Khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII

(Theo TTXVN) 20/10/2014 10:03

(QNO) - Đúng 8 giờ 30 sáng 20.10, tại thủ đô Hà Nội, Quốc hội khóa XIII đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 8 - kỳ họp cuối năm 2014 với các nội dung mang tầm quan trọng đặc biệt trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội của đất nước.

Đặc biệt, đây là kỳ họp đầu tiên diễn ra tại Trụ sở Nhà Quốc hội - Hội trường Ba Đình mới. Kỳ họp thứ 8 có thời lượng dài nhất từ trước đến nay trong nhiệm kỳ (dự kiến 35 ngày làm việc chính thức) với khối lượng lớn các dự án xây dựng luật, pháp lệnh nhằm triển khai thi hành Hiến pháp.

Nhận định bối cảnh kỳ họp thứ tám, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, kỳ họp của Quốc hội diễn ra trong lúc kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng còn chậm; an ninh chính trị, xung đột vũ trang, dịch bệnh ở một số nơi diễn biến phức tạp tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế-chính trị khu vực và toàn cầu.

Trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế, kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng trưởng đang trên đà phục hồi. Mặc dù vậy, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém, đe dọa tới sự phát triển bền vững của đất nước. Tình hình tội phạm, tệ nạn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp làm lòng dân bất an. Tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Việt Nam phải quyết tâm cao hơn nữa, có các chủ trương, giải pháp căn cơ, đồng bộ để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi đà tăng trưởng…

Chủ tịch Quốc hội mong muốn, toàn dân đoàn kết một lòng nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và 5 năm 2011-2015, tạo đà phát triển nhanh, bền vững trong các năm tiếp theo.

Đề cập tới công tác xây dựng pháp luật - nội dung chiếm phần lớn thời lượng kỳ họp thứ tám, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, với dự kiến sẽ thông qua 18 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến về 12 dự án luật khác, đây là số lượng dự án luật lớn nhất từ trước đến nay được xem xét thông qua, cho ý kiến tại một kỳ họp.

Kỳ họp thứ tám là lần thứ hai Quốc hội thay mặt cử tri và đồng bào cả nước thực hiện việc đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy Nhà nước. Với ý thức trách nhiệm và sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, Quốc hội tin tưởng sẽ hoàn thành tốt trọng trách này trước Nhân dân, trước Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.

Theo Chương trình, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2014; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015.

Quốc hội cũng sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015;” nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ bảy, báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, thi hành án, phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, tệ nạn xã hội...

Quốc hội cũng sẽ dành thời gian xem xét Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Khó khăn, thách thức rất lớn

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ 2015.

“Chúng ta thực hiện nhiệm vụ năm 2014 trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo. Xung đột xảy ra ở nhiều nơi. Căng thẳng trên biển Hoa Đông và Biển Đông” - Thủ tướng nói.

Đây là kỳ họp Quốc hội đầu tiên diễn ra tại hội trườn
Đây là kỳ họp Quốc hội đầu tiên diễn ra tại hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội mới, tại quận Ba Đình, Thủ đô Hà Nội.

Theo Thủ tướng: “Trong nước kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi nhưng môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp trong khi yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao. Nhu cầu trong phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh rất lớn nhưng nguồn lực còn hạn hẹp”.

“Việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Namđe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khó khăn, thách thức là rất lớn” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2014 theo nghị quyết của Quốc hội. Với sự nỗ lực chung, kinh tế nước ta có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, chín tháng đầu năm tăng 2,25%, thấp nhất trong mười năm qua. Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2013. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 7,25% và dự kiến cả năm tăng 12-14%.

Thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Niềm tin vào đồng Việt Nam tăng lên. Xuất khẩu chín tháng tăng 14,4%, nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng cao, ước cả năm xuất khẩu khoảng 148 tỷ USD trong khi nhập khẩu khoảng 146 tỷ USD. Bội chi ngân sách cả năm ước 5,3%, nợ công, nợ nước ngoài, nợ Chính phủ vẫn ở trong giới hạn cho phép. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả năm ước đạt 30,1% GDP.

Đồng thời Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém: “Kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc. Bội chi ngân sách còn cao. Nợ công tăng nhanh. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định của chiến lược nợ công là không quá 25%, nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại là khoảng 26,2%). Tổng cầu tăng chậm, tăng trưởng tín dụng chậm trong những tháng đầu năm…”

“Nợ xấu còn cao, xử lý còn chậm. Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu. Thị trường chứng khoán phát triển chưa vững chắc. Thị trường bất động sản phục hồi còn chậm. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu còn thấp…” - Thủ tướng nói.

(Theo TTXVN)

(Theo TTXVN)