Bước qua "Cầu vinh quang"
Cách đây 50 năm, anh Nguyễn Văn Trỗi đã hy sinh oanh liệt giữa pháp trường ở Sài Gòn. Noi gương khí phách người thợ điện anh hùng 24 tuổi ấy, thế hệ trẻ thời bấy giờ ở Điện Bàn đã hăng hái lên đường tòng quân giết giặc.
Thế hệ trẻ Điện Bàn viếng hương tại Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, xã Điện Thắng Trung (Điện Bàn) quê hương anh. Ảnh: C.T |
Dòng “máu nóng”
Địch bắt anh Trỗi, người thanh niên quê ở xã Điện Thắng Trung (Điện Bàn), khi thực hiện kế hoạch ám sát phái đoàn quân sự chính trị cao cấp của Mỹ do Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu bị bại lộ. Ngày 15.10.1964, chính quyền Sài Gòn tiến hành xử bắn anh Trỗi tại sân sau nhà lao Chí Hòa. Trong phút cuối cùng của đời mình, anh giật phắt mảnh băng đen mà kẻ thù bịt mắt và hô to: “Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ! Đả đảo Nguyễn Khánh! Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam muôn năm!”. Sự hy sinh anh dũng của anh Nguyễn Văn Trỗi làm chấn động dư luận quốc tế, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng và khẳng định cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam; là tấm gương cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân và dân cả nước.
Thời khắc ấy ở Điện Bàn, tiếng hô “Hãy nhớ lấy lời tôi!” của người con quê hương là tiếng trống thúc giục mọi người, nhất là thế hệ trẻ xông pha lên đường đánh giặc. Trong cuốn Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Điện Bàn (giai đoạn 1945 - 1975) có viết: “Tỉnh ủy Quảng Đà phát động phong trào tòng quân Nguyễn Văn Trỗi. Hàng nghìn thanh thiếu niên Điện Bàn đã hưởng ứng sôi nổi, bước qua “Cầu vinh quang” để nhập ngũ vào bộ đội, du kích, thanh niên xung phong”. Hồi tưởng giây phút hừng hực khí thế năm xưa, ông Trương Công Sơn (SN 1948) - Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong xã Điện Thắng Trung cho biết, ông lúc đó làm bên Ban Tuyên huấn xã nên thường xuyên lăn lộn ở cơ sở để tuyên truyền, vận động thanh niên tòng quân. Khâu huy động phải bí mật vì Mỹ ngụy thường xuyên phục kích. Nhưng với lòng căm thù giặc sâu sắc, nhiều anh chị em mới 16, 17 tuổi đã xung phong qua “Cầu vinh quang” đăng ký tòng quân tổ chức đợt 1 tại Phong Thử (Điện Thọ) và đợt 2, đợt 3 ở ngay tại địa phương mình.
Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 1.2.1940 trong một gia đình nghèo ở xã Điện Thắng Trung. Năm 1954, anh vào Sài Gòn và làm nghề thợ điện ở Nhà máy đèn Chợ Quán. Năm 1964, kế hoạch ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara thất bại, anh bị bắt. Sau thời gian giam giữ, tra tấn nhưng không lay chuyển được lòng trung kiên của người thanh niên này, ngụy quyền Sài Gòn đã kết án tử hình anh. Để cứu anh, một tổ chức du kích Venezuela tuyên bố trao đổi anh với một con tin là trung tá không quân Mỹ - Michael Smolen mà họ vừa bắt giữ. Tuy nhiên, sau khi viên sĩ quan này được trả tự do thì chúng lật lọng, vội vàng xử bắn anh tại sân sau nhà lao Chí Hòa lúc 9 giờ 45 phút ngày 15.10.1964 trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên nước ngoài. Tinh thần chiến đấu và hy sinh anh dũng của anh Nguyễn Văn Trỗi tại pháp trường đã trở thành bất tử, là biểu tượng của thế hệ thanh niên Việt Nam thời kỳ chống Mỹ. |
Nhân chứng sống Nguyễn Thị Tha (xã Điện Thắng Bắc) nay đã ngoài 70 tuổi kể, năm đó nghe lời kêu gọi tòng quân, lòng bà rất háo hức. Tuổi mới đôi mươi, bà mong muốn được cầm súng đánh bọn cướp nước đòi lại công bằng cho anh Trỗi, cho chiến sĩ đồng bào đã ngã xuống, để xứng đáng với truyền thống quê hương. Tham gia lực lượng vũ trang xã, bà và đồng đội lập nhiều chiến công hiển hách. Điển hình là trận đánh chớp nhoáng đồn Ngũ Giáp giữa ban ngày vào tháng 6.1966 tiêu diệt được 17 tên địch, bắt sống 37 tên, phá hủy 3 lô cốt và thu giữ nhiều súng đạn. Để hạ đồn chiến lược này, tổ du kích cải trang thành người dân đẩy xe bò đi làm đồng áp sát mục tiêu. Giữa trưa, 3 chiếc xe bò, mỗi xe một người kéo một người đẩy chở theo 3 du kích nằm dưới những tấm trục trịch (phên tre) chất đầy phân bò, rơm khô, từ thôn Viêm Tây tiến về phía đồn. Đến vị trí đã định, 3 xe cùng đứng lại và người đẩy tháo bửng xe nhanh như chớp. Tích tắc, 9 du kích trong xe lao ra cùng với 6 người kéo đẩy hô xung phong tấn công vào các lô cốt khiến kẻ thù trở tay không kịp. Từ 3 hướng, lực lượng vũ trang Điện Bàn đồng loạt tiến đánh hỗ trợ. “Lúc nớ, tui căm hờn tội ác của bọn chúng và nhớ tới lời kêu gọi của anh Trỗi là “máu sôi sùng sục” nên chẳng còn biết sợ chi nữa” - bà Tha nói.
