Chăn ấm cho học sinh vùng cao
Những yêu thương của người miền xuôi mang đến cho học trò Trường Tiểu học Ngọc Linh (xã Trà Linh, huyện Nam Trà My) như “bừng sáng” cả núi rừng…
Cuối tháng 9, ngược hơn 100 cây số đường dốc, chúng tôi theo chân các mạnh thường quân tại huyện Tiên Phước có mặt trên đỉnh Ngọc Linh để trao tận tay những phần quà ý nghĩa cho học trò chốn này trước khi mùa đông về. Đường đến Trường Tiểu học Ngọc Linh có nhiều đoạn đã được cấp phối đá nên chuyện đi lại cũng không còn quá khó khăn như trước. Song, bên trong ngôi trường này thì còn quá nhiều thiếu thốn và thường trực nỗi lo mà thầy trò nơi đây phải đối mặt, nhất là vào mùa mưa. Gặp chúng tôi, thầy giáo trẻ Nguyễn Hiệu tâm sự, nghe tin có đoàn từ thiện sắp về trường trao quà nên học trò cứ “hỏi thăm” suốt mấy ngày nay. “Năm nào cũng vậy, trước khi bước vào năm học mới là anh chị em chúng tôi tập trung sửa sang lại chỗ ăn, chỗ ở cho học sinh. Còn mùa mưa bão đến thì khó khăn trăm bề…” - thầy Hiệu tâm sự.
Nhiều phần quà đến với học trò Trường Tiểu học Ngọc Linh trong ngày 30.9. Ảnh: V.HÀO |
Thông qua kênh báo đài, biết được điều kiện học hành kham khổ của các em nơi đây nên nhóm từ thiện Warm winter (TP.Hồ Chí Minh) đã kết nối với một số nhà hảo tâm ở Tiên Phước đến san sẻ yêu thương với thầy trò trường Ngọc Linh. Và chỉ trong một thời gian ngắn, nhóm đã vận động được gần 20 triệu đồng để mua 200 tấm chăn, 130 chiếc khay đựng thức ăn, hàng trăm phần quà kẹo bánh, sữa để cấp phát cho học sinh. Những gương mặt học sinh người đồng bào Xê Đăng lem luốc ánh lên niềm vui khôn xiết khi được nhận những món quà từ xuôi lên. Trong “căn phòng” nội trú mái tôn với những nẹp gỗ, nẹp tre mà ánh mặt trời có thể xuyên qua, các cô cậu học trò cứ lật đi lật lại những tấm chăn mới toanh được bao bọc bóng loáng. Nhà ở tít thôn 2, cách trường gần 10 cây số, từ khi đi học đến nay, những thiếu thốn đối với cậu học trò học lớp 5 Hồ Văn Bay như một… điều hiển nhiên. “Ở đây vào mùa mưa trời lạnh lắm! Nếu đêm nào ngủ không được thì chúng em dậy đốt lửa rồi cùng nhau ngồi vây quanh cho đến khi trời sáng. Bữa ni có chăn mới rồi, hy vọng mùa đông sắp tới sẽ không còn lạnh như những mùa đông trước nữa” - Bay nói với đôi mắt sáng rực.
Chỗ bán trú của học sinh Trường Tiểu học Ngọc Linh. |
Trường Tiểu học Ngọc Linh có 9 điểm trường, 38 cán bộ công viên chức với 29 lớp ở hai cấp bậc mầm non và tiểu học. Năm học 2014 - 2015 có 512 học sinh, trong đó có 159 em bán trú. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Hùng cho biết, ngày 29.9 vừa qua, Công ty CP Thương mại dược - sâm Ngọc Linh Quảng Nam cũng đến trao số tiền hỗ trợ 300 triệu đồng để xây dựng một phòng học và một phòng công vụ tại điểm trường nóc Tắk Lang (thôn 2, xã Trà Linh) và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay. |
Dù trong đoàn ai cũng bận bịu với công việc ở xuôi nhưng cũng ráng tranh thủ ở lại quây quần bên bữa cơm trưa cùng thầy trò vùng cao. Hôm nay, trường nhộn nhịp hẳn với những tiếng cười đùa trong sáng của học trò bản địa. Cầm trên tay những chiếc khay mới được tặng để đưa cho chị nuôi cấp khẩu phần ăn, em nào cũng tỏ vẻ thích thú. Niềm vui của trẻ miền núi thật đơn giản, bình dị. “Không lo thiếu ăn, chỉ lo chỗ ăn, chỗ ở cho các em thôi. Mỗi chiều hễ nghe trời gầm là đã thấy sợ. Các anh thấy đấy, cái gì cũng tạm bợ” - thầy Nguyễn Thanh Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Linh nói. Quê ngoài Nghệ An, vào đây theo nghiệp “trồng người” ngót nghét đã được 17 năm, mỗi khi có đoàn từ thiện về trường là thầy Hùng lại “gửi gắm” nỗi lo và đau đáu nỗi niềm về điều kiện học chữ ở vùng cao này. “Mỗi khi thấy đoàn từ thiện nào lên đến tận đây là chúng tôi vui lắm, xúc động lắm! Không chỉ đồng hành, sẻ chia khó khăn với học sinh mà mỗi khi đặt chân đến đây, nhiều người còn động viên anh em chúng tôi ra sức bám bản, bám trường” - thầy Hùng tiếp lời.
Cũng tham gia nhiều chuyến tình nguyện ở các thôn bản vùng cao, nhưng khi được đến với đỉnh Ngọc Linh lần đầu này, anh Hoàng Ngọc Ánh (54 tuổi, trú thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước) cho biết, chuyến đi đã để lại trong anh nhiều cảm xúc, đặc biệt khi nhìn thấy việc dạy và học ở nơi này. “Những phần quà mà nhóm chúng tôi chuyển đến cho các em tuy vẫn còn khiêm tốn nhưng hy vọng sẽ góp phần nào đó để “sưởi ấm” các em trong mùa đông đến. Cộng đồng cần chung tay hơn nữa để cùng nhau xã hội hóa giáo dục vùng cao. Chúng tôi sẽ quay lại nơi này, nếu có điều kiện” - anh Ánh bộc bạch.
VĂN HÀO