Hàng không Pháp tê liệt vì đình công
Cuộc đình công của phi công hãng Hàng không Pháp Air France diễn ra hơn 10 ngày khiến hàng nghìn chuyến bay nội địa và quốc tế, đến và đi từ các sân bay Pháp, bị hủy chuyến. Trong đó, hơn 1.000 hành khách của hãng Hàng không Vietnam Airlines bị ảnh hưởng.
Air France là hãng hàng không lớn nhất của Pháp và lớn thứ hai của châu Âu. Mỗi ngày, Air France thực hiện trung bình khoảng 1.000 chuyến bay trên khắp thế giới nên việc đình công của phi công Air France đã đảo lộn hoạt động vận chuyển hàng không không chỉ tại nước Pháp mà một phần châu Âu và thế giới. Bà Catherine Jude, Giám đốc phụ trách các hoạt động của Air France cho biết, kể từ ngày 17.9, hãng chỉ có thể vận hành khoảng 48% số chuyến bay vì khoảng 60% phi công của hãng từ chối làm việc. Tổng giám đốc Air France - Frederic Gagey ước tính mỗi ngày hãng phải chịu thiệt hại tài chính rất nặng nề, ước 13 - 19 triệu USD do cuộc đình công trên.
phi công Air France đình công. |
Thủ tướng Pháp, Manuel Valls lên tiếng kêu gọi chấm dứt cuộc đình công và khuyến cáo rằng, các cuộc đình công như thế không những ảnh hưởng nặng nề đến tài chính của hãng hàng không mà còn tác hại đến sức thu hút của nước Pháp, hình ảnh của nước Pháp. Do vậy, “Cuộc đình công phải chấm dứt. Tôi tin tưởng là mọi người tìm được lối ra khỏi cuộc tranh chấp càng nhanh càng tốt. Các phi công và các bên nên ngồi vào bàn đàm phán và thể hiện thiện chí để giải quyết tình hình đảo lộn đường hàng không của Pháp và nhiều nước khác”- Thủ tướng Pháp nói.
Nguyên nhân cuộc đình công kéo dài nhất kể từ năm 1998, lần này xuất phát từ kế hoạch phát triển Transavia, nhánh hàng không giá rẻ (low cost) của Air France ở châu Âu kể từ năm 2015 và sẽ thu dụng phi công và nhân viên tại chỗ, giá rẻ hơn. Air France đang cạnh tranh dữ dội từ nhiều hãng hàng không giá rẻ như Easyjet, Ryanair, Vueling. Transavia hiện có 41 máy bay, thực hiện vận chuyển khoảng 8,9 triệu hành khách mỗi năm giữa Pháp và Hà Lan. Air France đang lên kế hoạch bắt tay với hãng hàng không Hoàng gia Hà Lan đầu tư khoảng 1 tỷ euro để nâng số máy bay của hãng hàng không giá rẻ lên con số 100 máy bay và thực hiện vận chuyển 20 triệu hành khách/năm vào năm 2017. Do đó, các phi công Air France lo ngại kế hoạch trên khiến nhiều người mất việc làm, hoặc thu nhập của họ giảm mạnh, hiện lên đến 250.000 euro/năm.
Mary Cluck, một hành khách Anh bị mắc kẹt tại sân bay Paris (Pháp) nói: “Tôi không biết chuyện gì xảy ra nhưng phải mất thêm nhiều giờ ở sân bay Pháp để trở về nước là quá thất vọng, nhiều hành khách rất bực bội”. Một hành khách khác cho biết, thật mệt mỏi khi phải chờ đợi ở sân bay Charles de Gaulle (Pháp) cả ngày trời, sau khi trở về từ một chuyến du lịch dài ngày.
Trong động thái nhằm thuyết phục nghiệp đoàn phi công chấm dứt cuộc đình công, ban lãnh đạo Air France đã thông báo hủy kế hoạch mở rộng chi nhánh hàng không giá rẻ Transavia ở châu Âu, song vẫn theo đuổi việc phát triển hàng không giá rẻ ở thị trường trong nước. Tuy nhiên, nghiệp đoàn phi công của Air France không chấp nhận sự nhượng bộ này và cho biết, sẽ tiếp tục đình công.
NAM VIỆT