Chủ động ứng phó với lụt bão - Bài cuối: Hạn chế tác động của thiên tai

QUỐC HẢI 26/09/2014 08:37

  • Chủ động ứng phó với lụt bão - Bài 3: Sống chung với lũ
  • Chủ động ứng phó với lụt bão - Bài 2: Sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm
  • Chủ động ứng phó với lụt bão - Bài 1: Khẩn cấp di dân
  • Chủ động ứng phó với lụt bão - Bài 4: Vùng cao đề phòng ách tắc

Do tác động của biến đổi khí hậu, mỗi mùa mưa bão ngành du lịch Quảng Nam mà chủ yếu là Hội An chịu nhiều thiệt hại. Hiện ngành chức năng và địa phương tập trung đánh giá, triển khai các biện pháp nhằm hạn chế tác động của thiên tai.
Suy giảm nghiêm trọng

Cù Lao Chàm nằm trong vùng biển miền Trung, nơi hàng năm hứng chịu nhiều tác động của thiên tai. ThS. Lê Ngọc Thảo - cán bộ Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết: “Bão thường gây sóng lớn, nước dâng phá hủy trực tiếp các vùng rạn nông và trước tiên là bẻ gãy các tập đoàn san hô dạng cành. Sau các cơn bão lớn, tỷ lệ san hô chết tăng lên rõ rệt, đồng thời cũng có sự thay đổi đáng kể về cấu trúc rạn”. Nhiều khu vực lặn ngắm san hô phục vụ khách du lịch đã xảy ra tình trạng này. Kết quả khảo sát mới đây cho thấy, độ phủ san hô cứng trong Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm giảm trung bình 6,5% so với năm 2004, trong đó giảm cao nhất tại Vũng Đá Bàn 25,6%, Vũng Đá Đen 14,4% và Bãi Hương 5,6%. Nguyên nhân chủ yếu là vì ảnh hưởng của các cơn bão, nước biển dâng.

Huy động lực lượng kè chắn sóng biển. Ảnh: Q.H
Huy động lực lượng kè chắn sóng biển. Ảnh: Q.H

Qua khảo sát và thu thập thông tin từ người dân ven biển, Văn phòng Biến đổi khí hậu (thuộc Sở Tài nguyên – môi trường) cho biết, những năm qua, nước biển dâng kết hợp triều cường, bão lụt đã làm thu hẹp diện tích các bãi biển từ Điện Bàn đến Núi Thành. Trong đó, khu vực suy giảm nghiêm trọng nhất là bãi biển Cửa Đại - Hội An. Chỉ trong mùa mưa bão từ năm 2009 đến nay, giao thông tại khu vực ven biển Hội An bị hư hỏng nặng; bờ biển Cửa Đại bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của nhiều doanh nghiệp. Không chỉ vậy, Di sản văn hóa thế giới Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, địa hình thấp, thường bị ngập lụt vào mùa mưa bão; thời gian ngập trong nước cũng kéo dài, gây hư hại nhiều công trình kiến trúc cổ. Thêm vào đó, cùng với Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, hệ sinh thái đất ngập nước hạ lưu sông Thu Bồn, loại tài nguyên du lịch đặc biệt của Hội An cũng đang bị tác động. Ông Trần Ngọc Văn - Phó Văn phòng biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên – môi trường) khẳng định: “Nước biển dâng kết hợp với triều cường được xem là nguyên nhân trực tiếp tác động đến hạ tầng du lịch”.

Chủ động ứng phó

Kè biển Cửa Đại: Chạy đua với thời gian
Những ngày qua bờ biển Cửa Đại (Hội An) tiếp tục sạt lở nghiêm trọng. Chính quyền địa phương phải chạy đua với thời gian để kè chắn.
UBND phường Cửa Đại đã vận động nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn sẵn sàng tham gia kè tạm do tại khu vực bờ biển Cửa Đại tiếp tục sạt lở nghiêm trọng. Là đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai, ông Phạm Văn Điểu - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng Hội An cho biết: “Vừa rồi thành phố đã thống nhất phương án đầu tư khẩn cấp. UBND tỉnh hỗ trợ cho thành phố 10 tỷ đồng làm phương án kè mềm và yêu cầu phải đầu tư ngay và hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2014. Do dự án quá khẩn thiết và cấp bách nên kè dùng bao tải địa kỹ thuật, vật liệu của Hà Lan”.
Theo đó, kè được áp mái nghiêng, sử dụng bao địa kỹ thuật 2 lớp nằm hoàn toàn trên cát; một lớp có khả năng chống tia cực tím, chịu ánh mặt trời, một lớp chịu lực, chắn sóng. Ngay trong ngày 22.9, Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng Hội An đã bàn giao địa điểm cho đơn vị thi công tổ chức cắm tiêu mốc tiến hành kè chắn. Toàn bộ công trình sử dụng khoảng 3.000 bao địa kỹ thuật, thời gian bảo hành tối thiểu 10 năm. Khó khăn hiện nay là mùa mưa bão đã đến gần, vật liệu phải mua từ Hà Lan, mỗi chuyến vận chuyển bằng máy bay chỉ vài trăm bao nhưng ông Phạm Văn Điểu khẳng định, công trình sẽ hoàn thành chậm nhất trong vòng 45 ngày.

Theo ông Trần Ngọc Văn, dù chưa có kết quả nghiên cứu đánh giá tác động cụ thể nhưng theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Bộ Tài nguyên – môi trường, đến năm 2100, nước biển trong khu vực dâng lên 1m, sẽ làm xói mòn, sạt lở đất ven biển, vùng hạ lưu các sông, gây tác động không nhỏ đến hệ sinh thái”. Trước thực trạng này, ngành du lịch Quảng Nam và TP.Hội An đã và đang tập trung nâng cao nhận thức xã hội, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý về tác động của nước biển dâng đối với hoạt động phát triển du lịch. Thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện nhằm truyền đi thông điệp rõ ràng về nguy cơ và các giải pháp ứng phó. Các chương trình truyền thông chuyên đề về nước biển dâng, tác động của nước biển dâng đối với hoạt động phát triển du lịch cũng đã được xây dựng.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, việc tăng cường nghiên cứu quy hoạch và thiết kế các công trình du lịch thích ứng với tác động của nước biển dâng đang được tính đến. Đồng thời thành phố cũng có cơ chế chính sách nghiên cứu chuyển giao công nghệ về vật liệu xây dựng đảm bảo độ bền, thích ứng với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là đối với các công trình du lịch ven biển và hải đảo.

Để ứng phó với tác động của nước biển dâng, các đơn vị kinh doanh lữ hành, khách sạn, kể cả khách du lịch và cộng đồng dân cư cũng cần được trang bị kiến thức, phương thức ứng phó và có phương án cụ thể trước tình trạng nước biển dâng dưới tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra hằng ngày.

QUỐC HẢI

QUỐC HẢI