Cải thiện an ninh lương thực vùng cao

VĨNH LỘC 01/10/2014 09:42

Thay đổi nhận thức canh tác cây lúa nước, tăng năng suất, tiết giảm chi phí đầu vào là những kết quả mà dự án “Cải thiện an ninh lương thực cho hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam” đạt được sau gần 3 năm triển khai tại các huyện Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang.

“Không còn lo thiếu đói”

Anh Hôil Alếp - thôn Tu Ngung, xã A Rooi (Đông Giang) là một trong số những hộ dân đầu tiên tham gia ứng dụng các nguyên tắc của phương pháp kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) vào cây lúa nước kể từ năm 2012. Đây là chương trình thuộc dự án “Cải thiện an ninh lương thực cho hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam” do Sở NN&PTNT phối hợp với Tổ chức Cứu trợ quốc tế Nhật Bản (FIDR) phối hợp triển khai. Thông qua các đợt tập huấn và lớp học hiện trường, anh Hôil Alếp và nhiều hộ dân đã trực tiếp chứng kiến, học hỏi những kỹ thuật canh tác mới mà dự án đã mang lại nên dần tin tưởng và làm theo. Nhà Hôil Alếp có hơn 10 đám ruộng, mỗi vụ trước đây thường gieo gần 3 ang giống nhưng thu hoạch không đủ ăn. Từ khi tham gia dự án, được tiếp cận với phương pháp kỹ thuật canh tác lúa cải tiến như cấy mạ non, cấy 1 cây, cấy thưa; làm cỏ sục bùn; bón phân hữu cơ; quản lý nước hợp lý… đã giúp gia đình Hôil Alếp không chỉ tiết kiệm thời gian mà lượng giống gieo cũng giảm xuống 12 lon, trong khi đó năng suất lúa tăng lên đến gần 50%. “Trước đây mọi người trong thôn trồng lúa không bón phân, không quản lý nước, gieo giống không đồng bộ nên khi cán bộ nông nghiệp bảo bà con làm cách mới không ai tin cả, mình cũng vậy. Nhưng qua vận động thuyết phục, mình cũng làm thử một đám, đến vụ thứ 2 thì làm một nửa diện tích, thấy hiệu quả nên đến vụ thứ 3 mình làm hết diện tích ruộng còn lại. Đến bây giờ gia đình mình không còn lo thiếu lương thực nữa” - anh Hôih Alếp nói.

Dự án “Cải thiện an ninh lương thực cho hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam” đã góp phần thay đổi tập quán canh tác của người dân. Ảnh: VĨNH LỘC
Dự án “Cải thiện an ninh lương thực cho hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam” đã góp phần thay đổi tập quán canh tác của người dân. Ảnh: VĨNH LỘC

Nếu như vụ đầu tiên năm 2012 chỉ có 72 hộ đồng ý làm theo dự án thì đến vụ hè thu năm 2014 số hộ tham gia đã tăng lên 572 hộ ở 22 thôn/12 xã của 3 huyện Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang. Cùng với đó, diện tích đất canh tác theo phương pháp mới cũng tăng từ 1,62ha (năm 2012) lên 53,63ha (năm 2014), năng suất lúa cũng tăng bình quân 8 - 10 tạ/ha, cá biệt một số thôn  tại Nam Giang như Đồng Râm (Thạnh Mỹ) trong vụ đông xuân 2013 - 2014 tăng 22 tạ/ha (từ 43 tạ/ha lên 65 tạ/ha) hay Pà Rồng (Cà Dy) tăng 18 tạ/ha (từ 36 tạ/ha lên 54 tạ/ha)… Ông Trần Út - Phó Giám đốc Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Nam cho rằng, thành công của dự án không chỉ giúp tăng năng suất lúa, tiết giảm chi phí mà còn góp phần thay đổi nhận thức của người dân, thoát khỏi sự phụ thuộc vào tự nhiên trong việc canh tác cây lúa nước. Đặc biệt, dự án đã xây dựng được đội ngũ nông dân nòng cốt tại mỗi địa phương (từ 3 đến 5 người/xã), đây là những người trực tiếp vận động tuyên truyền bà con để tiếp tục duy trì các phương pháp kỹ thuật canh tác mới sau khi dự án kết thúc. “Trên thực tế, rất nhiều diện tích ruộng của bà con ở các vùng khác cũng đã bắt đầu nhân rộng làm theo mô hình này” - ông Trần Út khẳng định.

Hướng đi hiệu quả

Mới đây Sở NN&PTNT phối hợp với FIDR tổ chức hội thảo đánh giá cuối kỳ dự án “Cải thiện an ninh lương thực cho hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam”. Hầu hết ý kiến đều khẳng định việc triển khai áp dụng SRI là hướng đi hợp lý tạo điều kiện để người dân nắm bắt và áp dụng tốt các nguyên tắc kỹ thuật góp phần thay đổi tư duy sản xuất của các nông hộ từ canh tác lúa dựa vào tự nhiên sang canh tác có thâm canh. Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, hiệu quả của dự án là rất rõ nét và cần được nhân rộng ra nhiều nơi, nhất là những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. “Trong chương trình khuyến nông miền núi những năm tới, sở đã quyết định nhân rộng mô hình SRI ra các huyện miền núi khác trong tỉnh như Nam - Bắc Trà My, Phước Sơn…” - ông Muộn khẳng định.

Dù hiệu quả như vậy, nhưng vẫn còn không ít lo ngại từ phía các đại biểu tham dự hội thảo như kinh phí hỗ trợ nông dân nòng cốt; cung cấp giống lúa năng suất cao; vấn đề bình đẳng giới trong sản xuất; đa dạng hóa các loại cây trồng, hoa màu khác ngoài cây lúa nước; cách thức duy trì hoạt động sau khi dự án kết thúc… Tuy nhiên, theo khẳng định của bà Arất Thị Hoa - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Giang, người dân chắc chắn sẽ tiếp tục duy trì phương pháp canh tác mới vì họ nhận thấy được những hiệu quả thiết thực mà dự án đã mang lại. Tại Nam Giang, ngoài những thôn được dự án trực tiếp hỗ trợ thực hiện, đến nay người dân đã tự nhân rộng ra thêm được 6 thôn. Đặc biệt, tại 2 thôn Đồng Râm và Pà Rồng các nông dân nòng cốt đã đứng ra hướng dẫn bà con canh tác theo những phương pháp kỹ thuật SRI mà không cần sự trợ giúp của cán bộ chuyên môn. “Dự án chỉ mang tới kỹ thuật cho người nông dân nên khi dự án kết thúc người dân cũng sẽ tiếp tục ứng dụng những kỹ thuật này vào đồng ruộng. Điều này hoàn toàn khác với những dự án khác là hỗ trợ con giống, cây trồng, tiền bạc…, đến khi dự án kết thúc thì người dân không còn tiếp tục triển khai” - bà Hoa so sánh.

Bà Nobuko Otsuki - Trưởng đại diện FIDR tại Việt Nam cho biết, việc triển khai dự án có thời hạn 3 năm (2012 - 2014), mục đích nhằm hướng đến cải thiện an ninh lương thực, xây dựng mô hình sản xuất phù hợp cho chính quyền địa phương trong việc nâng cao năng suất lúa tại chỗ và tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan sau này. Đặc biệt, qua những ý kiến đề xuất tại hội thảo sẽ là cơ sở để FIDR tham khảo và có những cân nhắc, quan tâm, cải thiện tốt hơn hiệu quả của dự án trong thời gian tới.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC