Kỳ vọng du lịch Tây Giang

H.LIÊN - H.YÊN 25/09/2014 09:08

Chủ trương khai thác tiềm năng để đầu tư phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng đang là hướng đi được huyện Tây Giang chú trọng và đặt nhiều kỳ vọng.

Tiềm năng

Tây Giang sở hữu thiên nhiên khí hậu mát mẻ, núi rừng quanh năm được bao phủ bởi sương mù buổi sớm và chiều. Đây còn là địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh với diện tích rừng nguyên sinh rộng lớn; hệ thống sông suối, khe, thác ghềnh đẹp. Cách trung tâm huyện chừng 2km, quần thể với suối, rừng và cảnh quan thiên nhiên hữu tình là điểm du lịch sinh thái lý tưởng. Nếu dòng Tr’lêê hiền hòa, uốn lượn, được bao phủ bởi màn sương mù diễm ảo mỗi sớm chiều thì dòng thác Nal hùng vĩ được hợp thành từ nhiều con suối nhỏ chảy từ độ cao 30m giữa nhiều thác ghềnh… Vùng cao Tây Giang còn có nhiều thắng cảnh đẹp hoang sơ, kỳ vĩ như: thác ghềnh Arầng 9 tầng, rừng pơmu nguyên thủy, cây đa nghìn năm tuổi tại xã A Xan, làng Ađuôl tại xã Tr’Hy, La’a, Aur tại xã A Vương, đồi thông nguyên sinh hay ruộng Chuôr tại xã A Xan - một danh thắng cấp tỉnh, bao bọc làng bản giữa mây ngàn gió núi.

Xanh thắm các bản làng vùng biên Tây Giang. Ảnh: Alăng Ngước
Xanh thắm các bản làng vùng biên Tây Giang. Ảnh: Alăng Ngước

Cùng với tiềm năng du lịch sinh thái với vệt danh lam, thắng cảnh dày đặc, dấu ấn văn hóa làng truyền thống Cơ Tu là điểm nhấn trong chiến lược phát triển du lịch. Tây Giang chủ trương xây dựng cụm thôn: Pơ’ning, R’cung và Tà Vàng - ba thôn văn hóa điển hình trở thành những hạt nhân du lịch cộng đồng. Bà Võ Thị Nguyệt - cán bộ phụ trách du lịch (Phòng VH-TT huyện Tây Giang) thông tin, hiện Pơ’ning và Tà Vàng có tổng cộng 2 gươl xã, 9 gươl tộc họ. Không gian văn hóa làng cổ sẽ trở thành điểm dừng chân lưu trú của du khách muốn khám phá bản sắc văn hóa tộc người bên cạnh tận hưởng thiên nhiên. Đến nay, đề án Phát triển du lịch huyện Tây Giang đến năm 2015, tầm nhìn 2020 đã được thông qua. Theo đề án, các làng cổ trên đã được huyện đầu tư nhiều hạng mục công trình, nhiều thiết chế văn hóa có giá trị bên cạnh phục dựng một số loại hình kiến trúc, điêu khắc như gươl làng, nhà dài, nhà sàn… Không gian bảo tồn Làng văn hóa truyền thống Cơ Tu tại khu vực trung tâm huyện cũng được sửa sang, nâng cấp nhiều hạng mục, công trình cùng với đầy đủ hệ thống gươl làng, nhà sàn, nhà dài, công trình phục dựng nhà mồ nguyên thủy… phục vụ cho việc tham quan, khám phá vẻ đẹp núi rừng của du khách trong nước lẫn quốc tế. “Làng văn hóa truyền thống Cơ Tu là cách thức bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của tộc người Cơ Tu bên cạnh các làng “sống” Pơ’ning, Tà Vàng và R’cung, vốn là không gian sinh tồn đồng thời cũng là một xã hội thu nhỏ của người Cơ Tu” - bà Nguyệt cho hay.

Sức mạnh cộng đồng đã tạo lợi thế giúp Tây Giang bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Sức mạnh cộng đồng đã tạo lợi thế giúp Tây Giang bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Kỳ vọng

