Nhận chân giá trị Phan Khôi
Những nhìn nhận, đánh giá tại hội thảo khoa học “Phan Khôi và những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa dân tộc” do Sở Văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh tổ chức hôm qua 6.10, nhân 127 năm ngày sinh Phan Khôi, như một hành động nhằm tôn vinh và nhận chân những giá trị ông đã đóng góp cho nền văn hóa, học thuật của nước nhà.
Bản sắc “người Quảng Nam” thứ thiệt
Khá nhiều những học giả, nhà nghiên cứu có tên tuổi trên cả nước tham gia hội thảo, góp tiếng nói riêng nhằm làm rõ hơn về Phan Khôi - một trí thức tiêu biểu của thế kỷ XX. Những luận bàn để nêu bật lên một Phan Khôi - nhà trí thức, nhà báo với những hoạt động báo chí sôi nổi, người khai sinh ra thể phê bình văn học, người mở đường cho Thơ Mới… Bên cạnh đó, trên lĩnh vực khoa học lịch sử, ngôn ngữ hay tư tưởng xã hội, Phan Khôi đã chứng tỏ là một con người xuất sắc, một khí phách của người trí thức… Các nhà nghiên cứu, học giả đều đồng tình rằng, Phan Khôi đã kế thừa những tinh anh của một vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi đã sản sinh ra những con người tài giỏi trên nhiều lĩnh vực khác nhau. PGS-TS. Nguyễn Văn Đăng (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Huế) cho rằng: “Cuộc đời Phan Khôi hội tụ phong khí lớn của quê hương Bảo An (Gò Nổi) và hai dòng họ nổi tiếng nhất nhì trong vùng, đặc biệt là hằn dấu ấn lên tuổi thơ ông. Có được một nhà báo, một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn như Phan Khôi, ắt hẳn phần linh khí núi sông Bảo An - Gò Nổi - Quảng Nam, tiên tổ dòng cha, mẹ, vợ đã góp phần tài bồi không nhỏ để chúng ta có được một nhân cách khẳng khái, một học giả mà không dễ để tìm sự thống nhất trong nhìn nhận đánh giá hiện nay”. Không chỉ vậy, Phan Khôi còn là người học trò xuất sắc của cụ Phan Châu Trinh, tiếp tục con đường của cụ Phan Châu Trinh trong những điều kiện mới, sau khi phong trào Duy Tân kết thúc. “Tư tưởng của cụ Phan, luôn đặt vấn đề phát triển dân tộc, với “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, thì sau này, thế hệ Phan Khôi tự tạo cho mình một năng lực mới để kế tục con đường của cụ Phan Châu Trinh” - nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo. |
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, người dày công tìm kiếm, sưu tầm tư liệu, những di cảo của Phan Khôi, chia sẻ: “Phan Khôi hiện diện trước xã hội, trước cuộc đời này chỉ với tư cách nhà báo. Người ta biết ông chủ yếu qua những gì ông viết ra đăng lên báo chí. Nhưng qua hoạt động báo chí, Phan Khôi chứng tỏ mình còn là một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn... Có thể nói Phan Khôi là người thể hiện rõ nhất và thành công nhất chủ trương duy tân kiểu Phan Châu Trinh vào đời sống. Nhưng khác với người tiền bối ấy, Phan Khôi hoàn toàn không thể hiện mình như một chí sĩ. Ông sống như một người thường trong đời thường, chỉ hoạt động chuyên nghiệp như một nhà ngôn luận, chỉ tác động đến xã hội bằng ngôn luận. Phan Khôi thuộc trong số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng tri thức và văn hóa cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Đặt bên cạnh những Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim…, ông thường tự thể hiện như kẻ phản biện, và sự phản biện của ông thường đem lại chiều sâu mới cho tri thức”. Già nửa thế kỷ im tiếng, tên tuổi Phan Khôi lại một lần nữa dấy lên trong những người mến mộ ông lòng cảm phục về một tài năng và cuộc đời của một “kẻ sĩ” đầy những trúc trắc. Một nhà trí thức, nhân sĩ, mang một tư duy phản biện sắc sảo của một người làm báo hiện đại, kế thừa đủ đầy bản sắc của một con người Quảng Nam thứ thiệt.
