Khát vọng Tam Hải
Lâu nay, người dân Núi Thành vẫn ví Tam Hải là “tiền đồn” che chắn gió bão cho đất liền. Mảnh đất này một mặt giáp biển, một mặt bị tách khỏi đất liền bởi sông Trường Giang. Từ xa xưa, cư dân nơi đây đã vươn về hướng biển khơi để mưu sinh và để khẳng định chủ quyền đất Việt.
Bình yên Tam Hải. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Giữ nghề, giữ truyền thống
Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải - Phan Như Tường chia sẻ: “Xét về các điều kiện, tiêu chí thì rõ ràng Tam Hải là một xã đảo. Vì theo yếu tố vị trí địa lý, xã Tam Hải là một vùng đất bị bao bọc bởi nước, có đến 80% cư dân làm nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và có một phần đất tự nhiên là đảo ở trên biển”. Quả vậy, đất Tam Hải một mặt bị chia cắt với đất liền bởi dòng Trường Giang, một mặt giáp với biển. Và từ bao đời nay, nhân dân ở Tam Hải sinh sống dựa vào biển cả. Theo lời người dân Tam Hải, tổ tiên họ trong cuộc mưu sinh dọc theo đường biển đã mang theo nghề biển vào nơi này và truyền cho con cháu để phát triển, khai làng lập ấp. Cộng với đặc thù của vị trí địa lý phía đông tiếp giáp với biển và các bề khác bị bao bọc bởi hạ lưu sông Trường Giang đổ ra biển, người dân nơi đây chỉ có thể bám biển để sinh tồn. “Ở trên hòn đảo này, nghề biển là nghề truyền thống của các gia đình. Trai tráng lớn lên theo cha ra khơi và lấy đó làm nghiệp trong cuộc đời” - ngư dân Trần Anh (thôn Đông Tuần) tâm sự. Ông Anh bảo, từ nhỏ đã theo ông nội và cha ra khơi làm nghề lưới vây. Và đây cũng là nghề truyền thống của phần lớn ngư dân Tam Hải.
Không chỉ giữ nghề, người dân Tam Hải vẫn lưu giữ những nét văn hóa vốn chỉ có ở miền biển. Trong ký ức của lão thành cách mạng Phạm Thế Vinh (SN 1925, thôn Bình Trung) chưa bao giờ lễ cầu ngư đầu năm ở đất Tam Hải không diễn ra dù trong chiến tranh ác liệt. “Bom đạn vùi dập, nhân dân vẫn tổ chức lễ cầu ngư, hát bả trạo vào dịp đầu năm mới. Vì đây là tín ngưỡng văn hóa của cư dân miền biển, vừa để cầu bình an vừa mong ước những chuyến biển bội thu” - cụ Vinh nói. Và hiện nay, nhân dân xã đảo Tam Hải vẫn tự ý thức trong việc bảo vệ bản sắc văn hóa miền biển với các lễ hội truyền thống tốt đẹp như lễ cầu ngư, hát bả trạo, đua thuyền… và gìn giữ các di tích lịch sử - văn hóa như di tích mộ cá Ông, Đồn Hải Thuyền.
Mong ước thành xã đảo
Ngư dân Trần Anh bảo: “Vươn tàu ra biển không chỉ để mưu sinh mà là cách của ngư dân nơi hòn đảo này biến con tàu thành những cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương. Cha ông tôi ngày xưa trong lúc truyền nghề vẫn dạy tôi phải biết bám biển bảo vệ ngư trường thuộc lãnh thổ của đất nước”. Nhưng ông Trần Anh cũng chỉ ra cái khó của ngư dân hiện nay: tàu công suất nhỏ thì bị hạn chế trong việc đánh bắt dài ngày, những lúc gió lớn giữa biển ngư dân cũng bất an. “Dù tấm lòng của ngư dân với đất nước là luôn sẵn sàng ra khơi khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương nhưng vẫn cần sự hỗ trợ của Nhà nước để ngư dân có thêm điều kiện để phát triển nghề, bám biển” - ông Anh chia sẻ. Và theo ông Anh, nếu Tam Hải trở thành xã đảo, những ngư dân như ông sẽ có thêm những con tàu công suất lớn, đảm bảo đánh bắt dài ngày. Vì khi đó, ngư dân có thêm những khoản vốn vay ưu đãi từ Nhà nước để đóng mới, nâng công suất tàu, phát triển quy mô khai thác… Và khi trở thành xã đảo, người dân có quyền mơ về việc Nhà nước sẽ hỗ trợ xây dựng hậu cần nghề cá mà quan trọng nhất là một cảng hậu cần quy mô phục vụ cho đánh bắt hải sản.
Ngư dân Tam Hải chuẩn bị ngư cụ cho chuyến vươn khơi. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO |
Cùng mong mỏi với ngư dân Trần Anh, ngư dân Lê Minh Trí (thôn Tâm Lập) nói thêm: “Nếu được công nhận xã đảo, thì 100% người dân sẽ được hưởng bảo hiểm y tế, con em của ngư dân khi đi học sẽ được hỗ trợ học phí và một số điều kiện ưu đãi khác. Khi yên tâm cho hậu phương của mình thì ngư dân yên tâm đánh bắt và tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển”. Theo ông Phan Như Tường, trong những ngày đấu tranh chống việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển của Việt Nam, có gần 100 ngư dân với 8 tàu công suất lớn ở địa phương đã tham gia đánh bắt hải sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Nên việc công nhận Tam Hải là xã đảo rất cần thiết trong việc góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển đảo của đất nước. Ông Tường cũng cho rằng, được công nhận xã đảo sẽ là động lực lớn giúp địa phương vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội. “Còn quá nhiều khó khăn chồng chất ở địa phương như: giao thông đi lại chưa đảm bảo khi không có đủ kinh phí bê tông mới một số trục đường hoặc tu bổ đường bê tông xuống cấp. Cứ đến mùa mưa là mảnh đất này lại bị cô lập với đất liền vì không có phương tiện an toàn để vào đất liền. Còn điện, nước sinh hoạt không đáp ứng được nhu cầu đời sống, sản xuất của cư dân trên đảo… Chính vì vậy, mong ước của nhân dân Tam Hải là được Nhà nước công nhận xã đảo và có nhiều hơn sự quan tâm, hỗ trợ để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân” - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải - Phan Như Tường bộc bạch.
ĐOÀN ĐẠO