Mô hình hay về bảo vệ trẻ em
Cẩm Hà là địa phương có nhiều trẻ em thuộc diện đặc biệt. Nhờ sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng, số trẻ em trong diện này đã giảm dần đều qua các năm.
Cách làm hay
Trước đây, nhiều người không khỏi ái ngại khi nhắc đến trẻ em ở khu vực Bến Trễ, Đồng Nà, Bàu Ốc Hạ… thuộc địa phận xã Cẩm Hà (TP.Hội An). Đây là khu vực khá phức tạp, dân cư thuộc diện giải tỏa ở các xã phường khác tập trung về đây sinh sống. Phần lớn các hộ dân đều có hoàn cảnh kinh tế thực sự khó khăn nên nảy sinh những thói hư, tật xấu, gây khó cho công tác quản lý của chính quyền xã Cẩm Hà. “Gia đình là nơi nuôi dưỡng và giáo dục trẻ nhưng chính nơi đó lại có vấn đề chưa giải quyết rốt ráo nên càng trở thành nguồn cơn đẩy trẻ em vào tình huống xấu, hư hỏng, vi phạm pháp luật, rất cần được sự trợ giúp của cả cộng đồng. Theo khảo sát cuối năm 2011, cả xã có 27 em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, còn lượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở mức khá cao so với mặt bằng chung của TP.Hội An” - ông Mai Kim Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà, nói.
Tạo sân chơi cho trẻ em luôn được xã Cẩm Hà quan tâm. |
Trước tình hình đó, Ban xây dựng xã phường phù hợp với trẻ em đã tham mưu đảng ủy xã tăng cường tuyên truyền, cảm hóa, giúp đỡ các em và gia đình có hoàn cảnh đặc biệt sớm thoát khỏi chữ “đặc biệt” bằng nhiều động thái quyết liệt từ cán bộ xã đến cộng tác viên ở thôn, xóm. Việc lồng ghép tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến công tác chăm sóc trẻ em với các mô hình “Tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình”, “Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc”, “Câu lạc bộ nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Câu lạc bộ mẹ và con”, các tổ phụ nữ không có con hư hỏng, không có người tham gia tệ nạn xã hội… đã góp phần truyền tải những nội dung về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. “Đặc biệt, hằng tháng chúng tôi đều tổ chức họp giao ban Ban điều hành và cộng tác viên trẻ em trong thôn để lắng nghe tình hình và giải quyết vấn đề nảy sinh ở cơ sở, kịp thời đưa ra phương án xử lý phù hợp” - chị Nguyễn Thị Trúc, cán bộ phụ trách trẻ em xã Cẩm Hà, chia sẻ.
Hiệu quả
Điều đáng nói là làm thế nào để các em và phụ huynh thấu hiểu được vấn đề mình đang vướng phải trong điều kiện sống không mấy thong thả. Đó chính là lý do các cộng tác viên thường xuyên đến tận nhà gặp gỡ phụ huynh và trẻ em, tìm hiểu nguyên nhân khó khăn mà các em vướng phải và có biện pháp giúp đỡ linh hoạt. “Thường, ban điều hành đưa ra hai hướng để giúp đỡ các em. Với trẻ vẫn còn đang đi học nhưng phần lớn thuộc hộ nghèo, mồ côi, gia đình có ba mẹ ly hôn… thì được tư vấn, vận động giúp đỡ tinh thần, vật chất. Nhiều em được các gia đình khá giả trong xã nhận đỡ đầu nên dần xác định được việc học là quan trọng. Với nhóm trẻ đã bỏ học, ban điều hành đến tận nhà tư vấn, vận động cha mẹ trẻ và trẻ. Nhiều em sau đó đã đăng ký học nghề và đã có việc làm ổn định” - chị Nguyễn Thị Trúc, chia sẻ kinh nghiệm. Như trường hợp của em N.H. năm 2013 đã có hành vi lấy ipad của khách nước ngoài. Ban điều tra của phường đã vận động em trả lại cho người mất. Tìm hiểu thêm mới biết em không thể theo đuổi việc học do đã mất căn bản. Thể theo nguyện vọng, em H. được gia đình và ban điều hành cho đi học nghề may và đã dần tỏ ra tu chí, yêu thích ngành nghề mình theo đuổi.
“Đến hết năm 2013, xã Cẩm Hà chỉ còn 3 trẻ vi phạm pháp luật chiếm tỷ lệ 0,17%, 100% trẻ em làm trái pháp luật được trợ giúp hòa nhập cộng đồng, 7/7 thôn có cộng tác viên; xã Cẩm Hà đã xây dựng thành công hệ thống bảo vệ trẻ em vi phạm pháp luật và hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em” - ông Mai Kim Phương, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết. Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhận xét: “Đây là một mô hình bảo vệ trẻ em khá thành công và hiệu quả bởi phương thức vận động, hoạt động linh hoạt, điều chỉnh theo điều kiện thực tế của trẻ chứ không áp dụng rập khuôn theo suy nghĩ, kế hoạch đề ra của người lớn. Trong các hội nghị về bảo vệ trẻ em, mô hình của xã Cẩm Hà rất đáng được đưa ra cho các xã phường khác tham khảo”.
CHIÊU THỤC ANH