Di sản vô giá về học thuật
Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Hội thảo lần đầu tiên được tổ chức ngay chính trên quê hương cụ Phan Khôi với vai trò chỉ đạo của UBND tỉnh, sự tham gia của các nhà nghiên cứu trên mọi miền Tổ quốc là bước tiến đáng khích lệ để tiếp tục làm rõ hơn những khúc ngoặt cũng như đóng góp đối với nước nhà trong cuộc đời cụ. Tuy hội thảo chỉ bàn về những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa của cụ, nhưng văn hóa là nền tảng, người có đóng góp vào văn hóa dân tộc thì không lý gì không yêu nước, không có những đóng góp ưu việt cho nước nhà. Sau hội thảo về văn hóa, chúng tôi thiết nghĩ cần phải có một hội thảo về Phan Khôi - một nhân vật lịch sử. Tư duy khoa học cụ để lại, không chỉ là những di cảo mà còn là tấm gương, là tính cách riêng kết tinh của vùng địa linh nhân kiệt, là học trò xuất sắc của cụ Phan Châu Trinh. Chúng tôi muốn kiến nghị với tỉnh Quảng Nam cần quan tâm bảo tồn, phát huy những di sản liên quan đến Phan Khôi, tập hợp những dữ liệu của Phan Khôi để cùng các nhà chuyên môn xây dựng bộ toàn tập về Phan Khôi đầu tiên”. |
Nhà báo, nhà giáo Phạm Phú Phong chia sẻ: “Phan Khôi là một nhà Nho duy tân, một nhà Tây học uyên bác, một nhà văn hóa biết hội nhập, một “người phu chữ” thích làm giàu tiếng Việt, một người suốt đời đi tìm sự thật, thích tranh luận nhưng biết phục thiện. Ông là một nhà báo có đóng góp nổi trội vào quá trình hiện đại hóa báo chí tiếng Việt, văn chương hiện đại Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Là nhà báo xuất sắc, toàn bộ những thành tựu về văn hóa tư tưởng của ông để lại đều ở những trang báo, đọc lại những trang báo của ông cách đây đã hơn ba phần tư thế kỷ, chúng ta có thể nhận ra ý nghĩa về chân dung của một nhà văn hóa tiên phong”. Tương tự, các ý kiến tại hội thảo xoáy vào những đóng góp của Phan Khôi còn nguyên tính tươi mới ở thời đại này, như việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, phong cách làm báo xông xáo, hướng về những đối tượng bình dân, thể hiện cá tính của một “người Quảng Nam” trên báo chí.
Ở lĩnh vực văn học, Phan Khôi được nhìn nhận là một tác giả văn xuôi, người đầu tiên giữ vai trò phê bình văn học Việt Nam hiện đại, mở đường, khai sáng nền thơ mới. Trên lĩnh vực khoa học lịch sử, ông đưa ra những luận giải, tranh luận về các vấn đề lịch sử Việt Nam, viết nhiều trang hồi ức, nhân chứng, đời sống người Việt Nam ở các thời kỳ lịch sử. Phan Khôi còn là người ủng hộ nhiệt huyết chủ trương duy tân vào đời sống xã hội, hoạt động như một nhà ngôn luận chuyên nghiệp, người Việt Nam đầu tiên lên tiếng công khai trên báo chí về tác hại kìm hãm phát triển xã hội của Nho giáo… Được coi như đại diện của một tính cách “Quảng Nam hay cãi”, Phan Khôi thể hiện một tư duy phản biện sắc sảo, “rốt ráo đến cùng”.
Phan Khôi sinh năm 1887 tại làng Bảo An, Điện Quang, Điện Bàn, là con của Phó bảng Phan Trân (Tri phủ Diên Khánh, Khánh Hòa) và bà Hoàng Thị Lệ (con gái Tổng đốc Hà Nội - Hoàng Diệu). Phan Khôi thi đỗ Tú tài Hán học năm 20 tuổi, sau đó ông tự học Quốc văn và Pháp văn. Trong bối cảnh xã hội ở Quảng Nam và Trung Bộ thời kỳ 1906 - 1908, ông là nhân vật tham gia tích cực phong trào Duy Tân, sau đó là phong trào Đông Du. Với các hoạt động yêu nước, đầu năm 1908 Phan Khôi bị bắt giam ở nhà lao Hội An, kết án ba năm tù với tội danh “chống đối nhà nước bảo hộ”. Ra tù, ông hoạt động trên lĩnh vực báo chí và văn học ở Huế, Sài Gòn, Hà Nội, trở thành nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu lý luận phê bình, dịch giả và là học giả uyên bác thời danh, với những bút danh như Chương Dân, Tú Sơn, Thông Reo, Tân Việt… Ông mất năm 1959 tại Hà Nội. |
Nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, cuộc đời 72 năm của cụ Phan Khôi trọn vẹn hình ảnh một nhà văn hóa, nhà trí thức, nhà văn, nhà báo, tuy nhiên vai trò của cụ trong 4 năm cuối đời đã có những thay đổi. “Hơn nửa thế kỷ qua đi, sau một độ lùi lịch sử, trên tiến trình phát triển của xã hội, không riêng về phía gia đình, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng cần tham gia thêm để tên tuổi của cụ Phan Khôi cần được đánh giá đúng vị thế” - ông Dương Trung Quốc nói. Những truân chuyên dành cho cụ Phan Khôi trong “trường văn, trận bút” lẫn trường đời chính trị, cần sự kiến giải thêm từ nhiều cuộc hội thảo. Nhưng như lời ông Phan Trản, con trai cụ Phan Khôi, một cuộc hội thảo với quy mô cấp tỉnh, quy tụ đông đảo sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đặc biệt là những ưu ái từ phía lãnh đạo tỉnh, dù luận bàn ở góc độ văn hóa, cũng đã như một động thái để hậu thế bắt đầu nhìn nhận và tôn vinh tên tuổi cụ Phan Khôi. Những đóng góp của cụ, đã đủ đầy để nói như GS. Nguyễn Đăng Hưng, cũng là một người con đất Điện Bàn: “Cần nói nhiều hơn nữa về khí phách của một nhà văn hóa ở Phan Khôi”.
LÊ QUÂN - ALĂNG NGƯỚC