Bút Tưa, nỗi lo mùa mưa bão
Gần 8 tháng trôi qua, sau sự việc dân làng ở tổ 2 thôn Bút Tưa (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) lũ lượt bỏ làng đi, dời đến định cư tại tổ 1 cùng thôn, cư dân của làng vẫn chưa thể ổn định cuộc sống. Vẫn còn nhiều gia đình nương náu tạm bợ trong những nhà moong khi mưa bão đã dạm mùa…
Bà Alăng Thị Đách, mẹ của Alăng Phiếu treo mớ bắp lên giàn bếp để dành. |
Sống tạm
Nắng tháng 10 không đủ xua đi cái lạnh se sắt đã bắt đầu xuất hiện ở vùng cao. Phía cuối làng, Alăng Phiếu gò lưng gánh hai bó lá cọ về lợp lại moong (nhà sinh hoạt gia đình của đồng bào Cơ Tu) mới được dựng cách đây không lâu. Alăng Phiếu là một trong 17 hộ của tổ 2 thôn Bút Tưa đã rời làng vào tháng 2. Giờ cả vợ con và mẹ của Alăng Phiếu chen chúc trong moong dựng tạm bợ bằng tre, rộng chưa đầy 3 tấm chiếu. Đồ đạc ngổn ngang, tràn ra cả khoảnh sân nhỏ cạnh nhà. “Nhà của mình là cái kế bên moong mình đang ở. Nhà, mình đã cho em trai là Alăng Phước, nên mình sống ở moong” - Phiếu quệt mồ hôi đang chảy ròng trên mặt, chia sẻ. Căn nhà mà Phiếu để lại cho em trai, khung dỡ theo từ làng cũ chỉ mới lợp mái, bốn bề trống hoác. Phiếu không đủ tiền xẻ gỗ, mua ván dựng lại nhà. Vậy là tự đốn cây, chặt tre, tìm lá cọ lợp lại một moong để ở tạm. Nói là ở tạm, nhưng cả gia đình đã nương náu được hơn 6 tháng nay, và cũng chưa biết khi nào mới có thể dựng được nhà mới. “Không có tiền làm nhà đâu!” - Phiếu nói.
Dạo một vòng qua những ngôi nhà của dân làng tổ 2 vừa được dựng tại tổ 1 thôn Bút Tưa. Đã có 11 hộ dựng nhà, ấy là kể luôn những căn nhà các gia đình anh em cùng dựng và sống chung với nhau, hoặc được bà con nhường lại để ở. Còn 8 hộ vẫn phải sống tạm dưới những túp lều và nương nhờ những người bà con. Những ngôi nhà mới được dựng, phần lớn đều chỉ mới lợp mái, chưa đóng vách, bốn bề trống hoác. Hai căn nhà xây khang trang nhất là của Alăng Thị Poói và Alăng Thừa. Một được Mặt trận huyện hỗ trợ 30 triệu đồng theo diện chính sách, một làm đơn vay tiền dựng nên. Một số nhà có hai, ba hộ phải ở chung trong một căn bếp. Vẫn chưa gia đình nào trong số 17 hộ ổn định sinh sống, làm ăn, bởi muôn vàn khó khăn bủa vây: thiếu nhà ở, sống tạm bợ, không vườn tược, không còn lương thực dự trữ. Trưởng thôn Bút Tưa - Alăng Điều nói với chúng tôi rằng, kể từ sau đợt hỗ trợ lúc bà con tổ 2 mới rời làng đến nay, các hộ dân không hề có được một sự trợ giúp nào khác ngoài sự cưu mang lẫn nhau và sự giúp đỡ của dân làng tổ 1.
“Lạy trời, đừng có bão quét qua!”
Buổi trưa, căn nhà Alăng Phiếu nóng hầm hập. Vợ Phiếu vừa đi rẫy về, lặng lẽ cột những chùm bắp lên giàn bếp. Tiếng cót két phát ra theo từng bước chân như “củng cố” thêm nỗi lo ngại của chúng tôi cho căn nhà tạm bợ mà gia đình Phiếu đang ở. Alăng Phiếu không nhắc gì đến chuyện xin hỗ trợ. Anh kể với chúng tôi về nỗi háo hức khi những ngày gần đây nghề hái hạt mây giúp cho vợ chồng anh kiếm được mỗi ngày gần 200 nghìn đồng. Từ khi rời làng, Phiếu sống bằng đủ nghề kiểu “thợ đụng”, ai gọi gì làm nấy. May mà còn có rừng, khi thì bẻ măng, chặt lồ ô, hái hạt mây, đủ đắp đổi qua ngày. Con Phiếu vẫn đều đặn đến trường. “Lo cho tới tối về có cơm ăn là mừng rồi!”. Phiếu nói như thể mình đang sống chỉ cho ngày hôm nay. Những phụ nữ ở làng như bà Alăng Thị Đách - mẹ của Phiếu vẫn lặng lẽ chắt chiu từng trái bắp, phơi ít măng khô cất lại ăn dần. Cuộc sống của dân làng tằn tiện đến khổ sở.
Alăng Phiếu cõng mớ lá cọ đem về để lợp moong. Ảnh: THÀNH CÔNG |
Ám ảnh về “làng ma”, về “cái chết xấu” (Báo Quảng Nam từng có nhiều tin, bài phản ánh) đã lùi xa. Trong câu chuyện của lũ làng, cũng không còn mấy ai nhắc về sự kiện đau buồn đó nữa. Chỉ còn lại niềm tiếc nuối hiện hữu trong những tiếng thở dài của các amế, ama. Già làng Alăng Văng nói, dựng nhà mới là nguyện vọng chung, nhưng muốn thực hiện được không phải điều đơn giản. Dành dụm, chắt chiu cả đời mới dựng được ngôi nhà, giờ làm lại từ đầu. Có những gia đình còn phải lo cái ăn mỗi ngày, biết lấy đâu ra tiền. Ý thức được sự khó khăn của mình, họ tự tìm gỗ, chặt tre, tự đan lá cọ lợp những ngôi moong chỉ nhỏ bằng căn nhà bếp. Có bếp là có nhà, đó là quan niệm của người Cơ Tu từ bao đời nay. Nhưng Trưởng thôn Alăng Điều lại nghĩ khác. Nỗi lo chỉ thực sự bắt đầu, khi trời bắt đầu trút những cơn mưa rừng. Mưa bão đã dạm mùa. Những ngôi moong không đủ an toàn để dung chứa, bảo bọc cho những phận người vốn đã quá khó nghèo như 17 hộ dân vừa nhập cư từ “làng ma”. “Tôi lo tới mùa mưa, mấy căn nhà không trụ nổi. Nhà gỗ thì chưa đóng ván, moong vừa nhỏ vừa yếu, làm sao chịu nổi mưa bão. Nhiều nhà còn chưa đủ cái ăn, nói chi đến lương thực dự trữ” - Trưởng thôn Alăng Điều nói. Phương án được tính tới trong những cuộc họp dân là đưa người vào nương náu trong những căn nhà kiên cố. Nhưng còn cái ăn? Mùa mưa kéo dài hơn 2 tháng, không ruộng rẫy, không lương thực dự trữ; sự cưu mang của dân làng tổ 1 cũng chỉ có hạn.
Chúng tôi rời làng. Nhìn lại, vẫn thấy Alăng Điều lặng ngồi dưới gốc cây đầu làng. Lời mong mỏi của Trưởng thôn Alăng Điều lúc chia tay vẫn không thôi bám lấy chúng tôi: “Lạy trời, đừng có bão lũ quét qua!”…
PHƯƠNG GIANG