Hương quê trong lòng phố
Chỉ là sự kết hợp hài hòa những sản vật “cây nhà lá vườn”, nhưng từ lúc nào không hay món bắp ngào, đậu ngào, khoai ngào đường đã ngọt lịm tình quê phố Hội. Thức quà đặc biệt này đã cùng bà mẹ quê đi khắp phố cổ, qua bao thời gian.
Bà Nguyễn Thị Được bên hàng bắp, đậu ngào đường. |
Trĩu một hồn quê
Đã bao lần đến Hội An, tôi vẫn thấy bà đạp xe quanh phố rao bán những thức quà quê, nào là bắp ngào, đậu ngào, khoai ngào… Gần 50 năm nay, người dân phố cổ đã quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ tần tảo sớm hôm cùng tiếng rao hàng và âm thanh cộc cạch phát ra từ chiếc xe đạp cũ của bà Nguyễn Thị Được (63 tuổi, sống trên đường Phan Châu Trinh, Hội An). Lúc chúng tôi đến, bà Được đang ở nhà ngào bắp, đậu, khoai để buổi chiều đi bán. Món bắp, đậu, khoai ngào của bà Được làm đòi hỏi không ít công sức. Bắp bà mua ở chợ Hội An về chế biến bắp ngào, bắp nướng mua ở Cẩm Nam, khoai thì ở Duy Vinh, Duy Nghĩa mang qua. Lấy cát trắng sàng sạch bỏ đậu chưa bóc vỏ vào, khuấy đều cho đến khi nghe mùi đậu thơm chín mới tắt lửa, sàng nhanh, để nguội rồi bóc vỏ. Sau đó cho đường và gia vị vào ngào, đó là những gia vị nào thì tôi không rõ nhưng khi ăn vào có mùi gừng cay thoảng và vị ngọt mềm. Vừa làm món đậu ngào bà Được vừa kể: “Năm 14 tuổi, cô đã theo mẹ đi bán bắp, đậu, khoai ngào rồi. Trong nhà có mấy chị em nhưng chỉ có cô là theo nghề của mẹ”. Một người đàn bà sống cùng với em trong căn nhà nhỏ, nuôi một đứa con trai. Bao nhiêu nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh hiện rõ trên gương mặt bà, nhìn bộ đồ bà ba đã bạc màu và dáng người hao gầy, tôi tự hỏi không biết mấy chục năm qua bà đã bao bận dạo đường phố cổ? Chiếc xe đạp cũ kỹ cùng bà từ thời con gái cho đến bây giờ, từ tháng này qua năm nọ. Bà dãi dầu qua bao mưa nắng, đắm mình giữa thiên nhiên, bà cho trẻ thơ nụ cười, làm ấm lòng du khách đến phố Hội.
Thu nhập từ gánh hàng không cao, một ngày bán hàng bà thu được khoảng 300 nghìn đồng, trừ hết chi phí còn khoảng 30 đến 40 nghìn đồng. Thế nhưng bao năm qua dẫu có khó khăn vất vả, thu nhập chẳng là bao so với công sức bỏ ra, bà vẫn cần cù, nhọc nhằn giữ nghề. Ngày ngày đạp xe khắp các phố Trần Phú, Nguyễn Thái Học, vẫn tiếng rao, tiếng bước chân, với những thức quà mang hương vị quê nhà… Bà không chịu rời chiếc xe đạp chở những món hàng đã từng gắn bó với bà trên quãng đường đời. Bà sợ phố buồn. Bà sợ người dân phố cổ buồn. Bà như người mang mối tình quê đi sâu và lắng đọng lòng phố. Bà Được trong tâm trí của tôi mỗi lần ghé phố Hội như một bà mẹ quê cùng gánh hàng xén trong các câu chuyện xưa, phố cổ và người cũ.
Đời phố, đời người
Bà Được cùng những món bắp, đậu, khoai ngào đã sống mấy chục năm nay ở phố Hội, vẫn nụ cười in đậm nét trong lòng người phố cổ và những ai đã từng đến để tìm bà thưởng thức vị ngon ngọt của những món quà quê. Với tôi, đó còn là thưởng thức cái chai sạm của cuộc đời bà khi gắn bó với nghề, gắn bó với tạo hóa đã cho bà, bà cho lại con phố. Bà Được như người “giữ lửa” cho thức quà đặc biệt ở phố cổ Hội An, cũng là một trong những người “cổ” nhen nhóm sức sống cho từng con phố. Phố sẽ thế nào khi vắng bà! Những người như bà Được đi qua rồi sẽ tới ai là người kế nghiệp mang thức quà quê hòa vào đời phố?
Cuộc đời bà đã gắn chặt với con phố, với cái nghề bán bắp, đậu, khoai ngào này. Nơi mái cổ với chất giọng rao bán Quảng “Nôm” đặc sệt: “Bắp, đậu, khoai ngào đây!...” như đánh thức bao suy ngẫm vu vơ, hồn phố sâu, những ô cửa vàng, đèn lồng mờ ảo… Người hàng xóm ngồi bên gánh hàng bà Được vừa dỡ xuống khỏi xe đạp tươi cười nói: “Ai đến cũng biết và cũng chỉ ăn bắp ngào cô Được. Cô Được bán mới mua. Hay thật!”. Bắp, đậu và khoai ngào bà Được bán có cả vị mặn và ngọt, là những hạt bắp, đậu được trải đều bởi một lớp hương vị mà không bị dính vào nhau, là món ngon và lạ đối với du khách. Có người ăn rồi không quên, tìm bà đặt mua với số lượng nhiều mang về làm quà. Đặc biệt ngày tết đến, những thức quà quê này của bà càng thêm ý nghĩa và được rất nhiều người mang về đãi khách. Ngoài các món bắp ngào, đậu ngào, khoai ngào, bà Được còn làm thêm bắp nướng. Bắp phải phụ thuộc vào mùa vụ nên một năm bà Được chỉ bán khoảng 3 tháng, hết mùa bắp bà tranh thủ làm thêm cao lầu, mắm dưa,… bán để tăng thêm thu nhập. Ông bà ta vẫn thường nói cái nghề và cái nghiệp phải gắn với nhau, vậy phải chăng cái nghiệp mang quà quê vào cuộc giao lưu ở phố đã trở thành cái nghề ước định sẵn cho bà.
Hương vị những thức quà đặc biệt của bà như để cho tình quê luôn thắm mãi trong lòng du khách, để rồi mặn lòng bao kẻ muốn vô tư. Những người “cổ” như bà Được là một phần không thể thiếu của Hội An. Đời phố, đời người dường như gắn chặt với nhau. Chất Quảng Nam, người Quảng, tính cách Quảng sẽ vẫn còn đậm đà tình quê dung dị và hòa mình khi có những người như bà.
HỒNG NHÂN