Mô hình xóa mù chữ ở Phước Sơn
Mô hình “xóa mù chữ” do Hội LHPN huyện Phước Sơn tổ chức, trong những năm qua đã phần nào giải quyết được tình trạng mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Sau những giờ lên nương rẫy, các phụ nữ Bh’noong ở thôn Xà Ê, xã Phước Mỹ, lại hăng hái đến nhà làng học cái chữ. Cô giáo trực tiếp đứng lớp là Hồ Thị Hường, Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Mỹ. “Cuộc sống đồng bào mình có nhiều khó khăn, đặc biệt là các chị em, họ bận rộn với việc nương rẫy, việc gia đình không có thời gian chăm sóc bản thân, không được học hành và bị coi thường. Để giúp phụ nữ dân tộc thiểu số hiểu được giá trị của mình đối với xã hội và gia đình, chúng tôi đã vận động các chị em chưa biết chữ đi học, và khi đó chúng tôi trở thành những cô giáo bất đắc dĩ của những học trò đã quá tuổi. Các chị học rất chăm chỉ, sau vài tháng đã biết đọc, biết viết, ai trong chúng tôi cũng phấn khởi cả”- cô Hường nói. Lớp học tại xã Phước Mỹ đã khai giảng hơn 4 tháng nay với 30 học viên đều là những phụ nữ nghèo của làng, và không một người nào vắng một buổi học. Từ chỗ không biết chữ, đến nay chị Hồ Thị Lài (42 tuổi) đã thuộc các mặt chữ, phép tính đơn giản và đã có thể tự mình dạy con học ở nhà. Chị cho hay: “Chưa từng nghĩ mình lại biết đọc, biết viết. Giờ đi đâu mình tự tin lắm, biết chữ rồi làm việc gì cũng thuận lợi, làm giấy tờ, học hỏi khoa học kỹ thuật để nuôi trồng từ sách vở. Biết chữ chúng tôi ai cũng vui mừng”.
Phụ nữ Phước Sơn tham gia học chữ rất hăng say. Ảnh: H.YÊN |
Đến nay, Hội LHPN huyện Phước Sơn đã tổ chức được 20 lớp học ở 11 xã và thị trấn với 1.000 hội viên tham gia. Các chị đến lớp thường xuyên và rất mê học chữ. Thông qua các lớp học này, trình độ của các chị được nâng lên, công tác tuyên truyền, vận động phong trào hội dễ dàng hơn. Bà Phạm Thị Lượng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phước Sơn, cho biết: “Việc dạy chữ cho phụ nữ ở Phước Sơn đã có từ lâu, được chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương về đến từng địa phương, để đạt hiệu quả cao, chúng tôi cho thành lập các câu lạc bộ tại các xã. 100% phụ nữ theo học các lớp này đều đã biết chữ, góp phần cùng các cấp ngành xã hội hóa giáo dục. Bên cạnh việc dạy chữ, tại các lớp học, cán bộ hội còn lồng ghép chương trình tuyên truyền chủ trương, chính sách của nhà nước, giới thiệu các mô hình kinh tế để chị em học hỏi, áp dụng để cải thiện đời sống và những chương trình nuôi con khỏe, dạy con ngoan cũng được cán bộ phụ nữ huyện tổ chức rất hiệu quả. Với cách làm này, Hội LHPN huyện triển khai khá thành công, đây thật sự là tín hiệu vui trong quá trình thay đổi nhận thức của đồng bào thiểu số”.
HOÀNG YÊN