Theo tiếng gọi thiêng liêng
Trong câu chuyện của mình, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Điện Thọ - ông Trương Minh như đưa chúng tôi về với quá khứ hào hùng cách đây gần 50 năm. Tháng 7.1965, Đoàn Thanh niên Điện Bàn phối hợp với Ban Tuyên huấn huyện và Tiểu ban tuyên truyền thuộc Ban Tuyên huấn Quảng Đà tổ chức “Lễ hội tòng quân diệt Mỹ” noi gương anh Trỗi tại sân vận động Phong Thử (Điện Thọ). Ban Tuyên huấn huyện cử đồng chí Phan Minh (quê Phong Thử) làm công tác tổ chức, về làng vận động mọi người chuẩn bị gỗ, ván, cọc tre, dây dừa để xây dựng khán đài, cầu vinh quang và hành lang dạ hội. “Cầu vinh quang” được bắc cao sau đường dẫn vào trải bằng thảm đỏ để tập thể và cá nhân lên đó đăng ký tòng quân. Phía sau là khán đài được dựng lên với tấm phông mang dòng chữ “Lễ hội tòng quân - Khóa tân binh Nguyễn Văn Trỗi”. Lực lượng được huy động đến dự dạ hội là Ban chấp hành Đoàn Thanh niên các xã, các anh chị thanh niên trên địa bàn huyện. Ông Minh cũng là người đăng ký đợt này, lúc ấy mới 18 tuổi.
Ông Cư (ngồi thứ 3 từ trái sang) cùng đồng đội tại chiến trường Lào năm 1971. |
Cuốn Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Điện Thọ (giai đoạn 1930 - 1975) ghi: “Trời vừa tối, một không khí của lễ hội diễn ra đúng kế hoạch. Hàng nghìn thanh niên từ các nơi trong huyện đổ về, xa nhất là ở Điện Nam, Điện Ngọc đã tập trung đến dự lễ với cả một rừng cờ Mặt trận dân tộc giải phóng, dưới ánh đuốc sáng của hàng nghìn cây đèn gió. Sau lời phát biểu của đồng chí Nguyễn Minh Huy, thay mặt cho Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Quảng Đà, lời Hịch tòng quân diệt Mỹ được phát lên. Mấy trăm thanh niên thay mặt cho các tập thể và nhiều cá nhân thanh niên trong huyện đã lên “Cầu vinh quang” ký vào sổ đăng ký tòng quân diệt Mỹ”. Ông Minh cho hay, dạ hội đã có 5.000 thanh niên Điện Bàn tình nguyện đăng ký tòng quân diệt Mỹ ngụy. Tổ chức muốn “dành” ông cho đợt khác, nên một năm sau, người cựu chiến binh trên mới được điều về Liên đội Võ Như Hưng, rồi chuyển qua Quân khu 5.
Vinh dự qua “Cầu vinh quang” ngay đợt đầu, ông Đặng Ngọc Cư (thôn Đức Ký Nam, xã Điện Thọ) xúc động khi nhắc về kỷ niệm không bao giờ quên trong đời mình. Những ngày trước thời điểm diễn ra dạ hội, các đồng chí ở cơ sở cách mạng đến tối lại về thôn xóm tiếp xúc với dân, tuyên truyền mọi người động viên cháu con tham gia nhập ngũ. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ 23 tuổi Đặng Ngọc Cư sục sôi căm thù, quyết tâm lên đường giết giặc. “Nếu bước lên “Cầu vinh quang” tới khu vực đăng ký, ai có ý định rút lui vẫn được. Nhưng giữa khung cảnh bừng bừng khí thế, tôi và các bạn đều không do dự đặt bút, rồi đi qua khỏi cầu tiến về đơn vị nhận quân” - ông Cư nói. Tháng 12.1965, ông được điều chuyển về Tiểu đoàn vận tải 19 - Sư đoàn bộ binh 2 (Quân khu 5) tham gia nhiều trận đánh, kể cả trên đất bạn Lào. Cũng tại tiểu đoàn, ông gặp người “bạn đời” là bà Nguyễn Thị Cập (quê xã Điện Hồng, Điện Bàn) và cưới nhau năm 1977. Một năm sau, ông được điều động sang Sư đoàn bộ binh 307, năm 1979 tham gia chiến đấu ở Campuchia, sau đó bị thương và ra quân năm 1981.
Hôm nay gặp lại, những “thanh niên của một thời” có cùng chia sẻ: “Những thanh niên ngày ấy qua “Cầu vinh quang” ra chiến trường, nhiều người đã không trở về, máu xương hòa vào đất mẹ. Trong kháng chiến, thế hệ chúng tôi đã noi gương anh Trỗi hăng hái tham gia chiến đấu vì độc lập, tự do dân tộc, thì thế hệ hôm nay và mai sau hãy noi theo tinh thần anh, chăm lo tu dưỡng, rèn luyện, chung tay góp sức xây dựng quê hương, đất nước”.
CÔNG TÚ