Bảo vệ sức khỏe khi giao mùa

TÂM AN 01/10/2014 09:37

Thời tiết chuyển mùa nóng lạnh đột ngột kèm theo mưa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút gây bệnh phát triển mạnh. Theo các chuyên gia y tế, ai cũng nên tự “bắt mạch” bệnh cho chính mình trước khi đến bác sĩ.

Bệnh do côn trùng

Đang dọn dẹp nhà cửa thì chị Quân Tố (Quế Xuân 1, Quế Sơn) phát hiện trong nhà có rất nhiều kiến lạ. Quan sát kỹ thì phát hiện kiến ba khoang. Chị nhanh chóng ôm con nhỏ di tản qua nhà ngoại, nhờ người đến vệ sinh nhà cửa, phun thuốc khử độc diệt côn trùng. Vậy nhưng tay chân chị vẫn bị dấu tích từ nọc độc của kiến ba khoang. Do không bị trực tiếp kiến cắn, những biểu hiện bệnh ngoài da của chị Tố nhẹ hơn so với những khuyến cáo về nọc độc của kiến ba khoang. Ngoài da dộp đỏ lên những bọng nước to, thoạt nhìn giống như bệnh zona, chị Tố được tiệm thuốc tây cho toa thuốc tím về bôi ngoài da, nhưng càng lúc những mảng dộp đỏ trên da càng lan rộng. Chị Tố cho biết: “Lúc ban đầu, bác sĩ da liễu khám cũng nói tôi bị zona, sau khi biết trong nhà có xuất hiện kiến ba khoang thì khẳng định tôi bị dính độc của kiến ba khoang. Vì không bị cắn trực tiếp nên mức độ nhẹ. Cũng may là các con tôi không bị gì”. Theo các bác sĩ da liễu, bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng có thể gây thành dịch thường bùng phát vào các tháng 9, 10 và 11 hàng năm. Đây là các tháng hay có mưa, thời tiết nóng ẩm.... côn trùng không có nơi trú ẩn, nên thường trú ngụ trong nhà dân rồi gây bệnh, có thể còn nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, người dân cần phòng, tránh côn trùng đốt.

Phun thuốc ở các chợ để phòng bệnh lây lan từ gia cầm. Ảnh: T.A
Phun thuốc ở các chợ để phòng bệnh lây lan từ gia cầm. Ảnh: T.A

Bác sĩ Nguyễn Thị Phượng, chuyên gia da liễu cho biết, các bệnh nhân đến khám viêm da do côn trùng thời gian này khá nhiều. Phần lớn người bệnh đến khám với biểu hiện rát bỏng, ban đỏ, phù nề, mụn mủ, tổn thương theo hình dải. Hơn 60% bệnh nhân phát bệnh đầu tiên vào buổi sáng. Đặc điểm lâm sàng thường gặp là 80% có tổn thương ở mặt, 100% biểu hiện bằng vết đỏ, nền hơi cộm theo chiều vệt tay dài 1,5cm, rộng 3 - 10mm, trên đó có mụn nước ở giữa, có vùng hơi lõm hình tròn hoặc bầu dục, 100% có cảm giác rát bỏng tại chỗ. Sau khi bị côn trùng tấn công, bệnh nhân thường có biểu hiện lâm sàng giống nhau, với những tổn thương thành dải đỏ, phù. Nhiều trường hợp có mụn nước, mụn mủ ở những vùng da hở. Để phòng bệnh này, bác sĩ Phượng khuyến cáo đối với nhiều người làm việc dưới ánh đèn, tránh quệt tay khi có cảm giác côn trùng rơi vào cổ, mặt. Buối tối khi tắm, rửa, cần chú ý giũ mạnh khăn mặt trước, rồi mới dùng. Vào những ngày mưa to ngập nước, mọi người nên mua sẵn bình thuốc xịt diệt côn trùng. Nếu thấy vùng da rát bỏng, đỏ, nổi mẩn... nên rửa ngay bằng nước muối loãng hay xà phòng... nhằm ngăn không cho nổi phỏng nước, phỏng mủ.

Không nên coi thường khi cảm sốt

Biểu hiện thường gặp ở những trường hợp sốt do vi rút, thường sốt cao từ 380 – 390C, thậm chí 400 - 410C. Trong cơn sốt người bệnh thường mệt mỏi và ít đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol... Các chuyên gia y tế cảnh báo, hiện nay là thời điểm mà nhiều bệnh có nguy cơ bùng phát như đau mắt đỏ, cảm cúm, viêm màng não… bên cạnh đó, dịch cúm lây lan từ gia cầm sang người cũng đang bùng phát. Nhất là với trẻ em sốt có thể là biểu hiện của nhiều loại bệnh nên gia đình tuyệt đối không được tự điều trị cho trẻ mà phải đưa trẻ tới cơ sở y tế khi trẻ sốt cao. Nếu là trẻ nhỏ bị sốt vi rút còn lên cơn co giật liên hồi kèm tình trạng khó thở, không phát hiện đưa ngay đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời rất dễ biến chứng khôn lường như: động kinh, viêm màng não…Thời tiết giao mùa cũng là thời điểm người dân rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa... Nguyên nhân được các bác sĩ đưa ra là thời tiết đang thay đổi, nhiệt độ trong ngày chênh lệch cao, sáng và chiều tối lạnh trong khi buổi trưa lại nóng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và vi rút gây bệnh phát triển. Không chỉ trẻ nhỏ mà người cao tuổi cũng là đối tượng rất dễ nhiễm bệnh do sự biến đổi của thời tiết. Những ngày này, số lượng người bệnh nội trú tại Lão khoa - Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh tăng khá cao với rất nhiều loại bệnh: mệt mỏi, đau nhức xương khớp… Có không ít người già bị bệnh đột ngột do đi tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng quá sớm hoặc tập buổi tối quá muộn. Khi tập thể dục ngoài trời như đi bộ, chạy bộ, dưỡng sinh... rất dễ bị nhiễm lạnh, viêm phổi, thậm chí bị đột quỵ với các triệu chứng tức thời như nói ngọng, cấm khẩu, méo mồm.

Các bác sĩ y tế cộng đồng khuyến cáo, để phòng tránh, hiện nay có nhiều giải pháp, trong đó tiêm vắc xin phòng một số bệnh cho trẻ nhỏ. Đồng thời biện pháp phòng bệnh hữu hiệu cho trẻ em và người lớn là luôn giữ ấm chân khi thời tiết chuyển mùa.

TÂM AN

TÂM AN