Vi phạm trong hoạt động khoáng sản là hành vi rút ruột tài sản quốc gia, cần phải truy tố trách nhiệm hình sự để chấn chỉnh
(QNO) - Sáng nay 29.9, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp thứ 31 dưới hình thức trực tuyến toàn quốc chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Minh Quang và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình về kết quả thực hiện đối với các nội dung chất vấn trước đó của các đại biểu Quốc hội. Đồng thời giải trình về những giải pháp thực hiện hiệu quả đối với lĩnh vực ngành trong thời gian đến. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn. Tại điểm cầu Quảng Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải; Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trần Xuân Vinh cùng chủ trì hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở ngành của tỉnh tham dự.
Trong buổi sáng, các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn và nghe trả lời cụ thể đối với các chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Minh Quang liên quan đến các nội dung như: lý do chậm thực hiện các hướng dẫn liên quan đến quy trình ký quỹ giao đất và thuê đất, bảng giá và khung giá đất của Chính phủ; những tồn tại, tiêu cực, bức xúc trong công tác cấp sổ đỏ cho người dân, nhất là người dân ở các thành phố lớn; tình trạng khai thác cát sỏi trên sông vẫn còn phức tạp, đe dọa nghiêm trọng đến đời sống, an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân; tình trạng cấp đất, lãng phí đất đai ở các lâm trường, nông trường quốc doanh; kết quả xử lý các vụ việc vi phạm trong hoạt động khoáng sản; giải quyết các khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng, kéo dài; trách nhiệm của Bộ trưởng đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân..
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương - Ủy viên Thường trực Quốc hội chất vấn: “Kết quả xử lý các vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản đã được Bộ thực hiện đến đâu. Có sự tiếp tay, thông đồng của cán bộ đối với các đối tượng vi phạm hay không? Cứ kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, của tổ chức, xử lý khiển trách, vi phạm hành chính thì quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Đây phải được xem là hành vi rút ruột tài sản quốc gia, cần phải xử lý nghiêm, truy tố trách nhiệm hình sự thì mới chấn chỉnh được”.
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trần Xuân Vinh phát biểu: “Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản đã hết thời hạn cấp phép nhưng Bộ Tài nguyên - môi trường vẫn chưa có văn bản hướng dẫn xử lý cụ thể khiến các địa phương gặp nhiều lúng túng trong công tác quản lý nhà nước, doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động khai thác. Vậy nguyên nhân do đâu, trách nhiệm của Bộ trưởng đối với vấn đề này như thế nào?”. Đồng tình về tình hình thực tế tồn tại trong hoạt động khoáng sản như đại biểu Trần Xuân Vinh nêu, ông Nguyễn Minh Quang cũng khẳng định: “Ngoài những mỏ khoáng sản hiện nay đang làm, đối với những mỏ đã hết hạn cấp phép cần có đánh giá lại trữ lượng, nếu đảm bảo các yếu tố quy định sẽ tiếp tục cấp phép và ngược lại, việc cấp phép cần hết sức hạn chế”.
Liên quan đến tình hình khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai còn tồn đọng, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân, ông Huỳnh Phong Tranh - Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu giải trình làm rõ thêm: Hiện nay, diễn biến tình hình khiếu nại, tố cáo chung, số lượng đơn giảm nhưng tính chất khá phức tạp, số đoàn đông người tăng. Riêng khiếu nại về đất đai, năm 2014, có 82.000 đơn, trong đó 36.000 đơn khiếu nại đủ thẩm quyền, 68% khiếu nại chung. Nguyên nhân khiếu nại là dù luật đã được điều chỉnh, hoàn thiện như việc vận dụng chưa được kịp thời; công tác quản lý nhà nước nhiều sơ hở, trình độ của cán bộ xử lý, nhất là cán bộ tiếp công dân còn hạn chế; nhận thức của người dân đối với quyền khiếu nại, tố cáo và tình trạng khiếu nại không đúng thẩm quyền.
“Để giải quyết hiệu quả việc khiếu nại, tố cáo thời gian đến, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, chất lượng văn bản ban hành, đánh giá kết quả thực hiện, khắc phục các tồn tại. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan có thẩm quyền đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chú trọng đối thoại để giải quyết khiếu nại cũng như đẩy mạnh tăng cường giáo dục pháp luật cho người dân. Đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và cần có sự phối hợp tích cực với các ngành cùng giải quyết” - ông Huỳnh Phong Tranh nói.
Phát biểu kết luận buổi chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã bám sát các yêu cầu đặt ra, làm rõ thêm các nguyên nhân, tồn tại, hạn chế, trách nhiệm về những thiếu sót của Bộ, ngành. Tuy nhiên, trước yêu cầu của cử tri và tình hình chung đặt ra, Bộ Tài nguyên - môi trường cần phối hợp với các đơn vị chức năng tham gia đề ra giải pháp, giải quyết dứt điểm các vụ việc còn tồn đọng; kịp thời tham mưu hoàn thiện các văn bản, hướng dẫn các địa phương thực hiện. Đồng thời, đảm bảo giữ vững diện tích đất trồng lúa, chuyển đổi cây trồng trên đất gắn với nhu cầu phát triển, gắn với quy hoạch sử dụng đất, tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện; đẩy mạnh điều tra cơ bản về đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; tập trung tham mưu tháo gỡ các vướng mắc trong công tác cấp sổ đỏ, khắc phục đo đạc sai, cấp sổ đỏ sai; nghiêm túc xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, tăng cường công tác thanh tra, xử lý các đối tượng vi phạm...
NGUYÊN ĐOAN