Khai mạc hội nghị ASEM 10
Trong hai ngày 16 và 17.10, Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) lần thứ 10 chính thức diễn ra tại thành phố Milan của Italy với chủ đề “Đối tác trách nhiệm vì tăng trưởng và an ninh bền vững”.
Hội nghị quy tụ các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ của 51 thành viên Á-Âu, với chủ đề chính là tăng cường mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai châu lục. Được thành lập từ năm 1996 theo sáng kiến của Singapore, diễn đàn ASEM hiện có 53 thành viên, chiếm khoảng 63% dân số thế giới, 57% GDP và 68% thương mại toàn cầu. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng chậm lại, nền kinh tế châu Âu vẫn còn gặp nhiều khó khăn sau giai đoạn khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, bóng đen của lạm phát xuất hiện trở lại, tăng trưởng các nền kinh tế mới nổi giảm tốc. Trong khi đó, châu Á - Thái Bình Dương vẫn được xem là đầu tàu kinh tế thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (phải) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso trước thềm Hội nghị ASEM-10. |
ASEM là diễn đàn cấp cao Á - Âu được tổ chức 2 năm một lần, là diễn đàn đối thoại không chính thức giữa các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ của các nước thành viên ASEM, lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) và Ban Thư ký ASEAN nhằm tạo dựng một mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa hai châu lục vì sự tăng trưởng mạnh mẽ cũng như tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai châu lục và thiết lập đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng. |
Mới đây, Hội nghị Bộ trưởng tài chính lần thứ 11 của ASEM cũng tại thành phố Milan thống nhất đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng thông qua tăng cường hợp tác, tạo điều kiện thương mại và thu hút nguồn đầu tư, đồng thời khẳng định sự hợp tác kinh tế giữa châu Âu và châu Á. Châu Âu hiện là một trong những đối tác quan trọng nhất của châu Á trong lĩnh vực đầu tư và thương mại; giới lãnh đạo châu Á mong muốn châu Âu mau chóng thực hiện các hành động làm dịu cuộc khủng hoảng của khu vực đồng euro và thực hiện các nỗ lực nhằm giảm bớt tình trạng nghèo khó toàn cầu.
Do đó, việc liên kết kinh tế và hình thành các hiệp định thương mại tự do (FTAs) giữa các nước hai khu vực và sắp tới là việc hoàn tất FTA Á - Âu sẽ mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng giữa hai châu lục, thúc đẩy tăng trưởng, ứng phó với những thách thức kinh tế. Các vấn đề kinh tế - tài chính và kết nối Á - Âu, các vấn đề toàn cầu, các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, định hướng tương lai ASEM được các nhà lãnh đạo Á - Âu tập trung thảo luận. Trong đó, vấn đề biển Đông và biển Hoa Đông cũng sẽ được bàn thảo tại hội nghị này. Thông tin trên được ông David O’Sullivan, Giám đốc điều hành Cơ quan hành động đối ngoại của Liên minh châu Âu cho biết tại cuộc họp báo trước thềm khai mạc ASEM - 10. Ông David O’Sullivan nhấn mạnh, đây là vấn đề tồn tại từ lâu, EU mong muốn các bên liên quan giải quyết các tranh chấp trên cơ sở tuân thủ Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
QUỐC HƯNG