Ứng dụng chế phẩm vi sinh vào đời sống

BÍCH LIÊN 25/09/2014 13:53

Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp và xử lý môi trường” do Trung tâm Ứng dụng và thông tin KH-CN Quảng Nam chủ trì bước đầu phục vụ tích cực cho nền sản xuất nông nghiệp và xử lý môi trường tại Quảng Nam.

Ứng dụng công nghệ vi sinh sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Ảnh: BÍCH LIÊN
Ứng dụng công nghệ vi sinh sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Ảnh: BÍCH LIÊN

Sản xuất chế phẩm

Thực hiện từ năm 2011, dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp và xử lý môi trường” đã xây dựng nhiều mô hình công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh tại Quảng Nam. Cụ thể, dự án đã sản xuất được chế phẩm vi sinh xử lý chất thải hữu cơ (dạng bột), chế phẩm vi sinh xử lý chất hữu cơ (dạng dịch) và chế phẩm nấm có ích (100kg). Hơn 2.000kg chế phẩm vi sinh xử lý chất thải hữu cơ dạng bột đã được sản xuất phục vụ cho việc xử lý rác thải hữu cơ tại 2 bãi rác Tam Xuân 1 (Núi Thành) và Đại Hiệp (Đại Lộc). Hơn 2.000kg chế phẩm này còn được phục vụ xử lý nước thải công nghiệp tại một số nhà máy thủy hải sản như: Công ty TNHH Đông Phương, Đại Thành, Đông An và Việt Quang. Trong khi đó, các doanh nghiệp khác như: Công ty CP Ô tô Chu Lai - Trường Hải; Công ty Đồng Tâm Miền Trung; TNHH Phố Trăng, Công ty May Huy Hoàng… cũng đã thí điểm sử dụng chế phẩm vi sinh dạng bột này vào việc xử lý nước thải sinh hoạt tại doanh nghiệp. Và 1.000 lít chế phẩm vi sinh dạng dịch, sản phẩm từ dự án đã phục vụ xử lý mùi hôi tại 10 gia trại chăn nuôi của 2 huyện Điện Bàn và Tiên Phước.  

TS. Hồ Tấn Quyền - Chủ nhiệm dự án cho hay, qua thời gian triển khai, ban chủ nhiệm dự án đã tiếp nhận và làm chủ công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh do Công ty CP Công nghệ vi sinh và môi trường (TP.Hà Nội) chuyển giao công nghệ. Xưởng sản xuất các loại chế phẩm vi sinh đã được xây dựng tại Quảng Nam với quy mô sản xuất 18 tấn chế phẩm/năm với dây chuyền sản xuất, đóng gói thành phẩm. Dự án cũng đã xây dựng được 5 quy trình công nghệ sản xuất các chế phẩm vi sinh (TAMIC) dạng bột và dạng dung dịch phục vụ sản xuất nông nghiệp và xử lý môi trường. Nhiều lớp tập huấn hướng dẫn quy trình sử dụng chế phẩm cho người dân, doanh nghiệp, các phòng ban chức năng địa phương đã được triển khai. “Chúng tôi đã tiếp nhận quy trình bảo quản giống gốc từ phía cơ quan chuyển giao. Sản phẩm đã được tiến hành đăng ký tiêu chuẩn chất lượng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ nhằm bảo hộ thương hiệu” - TS. Quyền nói.

Hiệu quả ứng dụng cao

Theo ban chủ nhiệm dự án, hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội sau khi ứng dụng chế phẩm vi sinh dạng bột để xử lý rác thải tại 2 bãi rác Tam Xuân 1 và Đại Hiệp rất khả quan. Để xử lý rác thải, cần sử dụng tỷ lệ chế phẩm tương đương với tỷ lệ nước sạch là 1: 100 (tức 1kg chế phẩm/100 lít nước), phun trực tiếp vào bãi rác theo từng lớp, cuối cùng phủ lên một lớp đất mỏng khoảng 20 - 25cm, thực hiện lớp này đến lớp khác cho tới khi đầy bãi. Nếu trước, để xử lý rác thải, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Quảng Nam phải sử dụng lượng đất đắp hàng ngày là 60m3, thì sau khi ứng dụng công nghệ vi sinh, lượng đất đắp giảm đi 50% so với trước. Theo tính toán, nếu áp dụng công nghệ này, công ty sẽ tiết kiệm được 600.000 đồng/ngày và tiết kiệm 192 triệu đồng/năm. Quan trọng hơn, việc ứng dụng công nghệ này giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt là mùi hôi, hạn chế sử dụng hóa chất trong quá trình xử lý mùi, lại có thể tận dụng lượng rác thải, ủ phân hữu cơ để giúp công ty có thêm nguồn lợi nhuận khi đưa sản phẩm phân bón hữu cơ ra thị trường.

Tại 2 huyện Điện Bàn và Tiên Phước, hàng chục hộ dân sau khi ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý môi trường chăn nuôi đã đánh giá cao về hiệu quả mô hình. Gia trại chăn nuôi gia súc của hộ ông Nguyễn Văn Ba (xã Điện Thọ) có quy mô tổng đàn hơn 50 con cho hay, từ khi tiếp cận với chế phẩm vi sinh này, gia trại của tôi đã giảm đáng kể mùi hôi, môi trường xung quanh không còn bị ảnh hưởng như trước đây. Tuy nhiên, để sản phẩm trở nên phổ biến, được sử dụng rộng rãi thì giá thành cần rẻ hơn để nông dân ai cũng có thể tiếp cận được. Ông Lê Văn Ngọ, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Điện Bàn thông tin, sau khi triển khai thí điểm tại 5 gia trại chăn nuôi heo, gà vịt ở Điện Dương và Điện Thọ, qua kiểm tra thực tế, hàm lượng H2S, chất gây mùi hôi tại các chuồng trại giảm đáng kể, mùi hắc cũng ít đi và sau 2 tháng sử dụng chế phẩm thì mùi hôi tại các khu vực chăn nuôi được cải thiện hẳn.

Tại buổi nghiệm thu mới đây, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN nhận định, để “thương mại hóa” nghiên cứu, cần có sự so sánh, đối chiếu để thấy rõ được hiệu quả của chế phẩm TAMIC so với các chế phẩm vi sinh khác. Việc công bố chất lượng hàng hóa, quảng bá nhãn hiệu hàng hóa… cũng là cơ sở để định hướng triển khai nhân rộng. Ngoài ra, việc lập quy trình xử lý, ứng dụng chế phẩm vi sinh để phổ biến, tập huấn rộng rãi cho người sử dụng cần được chú trọng.

BÍCH LIÊN

BÍCH LIÊN