nhân lực để bảo đảm các nhu cầu thiết yếu cho đời sống văn hóa tinh thần và sức khỏe của nhân dân, chính quyền huyện buộc lòng phải kiến nghị lên các cơ quan hữu trách xem xét. Hiện 49 di tích văn hóa, lịch sử tại địa phương gặp khó khăn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị, nhất là những khu di tích Vĩnh Trinh, nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu… xuống cấp trầm trọng không có tiền trùng tu, tôn tạo. Một đề án quy hoạch Mỹ Sơn vẫn bỏ ngỏ. Ngay cả việc cắm mốc khu vực 1 và 2, đầu tư theo các hạng mục theo quy hoạch vẫn chưa thực hiện được nội dung nào. Hình ảnh học sinh ở vùng đông ngày ngày vẫn phải khăn gói lên trung tâm huyện trọ học đã khiến chính quyền muốn chuyển Trường THPT Nguyễn Hiền về xây dựng tại vùng đông, nhưng chưa nhận được câu trả lời chính thức hoặc đề án xây dựng thiết chế văn hóa thể thao vẫn còn băn khoăn vì tốn hơn cả nghìn tỷ đồng mới có thể hiện thực. Đó là chưa kể đến các kiến nghị xin tăng thêm nguồn kinh phí chi cho sự nghiệp phát thanh cơ sở, nâng cấp các trạm truyền thanh và cho phép bố trí 1 cán bộ chuyên trách của đài truyền thanh cơ sở (trước tiên là các xã nông thôn mới). Hiện tại, chế độ của cán bộ truyền thanh cơ sở được xếp vào không chuyên trách với mức phụ cấp hệ số 1 mức lương tối thiểu, không có chế độ bảo hiểm xã hội, y tế. Thậm chí, có người làm nhiệm vụ truyền thanh hơn 35 năm, khi nghỉ việc không được giải quyết bất cứ chế độ nào, dẫn đến cán bộ phụ trách đài truyền thanh cơ sở không an tâm công tác. Ông Nguyễn Công Dũng - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, tất cả những kiến nghị của địa phương (thành lập trung tâm văn hóa - thể thao xã, sửa chữa, tôn tạo di tích Vĩnh Trinh, nhà thờ Ngũ xã, cắm mốc Mỹ Sơn, bảo lưu phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi giáo viên, chuyển Trường THPT Nguyễn Hiền về vùng Đông Duy Xuyên, tăng thêm nguồn ngân sách chi cho sự nghiệp phát thanh cơ sở…) đã được đoàn giám sát HĐND tỉnh ghi nhận, tổng hợp chính thức, báo cáo lên HĐND tỉnh tại kỳ họp tới. Nhưng một khi chưa nhận được câu trả lời hay văn bản cụ thể hóa các kiến nghị này (thậm chí có thể bị bác bỏ), thì đó vẫn là câu chuyện đau đáu ưu tư của chính quyền và cơ quan quản lý địa phương.
TÙY PHONG