Đam mê nhà cổ
Hơn 30 năm, dọc ngang khắp vùng rừng núi, bãi biền xứ Quảng, gia tài lớn nhất của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ có lẽ là vốn tri thức về kiến trúc gỗ, những bản vẽ các ngôi nhà cổ mà ông đã tìm.
Mải miết “đo vẽ”
Đến giờ, sau gần 3 năm về hưu sớm, không còn là cán bộ của Trung tâm Quản lý và bảo tồn di tích Quảng Nam, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ vẫn mải mê với những bản vẽ của mình. Những bản vẽ mà theo ông là “gia tài” quý nhất cất giữ được trong suốt hành trình từ khi chọn đất Quảng làm nơi dừng chân đến bây giờ. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế, lại bén duyên với xứ Quảng nhiều mưa nắng, Nguyễn Thượng Hỷ, dù bước chân đã lội qua nhiều vùng miền vẫn chọn ở lại mảnh đất này. Có lẽ tình yêu ấy xuất phát từ chính niềm đam mê đến cùng với những căn nhà cổ xứ Quảng. Đam mê tới nỗi, chừng hơn 10 năm trước, giữa đô thị phố xá Tam Kỳ, Nguyễn Thượng Hỷ “chen chân” bằng một ngôi nhà lá mái - đơn độc. Nhưng ông lại thấy vui, khi bạn bè có dịp tới Tam Kỳ lại chỉ muốn ghé, muốn lưu lại nhà mình. Còn bây giờ, dù đã về hưu nhưng ông vẫn còn nặng nghiệp “đo vẽ”. Và họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ đã chọn ở hẳn Mỹ Sơn, lại tiếp tục ý tưởng cho một căn nhà xưa, vách đất, mái tranh, nền nhà nhuốm màu bùn nâu của đất.
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ hướng dẫn nghiên cứu kiến trúc nhà cổ. Ảnh: SONG ANH |
Nguyễn Thượng Hỷ luôn tôn trọng tính chân xác, nên trong ký ức của nhiều bè bạn, họ vẫn nhớ về một họa sĩ mang ba lô lội bộ lên các vùng biên giới nghiên cứu về nhà cộng đồng, về những gươl, moong của đồng bào Cơ Tu, Xê Đăng, Giẻ Triêng, Co… Họ vẫn chưa thể quên cái con người cứ “đụng” vào kiến trúc gỗ, vào nhà cổ, là ông nói không ngừng, nói như con tằm nhả tơ, rút hết bụng dạ, cho hết những đau đáu của mình với vốn quý cha ông. Cái không gian văn hóa đặc biệt - thứ khiến Nguyễn Thượng Hỷ lúc nào trong hành trang cũng có cây thước đo, bút và giấy vẽ… luôn khiến ông trăn trở, bởi những hành xử của con người. “Khi ai cho tôi bản vẽ, tôi vẫn dùng, nhưng tôi muốn đích thân đo. Không phải tôi không tin họ, nhưng tôi vẫn phải cầm cây thước để đi ra đo. Tôi là người luôn luôn cân đo đong đếm”, Nguyễn Thượng Hỷ chia sẻ. Nhà rường, nhà lá mái, nhà vườn xứ Huế, rồi đến những vì kèo, rui, mè… mỗi nét chạm khắc, mỗi kết cấu, là mỗi câu chuyện với họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ.
Một góc nhà tranh của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ tại Mỹ Sơn. |
Níu làng quê xưa
Nguyễn Thượng Hỷ là người có duyên với kiến trúc cổ. Ông cho biết, khi mới tốt nghiệp đại học đã theo kiến trúc sư Kazik (Ba Lan) nghiên cứu di tích Chămpa ở Mỹ Sơn và kiến trúc cổ Hội An hơn 13 năm, cho đến ngày Kazik qua đời. Năm 1995 ông sang Nhật tu nghiệp, nhận được sự giúp đỡ từ khoa kiến trúc Đại học Nihon và nguồn hỗ trợ của Quỹ Nhà quốc tế Osaka. Sau đó, ông lại có thời gian làm việc cùng các chuyên gia trong công tác tu bổ nhà cổ của Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản). “Khi còn tu nghiệp ở Nhật, thật thú vị khi cùng người thợ mộc leo trèo giàn giáo để có những bài học thực tiễn về việc phục dựng kiến trúc cổ. Đây là cơ hội mà không phải thực tập viên nào cũng được tham gia. Thầy Tanaka ưu ái bố trí cho tôi được cùng ăn, cùng làm với những thợ mộc giỏi nghề; được có dịp cùng các kiến trúc sư, kỹ sư giúp đỡ, tìm hiểu về kiến trúc cũng như phương pháp tu bổ công trình kiến trúc gỗ. Sau này, nhiều khi vẫn hối tiếc vì thời gian thực tập ngắn quá để có thể am hiểu tường tận hơn. Khó có thể nói hết về công việc bảo tồn mà tôi gọi là “nghề”. Sự chuyên nghiệp của người làm nghề này được bắt đầu từ giáo dục cơ sở, dẫn đến những đội ngũ thợ mộc lành nghề về ngành bảo tồn. Họ là những người được đào tạo không chỉ giỏi về kỹ thuật dựng nhà, cưa bào đục, đến chạm trổ mà còn phải hiểu được những giá trị về lịch sử, kiến trúc, kỹ thuật, mỹ thuật của người xưa. Đó cũng chính là sự tôn trọng các giá trị vật thể mà người xưa đã dựng nên” - họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ chia sẻ.
Giữa tháng 9 vừa qua, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ trở lại Nhật sau 19 năm để nhận giải thưởng Daifumi International Award. Đây là giải thưởng mang tên của người thợ mộc xuất sắc có nhiều bằng khen của Nhật Hoàng là ông Fumio Tanaka, dành cho những người có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn kiến trúc cổ, đặc biệt là kiến trúc gỗ. |
Trong câu chuyện của mình, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ cứ nuối tiếc về những không gian làng xưa. “Chương trình 135 xóa nhà tạm, sử dụng mái lợp tôn khiến mất hết mái tranh ở những ngôi làng. Trong khi đó, ở Nhật Bản có một làng cổ được UNESCO công nhận, họ lợp tranh hết, và dành một diện tích đất trồng tranh để có vật liệu lợp sửa mái khi cần. Với những ngôi làng khác, khi không tìm được mái tranh thay thế, họ sẽ lợp bằng mái ngói. Còn ở ta thì nhà mái tôn đủ kiểu” - họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói. “Anh Hỷ ơi, nếu muốn vẽ làng quê Việt Nam thì nhanh lên, chỉ vài năm nữa là không còn gì để vẽ”. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nhắc lại với chúng tôi về câu nói của một vị giáo sư tại hội thảo bảo tồn kiến trúc cổ Quảng Nam, do UNESCO tổ chức ba năm trước. Và bây giờ, Nguyễn Thượng Hỷ vẫn đang tất bật nay đây mai đó để kịp “đo vẽ” lại những “mái nhà xưa”. Hơn ba mươi năm ở đất này, những dằn vặt về mất mát không gian làng quê càng dày lên trong người họa sĩ này. May thay, Nguyễn Thượng Hỷ còn một “bảo tàng kiến trúc nhà cổ Việt Nam” vừa mới khai trương, nơi ông đang giúp cho những thuyết minh viên ở đây hiểu rõ hơn về giá trị của mỗi ngôi nhà…
SONG ANH