Làm giàu trên đất quê
Nhiều nông hộ trên địa bàn xã Bình An (Thăng Bình) đã làm giàu ngay trên chính mảnh đất vốn nghèo khó của quê hương bằng những mô hình kinh tế hiệu quả.
Sinh ra và lớn lên ở thôn An Phước (xã Bình An), nông dân Bùi Thu đã quá quen với cảnh nghèo khó, đắp đổi qua ngày. Năm 1982, ngay sau khi lập gia đình, Bùi Thu trăn trở tìm hướng làm ăn mới từ hai bàn tay trắng. Bắt đầu từ đất vườn, ông trồng cây ăn quả. Nhưng vùng đất này vốn khô cằn, cây trái khó được mùa, vậy là trắng tay… nhưng có chút kinh nghiệm, ông Thu đã nói như vậy về những ngày đầu khó khăn. “Không thành công với mô hình kinh tế này thì mình gắng sức tiếp tục làm ăn với mô hình kinh tế mới. Thành quả sẽ đến với những ai dám sống hết mình và tìm được hướng đi đúng”- ông Thu nói. Qua thông tin từ báo chí, Bùi Thu nhận thấy trồng tiêu có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao nếu biết đầu tư đúng mức. “Tại sao mình lại không mạnh dạn đi tham quan học hỏi kinh nghiệm để trồng tiêu khi nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng của quê hương phù hợp với sinh trưởng và phát triển của loại cây này” - Bùi Thu tự nhủ. Vậy là sau nửa năm rong ruổi tìm hiểu cách thức trồng tiêu, năm 2010, ông Thu đã quyết định cải tạo 4.000m2 đất gò đồi quanh vườn để trồng tiêu. Ban đầu trồng thử 150 choái tiêu. Nhận thấy cây tiêu phát triển tốt, năm 2012 ông quyết định trồng thêm 300 choái nữa. Năm nay, ông Thu thu hoạch gần 1 tấn tiêu bán được hơn 150 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí, gia đình ông Thu lãi được hơn 130 triệu đồng. Từ đây, cây tiêu trở thành nguồn thu chính của gia đình. “Học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi, tôi nhận thấy trồng tiêu trên trụ gạch ít hiệu quả. Bởi vậy, gia đình trồng tiêu trên thân cây sống, vừa tiết kiệm chi phí, diện tích, cây tiêu lại mát nên ít bị sâu bệnh và cho năng suất cao” - ông Thu chia sẻ. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông Thu đầu tư thêm để nuôi 5 con heo nái F1 và 10 heo thịt để có vốn xoay vòng chăm sóc cho cây tiêu. Ngoài ra, còn tận dụng phần diện tích đất trống giữa các choái tiêu để trồng cỏ, vừa làm thức ăn cho bò lại vừa giữ độ ẩm cho đất giúp cây tiêu phát triển tốt. Theo tính toán của ông Thu, sang năm 2015, từ 450 choái tiêu, gia đình ông sẽ trả xong món nợ vay đầu tư để có thể tích lũy mà mở rộng diện tích trồng tiêu trong vườn đồi. Ngoài sự sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng tiêu, ông Thu cũng tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho các nông hộ đến hỏi thăm. Với quyết tâm dám nghĩ dám làm, nông dân Bùi Thu đã xây dựng cho mình một cơ ngơi vững chãi. Ngoài ra, ông Thu có điều kiện tốt để nuôi 2 con ăn học đàng hoàng, tích cực tham gia các phong trào xã hội của địa phương và là một trong những nông dân nhiều năm liền được công nhận là nông dân sản xuất giỏi.
Ông Bùi Thu chăm sóc vườn tiêu của gia đình. |
Bên cạnh việc phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp, những năm qua, trên địa bàn xã Bình An còn xuất hiện mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng. Đây là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các nông hộ. Năm 2014, anh Tạ Đệ (ở tổ 3, thôn An Mỹ) đầu tư xây dựng 3 hồ nuôi cá lóc thương phẩm. Mô hình này phù hợp với điều kiện nuôi của gia đình vì không cần nhiều diện tích khi mỗi hồ nuôi cá chỉ rộng từ 12 - 25m2. Đến nay, anh Đệ đã đầu tư xây dựng được 9 hồ. Anh Đệ cho biết: “Nuôi cá lóc khá đơn giản nếu biết đề phòng, tránh cá bị nhiễm bệnh. Cá lóc có khả năng chống chịu tốt nếu môi trường ít có biến động. Nguồn thức ăn cho cá chủ yếu chỉ là các loại cá nhỏ, cá tạp, ít tốn kém. Trong quá trình nuôi đòi hỏi người nuôi phải huy động được vốn và chịu khó. Ngoài ra cần phải thường xuyên thay nước và kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá”. Sau 4 tháng chăm sóc đàn cá lóc nuôi đạt trung bình 700 - 800g/con, tỷ lệ sống đạt 90%. Với giá cá lóc thương phẩm 45 - 50 nghìn đồng/kg, gia đình anh Đệ thu được hơn 40 triệu đồng khi đã khấu hao chi phí mỗi lần xuất bán. Bên cạnh việc nuôi cá lóc, anh Đệ còn nuôi 400 con gà thịt. Cứ 4 tháng một lần, gia đình anh Đệ xuất bán một lứa gà thịt, thu được hơn 30 triệu đồng.
Trong những năm qua, chính quyền xã Bình An đã chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, giúp người dân phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. Cùng với đó, xã cũng đã giúp người dân tiếp cận nguồn vốn cho vay với lãi suất thấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển, từng bước ổn định đời sống. Ông Lê Hồng Thiết, Phó Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết: “Từ sự hỗ trợ về nhiều mặt của Nhà nước, nông dân trên địa bàn đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương. Nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo và trở thành những nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của xã và của huyện, tỉnh”.
Đến nay, xã Bình An đã có hơn 3.150 hộ đạt tiêu chuẩn nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi từ cấp xã đến cấp tỉnh với các mô hình như kinh tế trang trại, dịch vụ chế biến nông, thủy sản, chăn nuôi…
QUANG VIỆT - MINH TÂN