Cù Lao Chàm sẵn sàng phương án "4 tại chỗ"

VINH ANH 29/09/2014 08:20

Là khu vực được xem là vị trí trọng yếu vào mùa mưa bão nên công tác phòng chống, ứng phó với bão lũ luôn được cán bộ, quân và dân ở Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) đặt lên hàng đầu.

Trong năm 2013, thời tiết ở Cù Lao Chàm diễn biến phức tạp hơn so với năm 2012. Theo báo cáo của UBND xã Tân Hiệp, thiệt hại do bão lũ năm 2013 ước tính khoảng 2 tỷ đồng. Đã có 7 nhà dân bị tốc mái hoàn toàn, 150 nhà tốc mái hiên và công trình phụ, 3 ghe vỡ hoàn toàn cùng nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng… Đặc biệt, năm 2013, xã Tân Hiệp cũng ghi nhận là năm có số người phải di dời tránh bão kỷ lục, nhiều nhất là cơn bão Hải Yến với trên 1.000 hộ dân phải di dời đến các địa điểm tránh trú bão.

Xác định công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ hàng đầu, trước mùa mưa bão, UBND xã Tân Hiệp đã sẵn sàng các phương án. Theo ông Nguyễn Văn An – Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp, hiện nay công tác phòng chống lụt bão đã được địa phương lên kế hoạch chi tiết. Là khu vực đặc thù, dễ bị chia cắt trong mùa mưa bão nên phương án trọng tâm mà địa phương lựa chọn vẫn là phương án “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ). “Ở đây điều kiện cách trở, mùa mưa bão thường xuyên bị chia cắt nên dù có sự chỉ đạo từ đất liền nhưng chúng tôi vẫn phải tự lập, tự chỉ huy và lãnh đạo tại chỗ. Đồng thời các phương án chuẩn bị phải thật sự sẵn sàng, phù hợp, từ lực lượng, phương tiện đến vật tư và hậu cần thiết yếu cho người dân” – ông An nói. Hiện nay, xã đã kiện toàn lại Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn và cũng thành lập đội chuyên trách gồm 15 - 20 người, thường xuyên có mặt để ứng cứu kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.

Để chuẩn bị cho những trường hợp khẩn cấp, Cù Lao Chàm luôn có 3 - 5 tấn gạo dự phòng. Vào mùa mưa bão, số gạo này còn được tăng lên khoảng 5 - 10 tấn. Cùng với đó là các nhu yếu phẩm khác để đảm bảo cho người dân trên đảo sử dụng được từ 15 - 20 ngày trong trường hợp bị chia cắt. Đối với phương tiện tìm kiếm cứu nạn trên đảo, ngoài tàu của lực lượng biên phòng thì xã vận động tàu thuyền của ngư dân tìm kiếm mỗi khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, công tác cứu chữa người bị nạn cũng được địa phương quan tâm. Cùng với đội ngũ y, bác sĩ tại chỗ thì hằng năm từ tháng 10 trở đi, xã đảo Tân Hiệp lại đón đội ngũ bác sĩ được tăng cường từ đất liền ra đảo. Đây là đội ngũ thầy thuốc có kinh nghiệm chuyên môn, có thể đáp ứng việc cứu chữa các ca nguy cấp ngay trên đảo mà không cần đưa vào đất liền. Đặc biệt, phương án sơ tán đã được tính toán và chuẩn bị kỹ càng cho từng cơn bão gần bờ với sức gió cấp 11, 12 đến cấp 15, 16. Khi có bão thì sơ tán dân từ những hộ có nhà tạm bợ đến hộ có nhà kiên cố, hoặc sơ tán tập trung đến các địa điểm tránh trú bão an toàn như khu thiết chế văn hóa thôn và trung đội DKZ thuộc Tiểu đoàn 70, tịnh xá Ngọc Hương, Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm…

VINH ANH

VINH ANH