Ngọn lửa lòng dân

NGUYỄN TAM MỸ 29/09/2014 09:14

Sáng 1.10.1954, hàng nghìn người dân Tiên Phước kéo về khu vực chợ Cây Cốc, xã Tiên Thọ, đấu tranh, lên án Mỹ - Diệm vi phạm Hiệp định Genève và có các hành động bắt bớ, đánh đập, trả thù những người đã tham gia kháng chiến cũ... Không sao biện hộ được cho những hành động tàn ác đã gây ra, bọn địch đã dùng súng đạn đàn áp cuộc đấu tranh...

Tượng đài tưởng niệm cuộc đấu tranh Cây Cốc, xã Tiên Thọ, Tiên Phước. Ảnh: PHẠM HOÀNG
Tượng đài tưởng niệm cuộc đấu tranh Cây Cốc, xã Tiên Thọ, Tiên Phước. Ảnh: PHẠM HOÀNG

Lửa đấu tranh

Cuối tháng 9.1954, sau khi thiết lập được bộ máy chính quyền cấp cơ sở ở các huyện đồng bằng, chính quyền Ngô Đình Diệm đưa Tiểu đoàn 601 lên “tiếp quản” vùng trung du Tiên Phước, đồn trú tại khu vực chợ Cây Cốc. Bọn chúng truy lùng những người từng tham gia “kháng chiến chín năm” nhằm bóc gỡ hết các cơ sở cách mạng đã chuyển sang hoạt động bí mật.

Bọn chỉ huy Tiểu đoàn 601 bắt đồng chí Nguyễn Thông, cán bộ kháng chiến ở xã Tiên Thọ, đem về nhà tên Ngô Ngọc Hường đánh đập dã man. Dân chúng chung quanh nghe tiếng bọn địch la hét, hỏi cung, cùng nhau kéo đến đấu tranh đòi chúng phải chấm dứt hành động ngang ngược và không được bắt giữ người tùy tiện, vô cớ. Run sợ trước khí thế đấu tranh của nhân dân, bọn chúng buộc phải thả đồng chí Nguyễn Thông. Sáng hôm sau, khi đám đông giải tán bọn chúng lại đến bắt đồng chí Nguyễn Thông và một số người khác đem về nhà tên Ngô Ngọc Hường giam giữ, tra tấn. Dân chúng lại tập trung đến, lên án thái độ tráo trở, lật lọng, không nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định Gevève của địch. Cuộc đấu tranh Cây Cốc chính thức nổ ra. Bọn địch vội cấp báo với chính quyền tề ngụy ở tỉnh Quảng Nam. Sáng sớm ngày 1.10.1954, Tiểu đoàn 74 do Đại úy Lê Văn Bường chỉ huy đã có mặt tại Cây Cốc. Ngoài 6 xe GMC chở lính, bọn chúng còn huy động thêm hai xe tăng có gắn súng đại liên.

Đưa quân đội tràn vào “tiếp quản” Quảng Nam chưa đầy một tháng, Mỹ - Diệm đã dùng súng đạn, xe tăng thiết giáp và cả máy bay gây ra 3 vụ thảm sát tàn khốc ở Chợ Được, Chiên Đàn và Cây Cốc. Đặc biệt là qua vụ thảm sát dã man ở Cây Cốc, Mỹ - Diệm đã tự bóc trần bộ mặt giả nhân giả nghĩa, tự bóc trần bản chất bạo tàn khát máu của cái gọi là “chính thể quốc gia” và nền “cộng hòa”. Và cán bộ, nhân dân Tiên Phước nói chung, Tiên Thọ nói riêng, đã nhất tề đứng lên chống lại kẻ thù. Khi đất nước hòa bình thống nhất, Tiên Thọ đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trên tuyến đường Tam Kỳ - Tiên Phước, bọn chúng bố trí một chiếc xe tăng cách chợ Cây Cốc về hướng đông chừng 100m, chiếc còn lại đỗ cách chợ Cây Cốc về phía tây cũng chừng 100m. Bọn chúng còn chuẩn bị sẵn gộc tre, củi khúc, dùi cui và súng ống... Rút kinh nghiệm từ cuộc đấu tranh ở Chợ Được, Chiên Đàn, Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước phân công cán bộ đảng viên cốt cán tìm cách ngăn cản đồng bào không nên manh động. Tuy nhiên, trước hành động ngang ngược, lật lọng của kẻ thù, mọi người đã bất chấp tất cả... và làn sóng đấu tranh bốc cao ngút trời. Từ khắp nơi trong huyện, đoàn người biểu tình ùn ùn kéo về khu vực chợ Cây Cốc như nước lũ triều dâng. Với lòng căm phẫn tột độ, đồng bào ở các xã Tiên Châu, Tiên Cảnh, Tiên Kỳ, Tiên Mỹ kéo xuống; ở các xã Tiên An, Tiên Lập, Tiên Lộc kéo qua; ở các xã Tiên Phong và vùng Sơn - Cẩm - Hà... kéo đến. Khoảng 9 giờ sáng 1.10.1954, đã có khoảng 5.000 người tập trung tại khu vực chợ Cây Cốc lên án Mỹ - Diệm vi phạm Hiệp định Genève và có các hành động đê hèn như bắt bớ, đánh đập, trả thù những người đã tham gia kháng chiến... Không sao biện hộ được cho những hành động tàn ác đã gây ra, bọn chúng đã dùng súng đạn đàn áp cuộc đấu tranh...

