Cần tạo điều kiện cho người dân miền núi thực hiện quyền giám sát
(QNO) - Chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng nay 6.10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh gồm Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trần Xuân Vinh và Phó ban Dân tộc HĐND tỉnh, Phó Bí thư Huyện ủy Nam Trà My có buổi tiếp xúc gần 200 cử tri của các xã Trà Dơn, Trà Leng và Trà Mai (huyện Nam Trà My). Tham dự buổi tiếp xúc cử tri lần này có đại diện lãnh đạo các Sở Giao thông vận tải, Sở NN&PTNT, Sở Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tỉnh nhằm giải đáp trực tiếp các kiến nghị có liên quan của cử tri.
Tại buổi tiếp xúc, thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh thông tin đến cử tri những nội dung chính của Kỳ họp thứ 8, báo cáo đậm nét kết quả phát triển tích cực về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh trong 9 tháng qua; trả lời cụ thể đối với các kiến nghị của cử tri ở kỳ họp trước đó. Cử tri địa phương đã kiến nghị một số vấn đề như tình trạng xuống cấp tại một số điểm giao thông trên tuyến quốc lộ 40B dù đã được sửa chữa nhưng chưa đảm bảo, giao thông khó khăn; đầu tư xây dựng hoàn thiện các tuyến giao thông trên địa bàn; sửa chữa, cải tạo các công trình nước sạch; quan tâm thực hiện miễn 100% tiền học phí cho học sinh đồng bào dân tộc (hiện nay theo Nghị định 74/2013/NĐ-CP quy định giảm 50% học phí); quan tâm hỗ trợ tiền xây dựng nhà cho đối tượng người có công; phân bổ không kịp thời nguồn vốn đầu tư cho các chương trình, dự án, nhất là trong xây dựng nông thôn mới; tồn tại trong công tác luận chuyển cán bộ theo Nghị quyết 146 của HĐND tỉnh; tính toán hiệu quả nguồn vốn đầu tư theo chường trình 30a của Chính phủ; cần có những giải pháp mạnh trong công tác phòng chống tham nhũng...
Để các công trình dân sinh ở miền núi đạt chất lượng, phát huy tính hiệu quả lâu dài, người dân hưởng lợi cần được tạo điều kiện thực hiện quyền giám sát thi công công trình. |
Cử tri Nguyễn Thành Tiêu (thôn 3, xã Trà Leng) kiến nghị: “Những năm qua, đồng bào miền núi được hưởng lợi rất nhiều từ các chương trình mục tiêu, nguồn vốn đầu tư của Đảng, Nhà nước, chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng một số công trình dân sinh từ nguồn vốn 30a chưa thật hiệu quả. Trong thời gian đến, việc đầu tư các công trình dân sinh cho miền núi phải được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, người dân phải được tạo điều kiện để thực hiện quyền “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, có như vậy các công trình dân sinh mới phát huy hiệu quả”. Đối với tồn tại trong công tác luân chuyển giáo viên theo Nghị quyết 146 của HĐND tỉnh, cử tri Đoàn Ngọc Ba - Phó ban Dân vận huyện Nam Trà My bày tỏ: “Cần có cơ chế ưu đãi, khuyến khích các giáo viên lâu năm, dạy giỏi tiếp tục ở lại công tác, gắn bó với sự nghiệp trồng người ở miền núi. Bởi họ là những giáo viên giàu kinh nghiệm, kỹ năng sống, quen tiếng cũng như phong tục tập quán của người dân địa phương. Nếu không quan tâm đến vấn đề này thì nhất định trong tương lai, giáo dục miền núi sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng”.
Liên quan đến các kiến nghị của cử tri địa phương, ông Lê Ngọc Kích - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My đã có giải trình cụ thể. Hiện nay nguồn vốn đầu tư theo chương trình 30a đã có, nhưng khi kiểm tra dự án đầu tư của các địa phương, huyện xác định các dự án này không đáp ứng được tính hiệu quả. Do đó, nhiều dự án đầu tư vẫn chưa được huyện phê duyệt, cấp vốn thực hiện. “Trong thời gian đến, huyện Nam Trà My tập trung hai mục tiêu chính là giảm nghèo và đầu tư xây dựng nông thôn mới. Thực tế, thời gian qua, miền núi được hưởng lợi nhiều chương trình, nhiều nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển, nhưng đánh giá tính hiệu quả thì thật sự chưa tương xướng với nguồn lực đầu tư. Do đó, thời gian đến, các chương trình, nguồn vốn hỗ trợ cho miền núi cần gom vào một đầu mối, không để phân tán nguồn lực đầu tư, có như vậy mới phát huy được hiệu quả đầu tư, đưa miền miền núi phát triển” - ông Kích kiến nghị.
Tại cuộc tiếp xúc, đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên qua của tỉnh cũng đã giải đáp cụ thể đối với các kiến nghị của bà con cử tri huyện Nam Trà My.
HÀN GIANG