Tài năng và tuổi trẻ

ANH SẮC 10/10/2014 13:34

Cô gái mới 19 tuổi Phạm Thị Thu Hiền đã tạo ra dấu ấn lịch sử khi trở thành người Quảng đầu tiên giành huy chương tại ASIAD và tương lai còn có thể tỏa sáng ở đấu trường lớn nhất thế giới Olympic khi cô là một trong hai vận động viên (VĐV) Việt Nam giành huy chương Taekwondo - môn thể thao Olympic. Qua thành tích của Hiền và lớp đàn anh, đàn chị của cô như Đặng Thị Thúy, Bùi Thị Triều, Bùi Như Mỹ cho thấy, tiềm năng thể  thao thành tích cao đất Quảng không thiếu. Kể từ năm 1997 đến nay, SEA Games nào thể thao Quảng Nam cũng có VĐV đại diện Việt Nam tham gia tranh tài và giành thành tích xuất sắc và giờ đây có thêm VĐV bước lên bục nhận huy chương ASIAD.

Vận động viên Nguyễn Văn Thanh sau khi giải nghệ đã trở thành huấn luyện viên. Ảnh: A.SẮC
Vận động viên Nguyễn Văn Thanh sau khi giải nghệ đã trở thành huấn luyện viên. Ảnh: A.SẮC

Để có được những tài năng như Hiền, ngoài nỗ lực của bản thân, sự dạy dỗ của các huấn luyện viên thì công tác phát hiện, tuyển chọn và thu hút các em đi theo nghề VĐV không hề đơn giản. Chỉ nói riêng việc tuyển sinh thôi, theo các huấn luyện viên Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT Quảng Nam, ai cũng nghĩ bây giờ chế độ chính sách dành cho học sinh năng khiếu thể thao khá cao nên “kéo” các em vào trường dễ dàng. Thế nhưng thực tế không phải như vậy. Rất nhiều lần phát hiện những em có tố chất khá tốt qua tham gia thi đấu ở giải thể thao trường học, tuy nhiên khi được gợi ý về tỉnh tập luyện thì các em và gia đình đều lắc đầu.

Lý giải điều này, hầu hết phụ huynh đều khẳng định mong muốn con cái tập trung học văn hóa để sau này thi vào đại học hơn là hướng theo nghiệp thể thao. Còn một lý do khác, đó là nghề VĐV khá cực nhọc nhưng thu nhập không cao. Chỉ có một vài VĐV xuất sắc được gọi vào đội tuyển quốc gia và thi đấu có thành tích như Thu Hiền chẳng hạn mới có được số tiền thưởng kha khá (thật ra SEA Games 2 năm mới diễn ra một lần và ASIAD đến 4 năm nên số tiền thưởng như vậy không phải lớn). Còn VĐV đội tuyển tỉnh chẳng có thu nhập gì, mỗi năm nếu giành được huy chương giải quốc gia thì được thưởng vài triệu đồng.

“Đầu vào” các trường, trung tâm đào tạo thể thao đã khó, “đầu ra” cho các VĐV sau khi giải nghệ cũng chẳng khá hơn. Hằng năm, Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT Quảng Nam đào tạo khoảng 150 VĐV và sau 16 năm, số VĐV chia tay nhà trường có lẽ cũng đã lên con số 1.000. Tuy nhiên, số lượng VĐV sau khi giải nghệ tiếp tục theo gắn bó với ngành như trở thành huấn luyện viên hay giáo viên thể dục hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn lại, tất cả đều “tay trắng” từ chuyện học hành đến tích lũy kinh tế cho bản thân. Trong khi đó, cho đến nay vẫn chưa có chế độ, chính sách gì về công ăn việc làm cho các VĐV sau khi giải nghệ. Nói chung, việc giải quyết “đầu ra” cho lực lượng VĐV sau những năm tháng cống hiến tài năng và tuổi trẻ của mình cho địa phương cũng như quốc gia chưa được quan tâm thực hiện. Do vậy mà không ít người sau khi giã từ cuộc đời VĐV phải mưu sinh bằng nghề bán báo, bán bánh mì hoặc về quê làm ruộng.

Rõ ràng, câu chuyện “đầu vào” và “đầu ra” trong đào tạo, sử dụng VĐV hiện nay đang là bài toán nan giải, làm cho các nhà quản lý thể thao gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Phát hiện tài năng đã khó, kéo các em đi theo con đường VĐV càng khó hơn. Và làm sao tránh tình trạng “vắt chanh bỏ vỏ” sau khi VĐV giải nghệ lại là điều đáng để suy nghĩ.

ANH SẮC

ANH SẮC