Ngày không quên

Đã 60 năm trôi qua nhưng người dân Tiên Phước vẫn không sao quên được cái buổi trưa hôm ấy. Theo lệnh của tên Đại úy Lê Văn Bường - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 74, vào lúc 10 giờ ngày 1.10.1954, bọn địch nổ súng đàn áp cuộc  đấu tranh. Hai khẩu đại liên gắn trên hai chiếc xe tăng đồng loạt xả đạn chéo cánh sẻ vào đám đông biểu tình ở bên trong, còn ở bên ngoài bọn lính Tiểu đoàn 74, Tiểu đoàn 601 bao vây xung quanh thành một vòng tròn khép kín từ cầu Vôi sang Quán Rầm, dốc Cây Thuốc Cá đến dốc Đá Chồng và dùng súng tiểu liên, gậy gộc... tấn công những người dân tay không. Bọn chúng bắn những người từ bên trong chạy ra và những người từ bên ngoài xông vào. Cuộc thảm sát kéo dài hơn đến 15 giờ chiều. Khi tiếng súng tạm ngưng, người chết, người bị thương nằm, ngồi ngổn ngang, la liệt trên các đường làng, bãi đất hoang, thửa ruộng cạn... Máu chảy lênh láng, đọng thành những vũng lớn quanh những xác người chồng chất. Cuộc thảm sát vẫn chưa chấm dứt. Bọn lính chia nhau cầm gậy gộc, dùi cui, củi khúc, gộc tre... truy tìm những người bị thương nằm xen lẫn với thi thể, hoặc đang nằm ẩn náu trong các ruộng lúa ba trăng ở cánh đồng cạnh cầu Vôi, các bờ bụi dưới chân núi Sấu để đập cho chết hẳn, không chừa một ai. Hơn 330 người dân Tiên Phước bị kẻ thù sát hại dã man, tàn khốc trong cuộc đấu tranh tại chợ Cây Cốc ngày 1.10.1954.

Để che giấu tội ác tày trời, sau khi gây ra vụ thảm sát man rợ, bọn chúng vội phi tang bằng chứng. Những tên ác ôn khét tiếng chỉ huy bọn lính Tiểu đoàn 74 và Tiểu đoàn 601 đột nhập vào các xóm làng lân cận chợ Cây Cốc, bắt hết thanh niên trai tráng và cả những nông dân khỏe mạnh, mang theo cuốc chỉa, xà beng, xe bò... đi làm “lao công” cho chúng. Và trong hai ngày 2 và 3.10, dưới sự giám sát chặt chẽ của bọn lính, những người bị ép buộc đi làm “lao công” đã phải dọn hết xác người chết chất lên xe bò đem đổ xuống các giao thông hào mà người dân địa phương đào trú ẩn máy bay trong thời kỳ chín năm ở khu vực chợ Cây Cốc để chôn giấu. Có không ít người bị trọng thương, kiệt sức, không kêu rên được nên không bị bọn lính đập chết trong buổi chiều ngày 1.10.1954, cũng bị bọn chúng đem đi chôn sống. Khi phi tang xong bằng chứng của vụ thảm sát man rợ, những người bị bắt ép đi làm “lao công” bị bọn chúng tống lên xe GMC chở ra vùng cát Hương An - Quế Sơn thủ tiêu để bịt đầu mối. Trong số những “lao công” có anh Đặng Soạn linh cảm được điều chẳng lành nên liều chạy thoát và bị bắn chết ngay tại chỗ. Tính cả những người bị bọn chúng đem đi giết lén ở nơi khác trong đêm 3.10.1954, tổng số người bị sát hại trong cuộc thảm sát Cây Cốc không chỉ là 330 người! Bởi sau đó có rất nhiều người không bao giờ trở về nhà nữa.

NGUYỄN TAM MỸ

NGUYỄN TAM MỸ