Việt - Mỹ: củng cố lòng tin vì lợi ích chung
(QNO) - Lòng tin được củng cố và vì lợi ích chung là nhận định của một số chuyên gia, sau khi Mỹ cho phép bán các thiết bị quốc phòng, gồm vũ khí sát thương, vì mục đích an ninh hàng hải cho Việt Nam.
Chỉ huy tàu khu trục USS John S. McCain (Mỹ) giao lưu với đại diện Vùng 3 hải quân Việt Nam nhân dịp ghé thăm Đà Nẵng năm 2012 - Ảnh: Đăng Nam |
Các quan chức Mỹ và giới chuyên gia nhận định việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam sẽ giúp cải thiện đáng kể quan hệ an ninh, quốc phòng và chính trị song phương.
Sáng 3.10 (giờ Việt Nam), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki thông báo trong cuộc hội đàm với Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Mỹ “đã cho phép chuyển giao các thiết bị quốc phòng, bao gồm vũ khí sát thương, vì mục đích đảm bảo an ninh hàng hải cho Việt Nam”.
Lệnh cấm bán các loại vũ khí sát thương khác, ví dụ như xe tăng, vẫn có hiệu lực cho đến khi Mỹ và Việt Nam giải quyết được những vướng mắc, bất đồng còn tồn đọng.
“Chính sách này hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam nhằm cải thiện năng lực giám sát và đảm bảo an ninh hàng hải” - người phát ngôn Psaki nhấn mạnh.
AFP dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết mọi loại khí tài có thể cung cấp cho Việt Nam đều mang tính chất phòng thủ. “Chúng tôi không đụng đến những hệ thống gây bất ổn. Các loại khí tài có thể bán cho Việt Nam sẽ không làm thay đổi thế cân bằng khu vực” - quan chức này quả quyết.
Đảm bảo an ninh hàng hải
Trả lời phỏng vấn Báo Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, nhận định tuyên bố của Mỹ đánh dấu một bước tiến lớn trong quan hệ quốc phòng Mỹ - Việt theo thỏa thuận đối tác toàn diện ký kết năm 2013.
“Việt Nam rất cần cải thiện năng lực giám sát và đảm bảo an ninh hàng hải, Mỹ có đầy đủ điều kiện để hỗ trợ Việt Nam” - giáo sư Thayer khẳng định.
“Việt Nam là đối tác quan trọng của Mỹ” Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong cuộc hội đàm với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đánh giá sự phát triển của Việt Nam trong 20 năm qua là “phi thường”. “Việt Nam đã trở thành một quốc gia hiện đại và là đối tác quan trọng của Mỹ” - ông Kerry nhấn mạnh. Trong cuộc hội đàm, ông Kerry và ông Phạm Bình Minh cũng kêu gọi hai nước sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thảo luận các diễn biến trên biển Đông. Ông Kerry cho rằng các nước khu vực cần tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), không thực hiện các hành động có thể làm leo thang căng thẳng và gây bất ổn. |
Trên thực tế, lệnh cấm bán vũ khí sát thương luôn là một vướng mắc trong quan hệ hai nước nhiều năm qua.
“Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy sự tin cậy lẫn nhau mang tầm chiến lược giữa Washington và Hà Nội đang ngày càng gia tăng. Sự kiện này không chỉ giúp tăng cường quan hệ an ninh và quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam, mà cả quan hệ chính trị hai nước” - giáo sư Thayer tin tưởng.
Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương “là bước đầu tiên cực kỳ quan trọng, giúp thúc đẩy quan hệ hợp tác trong tương lai”.
Trong cuộc hội đàm với Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Kerry giải thích Washington đưa ra quyết định trên vì Việt Nam đã có những “bước đi tích cực” trong việc cải thiện nhân quyền.
Theo tuyên bố của người phát ngôn Psaki, việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam hoàn toàn không nhằm mục đích “chống Trung Quốc” như giới truyền thông đánh giá.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khu vực biển Đông thiếu năng lực đảm bảo an ninh hàng hải. “Đây là một nhu cầu đặc thù của khu vực. Chúng tôi muốn hỗ trợ Việt Nam tham gia các sáng kiến an ninh hàng hải trong khu vực” - quan chức này nhấn mạnh.
Máy bay tuần tra và trực thăng
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hiện Việt Nam vẫn chưa có yêu cầu cụ thể nào về việc mua khí tài từ Mỹ. Washington sẽ xem xét việc bán vũ khí cho Việt Nam theo nguyên tắc từng trường hợp cụ thể.
Lực lượng hải quân hai nước Việt - Mỹ cùng tham gia diễn tập chống cháy nổ trên tàu John. S. McCain tại cảng Tiên Sa Lớn, Đà Nẵng - Ảnh: Đăng Nam |
Trước đó, Reuters dẫn các nguồn tin từ Mỹ tiết lộ Washington có thể sẽ bán cho Việt Nam máy bay tuần tra hàng hải P-3 Orion của Hãng Lockheed Martin. Giáo sư Thayer cho biết P-3 Orion là loại máy bay tuần tra đáng tin cậy và thường xuyên được nâng cấp nên chất lượng rất cao.
“Hiện Mỹ đang thay thế máy bay P-3 Orion bằng loại P-8 Poseidon của Boeing, do đó mức giá P-3 Orion có thể sẽ giảm. Nhiều khả năng loại máy bay này khi bán sang Việt Nam sẽ không có vũ khí chống tàu và tàu ngầm. Tuy nhiên P-3 Orion sẽ cải thiện đáng kể năng lực tuần tra hàng hải của Việt Nam, bởi loại máy bay này có khả năng giám sát trên diện tích rộng hơn rất nhiều so với bất kỳ máy bay tuần tra nào khác Việt Nam đang sở hữu” - giáo sư Thayer cho biết.
Các quan chức Mỹ cũng cho biết Việt Nam có thể sẽ được mua các loại máy bay khác như P-8 của Boeing hay A-29 Super Tucano hoặc máy bay trực thăng để tuần tra hàng hải.
Ngoài ra, Việt Nam còn có thể mua một số tàu thuyền tuần tra. Việc mua các loại thiết bị nào sẽ phụ thuộc vào đối thoại giữa Mỹ và Việt Nam, cũng như việc Việt Nam đánh giá nhu cầu an ninh hàng hải của mình, đặc biệt là về lực lượng cảnh sát biển. Giáo sư Thayer cho rằng Việt Nam cũng cần quan tâm tới các hệ thống rađa giám sát hàng hải.
“Kể cả nếu Việt Nam không mua sắm các loại khí tài hiện đại thì mối quan hệ hợp tác quốc phòng Mỹ - Việt cũng sẽ mở rộng tới các lĩnh vực như bảo dưỡng thiết bị, cung cấp phụ tùng, đào tạo huấn luyện...” - giáo sư Thayer nhận định.
Ông tiết lộ theo một số nguồn tin riêng của ông từ Washington, Mỹ đã tăng ngân sách cho chương trình bán thiết bị quân sự nước ngoài (FMS), qua đó sẽ hỗ trợ Việt Nam mua sắm các thiết bị quốc phòng cần thiết.
Lòng tin và lợi ích chung
(Theo HIẾU TRUNG/LÊ KIÊN - Tuổi Trẻ) |