Theo bà Võ Thị Nguyệt, lâu nay du khách tới Pơr’ning và một số thắng cảnh, di tích khác trên địa bàn huyện chủ yếu theo dạng “phượt” để khám phá bản sắc văn hóa núi rừng. Du khách có thể tham gia cùng đồng bào đi trỉa lúa, thăm rẫy, sinh hoạt trong gươl, thưởng thức văn hóa Cơ Tu qua những đêm lửa trại, múa tâng tung da dá… Tuy nhiên, có một thực tế, cơ hội lưu trú theo dạng homestay của du khách tại Pơr’ning hoặc các điểm khác lại rất “khiêm tốn” bởi nhiều lẽ: các cụm thôn văn hóa và các điểm lưu trú, dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là với du khách quốc tế vốn rất khắt khe về tiện ích lưu trú, môi trường, vệ sinh. Vì những lẽ trên, theo bà Nguyệt, Pơr’ning đang được trùng tu, quy hoạch lại hệ thống điện nước bài bản. Ngành văn hóa cũng đang tập trung khảo sát, lấy ý kiến của du khách làm cơ sở cho việc đầu tư, xây dựng hệ thống lưu trú tiện ích đáp ứng nhu cầu tại làng. “Để du lịch “sống” được, trước mắt phải tập trung mạnh cho Pơr’ning, cái hồn du lịch Tây Giang. Khi Pơr’ning đã có thể thu hút du khách, có thể nuôi sống du lịch, huyện sẽ đầu tư mạnh ra xung quanh, tạo sự lan tỏa ra các vùng lân cận” - bà Nguyệt nói. Cũng theo bà Nguyệt, nghề dệt thổ cẩm của địa phương cũng đã được khôi phục, phát triển mạnh ở Tà Vàng. Người dân được đào tạo và phát triển kỹ năng dệt thổ cẩm, học cách làm sản phẩm phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, các đặc sản của Tây Giang như đẳng sâm, ba kích, rượu cần, rượu tà vạt… đang được định hướng tạo sản phẩm du lịch.

Đến với các làng bản, du khách có thể tham gia sinh hoạt cùng đồng bào.
Đến với các làng bản, du khách có thể tham gia sinh hoạt cùng đồng bào.

Thời gian qua, đã có nhiều khách sạn, công ty lữ hành đặt chân đến khảo sát, thăm dò tiềm năng du lịch Tây Giang để có hướng kết nối tour. Tổ chức phi chính phủ Đức cũng đang thăm dò, khảo sát để có định hướng hỗ trợ quảng bá du lịch Tây Giang. Một số khách sạn, công ty du lịch lữ hành như khách sạn Victoria (Hội An), Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Lê Nguyễn (khảo sát tour du lịch bằng motorbike), Events Tour, V-tour… cũng đã nhiều lần khảo sát, thăm dò tiềm năng, thế mạnh cũng như khó khăn trong phát triển du lịch vùng cao này. Theo ghi nhận, du khách đến Tây Giang tỏ ra thích thú bởi bản sắc Cơ Tu vùng miền được giữ gìn, bảo tồn khá đậm nét.

Cần sự chung tay

“Chủ trương của huyện trong xây dựng và phát triển du lịch là cố gắng giữ nguyên gốc Cơ Tu chứ không làm mất đi bản sắc. Vì vậy, từ cách phục dựng, làm mới các thiết chế văn hóa cho tới việc bài trí bên trong các gươl, nhà sàn, nhà dài… sẽ cố gắng giữ lại bản sắc, song vẫn đáp ứng tính tiện nghi phục vụ du khách”.
(ông PơLoong Plênh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, đầu tư và phát triển du lịch huyện Tây Giang)

Song, theo bà Nguyệt, “rào cản” trong phát triển du lịch Tây Giang bên cạnh khó khăn về nguồn kinh phí do Tây Giang là huyện nghèo mới thành lập thì khó khăn về giao thông cách trở, nguồn nhân lực du lịch cũng là trở ngại không nhỏ. “Đối với loại hình du lịch cộng đồng, vai trò của người bản địa chiếm 70%, vì vậy, cần có sự chung tay, ủng hộ của đồng bào, chủ nhân du lịch, nếu đồng bào không hưởng ứng, sẽ thất bại” - bà Nguyệt nói.

Mới đây, sự ra đời của Trung tâm Xúc tiến, đầu tư và phát triển du lịch huyện Tây Giang thể hiện nỗ lực và kỳ vọng của Tây Giang trong hành trình mới. Ông PơLoong Plênh - Phó Giám đốc trung tâm cho biết, Tây Giang đang khôi phục 10 nhà sàn, gươl và nhà dài tại Làng văn hóa truyền thống Cơ Tu, bố trí mới 6 nhà vệ sinh cùng nhiều trang thiết bị như chiếu, gối, tủ, kệ sách… phục vụ du lịch. Tại Trạm dừng chân A Zứt (xã A Vương), ngã ba tuyến đường Hồ Chí Minh dẫn về trung tâm huyện, không gian của làng truyền thống Cơ Tu cũng được tái hiện. Tại điểm dừng chân này, du khách có thể đi Đông Giang, qua A Lưới (Thừa Thiên Huế) hoặc về trung tâm Tây Giang. Nơi đây còn là “đầu mối” thông tin cung cấp các dịch vụ giải trí, tour tuyến các điểm đến của Tây Giang và vùng lân cận. Các hạng mục đường vào, bãi đậu xe, nhà vệ sinh… tại trạm cũng đang trong giai đoạn hình thành.

Có thể thấy, để đề án Phát triển du lịch huyện Tây Giang đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 đi vào thực tiễn là cả một vấn đề, cần có sự phối hợp của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực rất lớn của huyện trong việc đầu tư, xúc tiến du lịch. Song, hơn hết là sự hỗ trợ từ phía tỉnh, còn nếu chỉ đi lên bằng chính nội lực sẽ rất khó.

H.LIÊN - H.YÊN

H.LIÊN - H.YÊN